Nghịch lý nhà ở TP HCM: Nơi trên trời, chỗ dưới hầm

Phạm An - Minh Thanh |

Nhiều hộ dân ở 2 quận Tân Bình và Bình Tân đang đau khổ trước những công trình nâng cấp đường phố.

Điển hình là công trình nâng cấp và mở rộng đường Bạch Đằng (Q. Tân Bình, TPHCM), thời hạn thi công từ tháng 1/2015 đến tháng 2/2016, nhưng đến nay vẫn chưa xong.

Theo ghi nhận của PV, đến nay trên đường Bạch Đằng vẫn còn dày đặc lô cốt, hố to được đào khắp nơi...

Vì đây là công trình nâng cấp đường phố, hạ thấp mặt đường nên vỉa hè, nhà dân bỗng chốc cao chót vót khiến cuộc sống thường nhật của họ bị đảo lộn.

Nghịch lý nhà ở TP HCM: Nơi trên trời, chỗ dưới hầm - Ảnh 1.

Công trình nâng cấp và mở rộng đường Bạch Đằng, đường Hồng Hà (Q.Tân Bình, TP HCM) thuộc dự án đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài do Công ty TNHH MTV phát triển Sài Gòn GS làm chủ đầu tư.

Nghịch lý nhà ở TP HCM: Nơi trên trời, chỗ dưới hầm - Ảnh 2.

Anh Nguyễn Mạnh Hùng (34 tuổi, nhà số 12x, Q.Tân Bình) chia sẻ: "Nhà tôi cao hơn mặt đường khoảng 1,4 mét khiến sinh hoạt, đi lại rất khó khăn. Hiện tại xe phải gửi ngoài bãi chứ không cách nào mang vào nhà được. Khi phản ảnh với đơn vị thi công, họ bảo thông cảm và ráng đợi thêm vài tuần, nhưng từ khi làm đường đến nay đã vài tháng vẫn chưa được khắc phục".

Nghịch lý nhà ở TP HCM: Nơi trên trời, chỗ dưới hầm - Ảnh 3.

Những trường hợp như nhà của anh Hùng không phải hiếm hoi, mà hầu hết các hộ dân đều phải lay hoay với việc đi ra, đi vào nhà mình như thế nào khi có nhiều hộ bị vật liệu thi công, hố sâu, cát nền… bít lối đi.

Nghịch lý nhà ở TP HCM: Nơi trên trời, chỗ dưới hầm - Ảnh 4.

Theo chủ một cơ sở bán giày dép tại đây: "Trước tiệm của tôi đã bị đào hố lần này là lần thứ 3, họ (đơn vị thi công – PV) trả lời hai lần trước là lắp đặt cống, lần này lắp dây điện, dây cáp nữa là xong. Biết đây là công việc của họ nhưng ảnh hưởng đến kinh doanh rất nhiều. Đợt này họ đào hố sâu choáng hết cửa tiệm, nhưng đã hai tuần nay chưa thấy lắp lại".

Nghịch lý nhà ở TP HCM: Nơi trên trời, chỗ dưới hầm - Ảnh 5.

Bà Thanh (56 tuổi, nhà số 5x) thêm vào: "Có nơi họ còn làm cho một lối nhỏ đi vô, có nơi chủ nhà phải tự lắp, nhưng họ cũng không cho lắp nhiều, thành ra xe máy đi vào rất sợ, nếu không may cả xe và người đều rơi xuống hố. Tôi bắt các con của mình phải đi gửi xe ở ngoài thì mới yên tâm. Nhưng bãi xe xa cũng tội chúng đi bộ về nhà, bụi dữ lắm".

Nghịch lý nhà ở TP HCM: Nơi trên trời, chỗ dưới hầm - Ảnh 6.

Những con dốc cao và đường vào nhỏ, tạm bợ, hai bên là hố sâu khiến chủ hộ phải giữ xe bên ngoài chứ không dám chạy vào nhà.

Nghịch lý nhà ở TP HCM: Nơi trên trời, chỗ dưới hầm - Ảnh 7.

Cả hai căn hộ cạnh nhau không biết xử lý phương tiện và lên xuống nhà một cách tạm bợ.

Trong khi những hộ dân ở đường Bạch Đằng đau đầu vì nhà quá cao, thì ở đường Kinh Dương Vương quận Bình Tân lại khóc thét vì nhà trở thành hầm tối tăm, bức bí.

Nằm trong dự án chống ngập của thành phố, hơn 3 km đường Kinh Dương Vương (từ mũi tàu Phú Lâm đến vòng xoay An Lạc) thuộc quận Bình Tân TP.HCM được nâng nền, khiến người dân gặp nhiều trở ngại trong sinh hoạt.

Nghịch lý nhà ở TP HCM: Nơi trên trời, chỗ dưới hầm - Ảnh 8.

Được biết, đường Kinh Dương Vương được nâng trung bình 0,7m, vỉa hè nâng từ 0,4-1,2m, dẫn đến việc nhà dân thấp hơn vỉa hè từ 0,6-1m.

Nghịch lý nhà ở TP HCM: Nơi trên trời, chỗ dưới hầm - Ảnh 9.

Bà Quyền đang mệt mỏi với việc buôn bán ế ẩm, khói bụi mịt mù tại đây.

Bà Trần Thị Thanh Quyên sống ở căn nhà 721B Kinh Dương Vương cũng than vãn: "Tôi bán gạo ở đây gần 20 năm rồi.

Trước đây mỗi ngày bán được hơn 100kg gạo mà từ khi thành phố có chủ trương nâng con đường này thì tôi buôn bán rất ế ẩm, bây giờ mỗi ngày bán chỉ được khoảng 20kg là cùng.

Mặt đường cao hơn nhà thì mình cũng phải sửa chữa, nâng nền chứ ở vậy bức bí, và ngột ngạt lắm làm sao sống được nhưng để có tiền xây nhà thì không phải ai cũng có. Gia đình tôi định bán căn nhà này để tìm một ngôi nhà khác để sinh sống".

Nghịch lý nhà ở TP HCM: Nơi trên trời, chỗ dưới hầm - Ảnh 10.

Anh Bình cho biết: "Giờ phải sửa nhà nâng nền thì mới ở được, mà chi phí sửa nhà cũng rất lớn nên người dân chúng tôi cũng mong sao nhà nước hỗ trợ phần nào để giúp người dân có tiền sửa nhà".

Nghịch lý nhà ở TP HCM: Nơi trên trời, chỗ dưới hầm - Ảnh 11.

Nhà anh Bình phải nâng nền nhà lên 0,7m, chi phí việc nâng nền lên đến 50 triệu đồng.

Nghịch lý nhà ở TP HCM: Nơi trên trời, chỗ dưới hầm - Ảnh 12.

Về việc này, ông Bùi Xuân Cường - Giám đốc Sở GT-VT cho biết: Đường Kinh Dương Vương được tính từ cơ sở mức triều cao nhất là 1m68 nên mép đường Kinh Dương Vương phải được tính ở mức 1,7m. Điều này do trục đường Kinh Dương Vương có cốt nền tính theo mức triều dưới 1 mét.

Nghịch lý nhà ở TP HCM: Nơi trên trời, chỗ dưới hầm - Ảnh 13.

Với tình trạng đường Bạch Đằng (quận Tân Bình) thấp hơn nhà dân 1,6m, ông Cường cho hay, khu quản lý giao thông đô thị số 1 đã thông tin cho UBND quận Tân Bình từ năm 2008 nhưng sau đó nhiều năm dự án này mới được xây dựng nên xảy ra tình trạng như trên.

"Hiện Sở cũng đã đưa ra nhiều giải pháp như đề nghị nhà dân hạ cốt nền xuống, tập trung làm vỉa hè để người dân đi lại dễ dàng hoặc làm các đường gom cho cụm hộ dân kết nối từ nền nhà xuống đường", ông Cường nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại