9 đứa con và 1 cháu nội, cuộc sống của gia đình Mona Liza Vito thực sự đã luôn khó khăn, kể cả lúc trước dịch.
Vito từng phải mất hàng giờ để bóc tỏi, kiếm được khoảng 2 đô (hơn 46 ngàn đồng tiền Việt) mỗi ngày, còn chồng cô làm công nhân xây dựng. Nhưng Covid-19 tước đi của họ tất cả, kể từ khi Philippines phải ban hành lệnh phong tỏa. Giờ đây, việc cố gắng lo xong bữa cho ngần ấy miệng ăn trở thành một gánh nặng, một sự sinh tồn đích thực.
"Chúng tôi chẳng còn gì để mua đồ ăn cho lũ trẻ, hay chi tiêu lặt vặt mỗi ngày," - Vito ngán ngẩm. "Có lúc đến đêm chẳng còn gì ăn, chúng tôi cũng chỉ biết ôm bụng đói chờ đến hôm sau."
Mona Liza Vito
Vito sống ở Baseco, một trong những khu vực nghèo nhất Manila, nơi 60.000 người chen chúc trên một miếng đất gần cảng. Các khu định cư này phải dựa rất nhiều vào hoạt động kinh tế ở cảng, nhưng đa số đã phải dừng lại. Cùng với đó, lệnh phong tỏa bao gồm cả việc cấm ra khơi đánh cá, cắt bỏ kế sinh nhai của vô số người.
"Nếu không đánh cá thì chẳng có gì để ăn. Một số cầm cự bằng gạo với muối và nước," - Nadja de Vera, điều phối viên dự án của tổ chức Tulong Anakpawis cho biết. "Thực sự sốc khi biết số người nghèo ở đây nhiều đến như thế nào."
Trên thực tế thì ngay cả trước dịch, Philippines đang nằm trong nhóm các nước nghèo nhất châu Á. Cuối năm 2020, gần 1/4 người Philippines phải sống trong cảnh nghèo túng, với thu nhập chỉ khoảng 3 đô mỗi ngày - theo thống kê của World Bank.
Baseco - nằm trong số khu vực nghèo nhất Philippines
Hơn 3 triệu trẻ em tại Philippines chậm tăng trưởng và thấp còi, trong đó 618.000 trẻ suy dinh dưỡng. Đó là những con số với tỉ lệ ở mức cao nhất thế giới, và được ghi nhận từ trước khi lệnh phong tỏa gần nhất được đưa ra (3/2021).
Để nhanh chóng đưa nền kinh tế quay trở lại, chính phủ Philippines đặt trọn hy vọng vào vaccine. Nhưng nghịch lý thay, bất chấp việc vaccine đang là công cụ quan trọng nhất để chấm dứt dịch bệnh, số người Philippines chấp nhận tiêm chủng lại ở mức thấp đến ngỡ ngàng.
Chỉ có thể ăn 1 bữa mỗi ngày
Cơn hỗn loạn của nền kinh tế Philippines bắt đầu từ tháng 3/2020, khi Tổng thống Rodrigo Duterte ra lệnh phong tỏa thủ đô Manila và các khu vực xung quanh. Lệnh cấm ấy kéo dài hàng tháng trời.
Kể từ đó, các lệnh hạn chế được dỡ bỏ rồi lại siết chặt, tùy theo tình hình dịch bệnh. Lần phong tỏa gần nhất là hồi tháng 3/2021 và kéo dài tới giữa tháng 5, khi số ca nhiễm giảm từ mức 10.000 xuống 5.000 ca mỗi ngày. Dẫu vậy, mối đe dọa từ virus vẫn lơ lửng, cùng với đó là sự nhọc nhằn của nền kinh tế.
Nadja de Vera
Vera từ tổ chức Tulong Anakpawis đã tổ chức bếp ăn từ thiện tại Baseco, là một trong số hàng trăm ngân hàng thực phẩm đang nỗ lực giảm tải cơn khủng hoảng đói ăn của đất nước này. Mỗi khi có tin bếp từ thiện đang tới, hàng trăm người lại lao ra xếp hàng, với hy vọng mang về một phần nhỏ đồ ăn. Bi kịch là đôi lúc những người vất vả lắm mới đứng được vào hàng lại không có gì cầm về, vì số lượng thực phẩm là không đủ.
Trong đại dịch, chính phủ đã cố gắng phân phối và hỗ trợ tiền cho người nghèo - khoảng 4000 peso (hơn 1,8 triệu đồng). Vito cho biết cô sử dụng số tiền này để trả nợ, mua thuốc, và trang trải phần nào chi phí cho gia đình. Tuy nhiên, con số ấy không thể đủ, và các bếp từ thiện là thứ gia đình cô bấu víu để sinh tồn trong giai đoạn này.
Đói tuyệt vọng, nhưng vẫn nói không với vaccine
Chính phủ Philippines hiểu rằng vaccine chính là cách duy nhất để đưa đất nước ra khỏi cơn khủng hoảng. Nhưng họ gặp khó trong việc thuyết phục người dân chấp nhận tiêm chủng.
Ở thời điểm hiện tại, chỉ 1% dân số của đất nước 108 triệu người được tiêm chủng 2 mũi. Tuần qua, chính phủ công bố họ nhận được 8,2 triệu liều, nhưng mới chỉ 4 triệu được tiêm 1 mũi. Nhiều người Philippines thậm chí tuyên bố sẽ không bao giờ tiêm.
Các bếp ăn từ thiện có hàng trăm người xếp hàng
Theo một khảo sát của Trạm Thời tiết Xã hội (SWS) trên 1200 người trong tháng 5, 68% người được hỏi cho biết họ không chắc hoặc không muốn tiêm vaccine. Nỗi trăn trở lớn nhất của họ là tác dụng phụ sau khi tiêm, rằng họ có thể chết vì nó. Để so sánh thì một khảo sát khác của Gallup trên 116 quốc gia và vùng lãnh thổ trong năm 2020 cho thấy chỉ 32% người từ chối tiêm mà thôi.
Sự thiếu tin tưởng vào tiêm chủng là một vấn đề lớn của Philippines, trong đó liên quan đến vaccine sốt xuất huyết từng gây tranh cãi mạnh ở đất nước này. Năm 2017, Philippines đã phải chặn một lô hàng vaccine cỡ lớn sau khi công ty dược phẩm Pháp Sanofi Pasteur phát hiện vaccine sốt xuất huyết của họ - Dengvaxia - có thể gây biến chứng nặng cho những người chưa từng mắc bệnh. Nhưng ở thời điểm đó, đã có 730.000 người tiêm vaccine này.
Ảnh minh họa
Sự ngần ngại tiêm chủng của người Philippines đang ngăn cản hy vọng miễn dịch cộng đồng của đất nước, cùng mục tiêu tiêm cho 50 - 70 triệu dân mà chính phủ đặt ra vào cuối năm nay.
Được biết, chương trình tiêm chủng của Philippines được thực hiện từ tháng 3/2021, nhưng tiến triển rất chậm. Hiện tại vẫn chỉ dừng ở giai đoạn tiêm cho nhân viên y tế, người già và những ai có tiền sử bệnh nguy hiểm.
Để kêu gọi công chúng, Tổng thống Duterte quyết định tự mình tiêm công khai vaccine Sinopharm từ Trung Quốc hồi đầu tháng 5 với truyền thông đại chúng. Nhưng việc này lại phản tác dụng, vì chẳng bao lâu sau chính ông Duterte đã phải dừng chương trình tiêm Sinopharm vì loại vaccine này chưa được cơ quan dược phẩm quốc gia cấp phép.
Điều trị Covid bằng những phương pháp... lạ
Theo Bác sĩ Mike Marasigan - chuyên gia từ Sở Y tế thành phố Quezon, điều khó nhất là thuyết phục được các cộng đồng nghèo của Philippines. "Rất khó để nhắm đến các khu vực này, ngay cả việc thuyết phục họ báo cáo triệu chứng. Họ chính là nhóm khó thuyết phục tiêm vaccine nhất."
Letty Zambrona (65 tuổi), một thợ may đã về hưu tại Paranaque (Manila) là một ví dụ. Bà cho biết sẽ không tiêm, dù nằm trong nhóm người cao tuổi chịu rủi ro cao, đang mắc tiểu đường và có tiền sử cao huyết áp.
"Lý do tôi không tiêm là vì tác dụng phụ tôi nghe được trên TV, như bị đông máu trong não," - bà cho biết.
Cũng theo bà Letty, chồng bà cũng thấy như vậy. Cả hai không lựa chọn vaccine, mà chọn chữa trị theo phương pháp cổ truyền. "Không cần phải lo lắng nếu đột nhiên xuất hiện triệu chứng. Trên thực tế, chúng tôi trị bằng gừng, chanh, mật ong."
Marasigan cho biết, một số người thậm chí còn nghĩ mình không thể nhiễm virus. "Bởi họ tiếp xúc với quá nhiều thứ - ô nhiễm, hóa chất, mọi thứ, nên họ nghĩ mình đã miễn dịch."
Quay trở lại với Baseco, các khoản chi trả của Vito gia tăng khi tất cả mọi người đều ở nhà. Hầu hết các ngày, gia đình họ chỉ đủ tiền để mua một bình nước và uống chung. Và việc các con phải học online nghĩa là họ phải trả thêm 19 đô mỗi tháng cho internet - một khoản tiền lớn đối với một gia đình không có thu nhập.
Lựa chọn giữa việc học và cái ăn giờ cũng rất khó khăn. "Nếu không trả tiền thì con không được vào lớp. Tôi thà lấy tiền đó cho con ăn đủ còn hơn."
Trở về nhà sau khi nhận được một túi đồ ăn từ bếp từ thiện - gồm đậu xanh, gạo và vài loại rau củ, Vito cho biết cô phải chia nhỏ chỗ này để giúp gia đình tồn tại được trong nhiều ngày. Với những gia đình như Vito, nỗi sợ virus chẳng thấm vào đâu so với nỗi lo đủ ăn mỗi ngày.
Nguồn: CNN