Sau ngày thi đấu đầu tiên của EURO 2016, người ta nhắc rất nhiều đến Payet, với những lời ngợi khen, những thống kê quá trình anh thi đấu ở Lille, ở Marseille, ở West Ham và cả với những đồn đoán về tương lai của anh sau mùa Hè này.
Barca hay Real? Man United hay Man City? Nơi nào sẽ là đích đến của Payet? Tự người ta đặt ra câu hỏi, và cũng tự người ta suy đoán đáp án cho chính mình.
Sau ngày thi đấu thứ hai của EURO 2016, người ta nhắc nhiều đến Eric Dier, chàng trai 22 tuổi của bóng đá Anh, người mới chỉ 8 lần khoác áo đội tuyển.
Tất nhiên, lại giống như Payet, những gì Dier làm được ở mùa bóng vừa rồi cho Tottenham cũng được kể lại, như phụ họa thêm cho sự lấp lánh của một ngôi sao.
Con người ta vốn vậy, đang mê say trong cái gì đó mới mẻ, ta sẽ rất dễ đi tìm thêm những câu chuyện để biến chúng thành huyền thoại một cách từ từ.
Dier là ai? Lục tìm báo sáng nay nhé, còn trước đấy, bạn không biết cũng bình thường thôi!
Thật may cho ĐT Anh là ngày trước có lúc Eric đề nghị mình được chơi cho ĐT Bồ Đào Nha nhưng bị FIFA từ chối vì không đủ tuổi.
Có một câu hỏi đặt ra lúc này là nếu Payet không có cú sút xa thần kỳ ở phút 89 và Dier không có cú sút phạt hàng rào tung lưới tuyển Nga, có ai sẽ nhắc đến họ một cách ồn ào như vậy hay không?
Câu trả lời cho câu hỏi ấy cũng rất đơn giản. Sẽ không ai nhắc tới họ với mật độ như thế cả.
Thay vào đó, người ta sẽ bàn về Pogba, về Griezmann, về Rooney, về Kane…, những ngôi sao đã thành danh trước họ đủ lâu để trở thành từ khóa.
Nhưng cũng còn một đáp án khác, dù không đi vào trọng tâm của câu hỏi kia, nhưng ắt hẳn sẽ khiến rất nhiều người phải suy nghĩ.
Đó là nếu không ghi bàn đi chăng nữa, Payet vẫn là cầu thủ chơi hay nhất trong đội hình Pháp ở trận gặp Romania và Dier cũng là một trong số ít những cầu thủ chơi hay nhất trong trận Anh gặp Nga. Không có gì có thể phủ nhận đuợc nhận định đó cả, không có bất kỳ lý do gì.
Thế mới hiểu rằng, chúng ta chỉ luôn chú trọng vào kết qủa cuối cùng mà không bao giờ chúng ta chịu dành thời gian để quay lại xem xét cả một quá trình một cách cẩn trọng, có cân nhắc và đòi hỏi thật nhiều cứ liệu, thông tin.
Không thể phủ nhận rằng kết quả cuối cùng vẫn là điều mà chúng ta quan tâm nhất, và kết quả cuối cùng luôn được coi là dữ kiện cơ bản để đánh giá.
Song, kết quả cuối cùng không phải là dữ kiện duy nhất, cũng không phải là dữ kiện quan trọng nhất, để đánh giá như cái cách chúng ta vẫn thường quan niệm một cách mặc định, đặc biệt là khi đánh giá về nỗ lực, về đóng góp, về thành tựu của một cá nhân cụ thể.
Câu chuyện của Payet đặc biệt đến nỗi anh đã khóc sau khi ghi siêu phẩm. Nhưng NHM đa phần chỉ biết và nhớ về siêu phẩm đó mà thôi!
Với từng cá nhân con người, chúng ta phải thận trọng để nhìn xuyên suốt vào chặng đường họ đã qua, những đóng góp từ nhỏ nhất mà họ đã có. Nếu chỉ nhìn vào kết quả cuối cùng, chắc chắn sẽ luôn có những đánh giá bất công, khiến những con người bị đánh giá cảm thấy mình đã không được đáp đền xứng đáng.
Thế mới hiểu, bóng đá hoá ra không chỉ đơn giản là một cuộc cạnh tranh thể thao đơn thuần; EURO cũng không đơn giản chỉ là một giải thể thao mang tính giải trí cao với bản quyền truyền hình đắt đỏ.
Nó có những câu chuyện riêng, soi chiếu thẳng vào đời sống, diễn ra mỗi ngày, mỗi giờ. Chỉ có điều, chúng ta có nhìn ra được ánh xạ soi chiếu đó hay không mà thôi.
Tất nhiên, suy ngẫm với nhau như vậy nhưng chỉ thoáng qua một thời gian ngắn, chúng ta sẽ quay trở lại với những sa lầy cũ, với những đánh giá đơn thuần chỉ dựa hoàn toàn trên kết quả cuối cùng, mà cụ thể là qua những bàn thắng mà cầu thủ nào đó ghi được, qua danh hiệu mà một đội bóng nào đó chinh phục được.
Anh 1-1 Nga
Điều đó đã trở thành một thói quen cố hữu của loài người, một thói quen không hẳn đã là xấu nhưng khó có thể nói rằng nó là một thói quen nên được duy trì, nhất là ở thời đại này, khi mọi cánh cửa dữ liệu, mọi biên độ tranh luận đã được mở rộng tối đa, nhờ vào sức mạnh của công nghệ thông tin.
Vậy nên, hãy xem bóng đá và lựa chọn thật chuẩn xác (theo tiêu chuẩn riêng của mình đặt ra cũng được) những cá nhân xuất sắc nhất dựa trên quá trình một trận đấu, một giải đấu mà cá nhân ấy đã trải qua thay vì dễ dãi sa đà vào sự choáng ngợp của những kết qủa cuối cùng vốn dĩ dễ tác động cảm xúc.
Và khi quay trở lại với cuộc sống thường ngày, chúng ta sẽ quen với một thói quen mới mỗi khi đối diện với lượng thông tin ngồn ngộn mà ta tiếp nhận hàng ngày.
Hôm qua là Payet, hôm nay là Dier. Còn ngày mai, ngày kia, sẽ còn là những ai nữa???