Nghịch lý các dự án BOT - Bài cuối: Thanh tra Chính phủ vào cuộc

Trọng Đảng |

Bộ GTVT cho biết, trong tuần này sẽ tổng kết và rút kinh nghiệm về các dự án BOT.

Trước việc một số dự án BOT có suất đầu tư cao và bị dư luận “tố” thiếu minh bạch trong thu phí được Tiền Phong phản ánh trong loạt bài này, Thanh tra Chính phủ cho biết, đang tổng hợp các báo cáo từ các bộ ngành, để xem xét thanh tra. Với dự án nâng cấp đường Pháp Vân - Cầu Giẽ,

Thanh tra Chính phủ đang thực hiện thanh tra. Bộ GTVT cho biết, trong tuần này sẽ tổng kết và rút kinh nghiệm về các dự án BOT.

Phát hiện dự án có mức thu phí vượt dự toán

Theo lãnh đạo Bộ GTVT, trong giai đoạn từ 2011 đến 2015, Bộ GTVT đã huy động được khoảng 186.000 tỷ đồng đầu tư các dự án phát triển hạ tầng giao thông theo hình thức xã hội hóa, trong đó có khoảng 60 dự án BOT với 33 dự án đường cao tốc BOT đi vào hoạt động.

Gần đây dư luận nhân dân và cả trên nghị trường Quốc hội có nhiều ý kiến băn khoăn về tính hiệu quả cũng như minh bạch của nhiều dự án trong số này.

“Sau khi yêu cầu các đơn vị trực tiếp có trách nhiệm trong việc triển khai các dự án trên rà soát, trong tuần này Bộ GTVT sẽ tổ chức hội nghị tổng kết 5 năm kêu gọi đầu tư phát triển hạ tầng giao thông theo hình thức BOT.

Từ đó, Bộ GTVT sẽ có các đánh giá, rút kinh nghiệm cụ thể”, ông Trương Quang Nghĩa, Bộ trưởng Bộ GTVT khẳng định với PV Tiền Phong.

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, Tổng Cục vừa hoàn thành báo cáo công tác quản lý các dự án BOT gửi lãnh đạo Bộ.

Theo ông Huyện, qua công tác quản lý, rà soát vừa qua cho thấy, doanh thu từ thu phí của các dự án được đưa vào hoạt động trong năm 2015 đã vượt con số nhà đầu tư tính toán ban đầu.

Cụ thể, trong của 33 dự án BOT đã đi vào hoạt động trên cả nước, năm 2015 nhà đầu tư đã thu được 2.864 tỷ đồng, mức thu này đã vượt hơn 20 tỷ đồng so với phương án tính toán thu ban đầu của nhà đầu tư.

Dẫn chứng một số dự án có số thu vượt mức tính toán ban đầu, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, dự án QL1 đoạn tránh thành phố Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình) năm 2015 có doanh thu thực tế 110,9 tỷ đồng, trong khi phương án tài chính của dự án tính toán thu ban đầu là 90,424 tỷ đồng, thu vượt trên 20 tỷ đồng.

“Siêu” dự án sẽ bị rút ngắn thời gian thu

Với dự án nâng cấp đường Pháp Vân - Cầu Giẽ, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam thông tin, trong 4 tháng đầu năm 2016, dự án thu được 167 tỷ đồng.

Với lý do đang kiểm tra, rà soát lại quá trình thu phí tại đây nên Tổng cục Đường bộ Việt Nam chưa đưa ra con số dự án này thấp hay cao so với dự toán ban đầu.

Tuy nhiên theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, số thu được nhà đầu tư tính toán ban đầu của năm 2016 là khoảng 41 tỷ đồng/tháng.

Nếu căn cứ vào số lưu lượng phương tiện thực tế trên đường mà chúng tôi khảo sát và cùng với một số cơ quan độc lập đo đếm được nêu trong bài 2 của loạt bài này, mỗi tháng tuyến đường đang có doanh thu khoảng 50 tỷ đồng.

Với con số này chỉ cần 11 năm 7 tháng là nhà đầu tư hoàn đủ số tiền 6.731 tỷ đồng đầu tư dự án, không cần phải 17 năm 3 tháng như hợp đồng BOT đã ký với Bộ GTVT.

Ngoài ra, phương án này cũng chưa cần tính đến lượng phương tiện mỗi năm tăng thêm 15% và theo hợp đồng cứ 3 năm nhà đầu tư lại được tăng thêm mức phí 18%.

Cho biết quan điểm về những dự án đang có số thu chênh lệch lớn, lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng, từ báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ GTVT cũng đang xem xét thêm các dự án khác và sẽ có điều chỉnh cho phù hợp.

Theo đại diện Bộ GTVT, Bộ đang chỉ đạo các ban quản lý cùng với nhà đầu tư tập trung rà soát toàn bộ chi phí đầu tư trong quá trình thực hiện. Phát hiện dự án nào hiệu quả, có lưu lượng xe cao hơn so với mức tính toán ban đầu, Bộ GTVT sẽ thống nhất với Bộ Tài chính để báo cáo Chính phủ giảm mức thu phí cho phương tiện hoặc rút ngắn thời gian thu phí.

Lộ trình dự kiến thực hiện việc này, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, chậm nhất tháng 8 liên Bộ GTVT – Tài chính sẽ công bố một số các dự án có sự điều chỉnh mức thu, thời gian thu phí.

Thanh tra Chính phủ vào cuộc

Liên quan đến một số dự án BOT có suất đầu tư cao và bị dư luận phản ứng thiếu minh bạch trong thu phí, Thanh tra Chính phủ cho biết, đang tổng hợp các báo cáo từ các bộ ngành, trong đó nội dung về các dự án BOT để xem xét triển khai các kế hoạch thanh tra trong thời gian tới.

Với dự án nâng cấp đường Pháp Vân - Cầu Giẽ, theo nguồn tin của Tiền Phong, Thanh tra Chính phủ đã vào cuộc thanh tra dự án này.

Lãnh đạo Cty Cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ cũng đã xác nhận sự việc và cho biết: Đoàn Thanh tra Chính phủ đã thực hiện công tác thanh tra tại dự án.

“Cty Cổ phần BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ đã làm việc và cung cấp, giải trình đẩy đủ hồ sơ, số liệu phục vụ công tác thanh tra.

Hiện nay Đoàn Thanh tra đang dự thảo báo cáo kết quả thanh tra dự án”, đại diện lãnh đạo Cty Cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ cho hay.

Liên quan đến suất đầu tư và giá phí tại dự án cao, ông Phạm Văn Khôi, Chủ tịch HĐQT Cty Cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ cho rằng, tất cả các dự án BOT đều giống nhau ở đơn giá thi công do Nhà nước ban hành.

Tuy nhiên, dự án Pháp Vân – Cầu Giẽ có chi phí đầu tư cao, là do phải giải phóng mặt bằng ở giai đoạn 2 với số lượng lớn. Cùng với đó, chi phí lãi vay ngân hàng cao cũng là nguyên nhân khiến chi phí dự án cao.

Về việc công ty bị “tố” là không minh bạch trong thu phí khi không công bố lưu lượng phương tiện trên tuyến, ông Khôi cho rằng, số liệu này liên tục được gửi về Tổng cục Đường nộ Việt Nam.

Vị Chủ tịch này cũng không giấu giếm: “Tôi cũng khẳng định với cơ quan chức năng là quân của tôi không phải tốt tuyệt đối 100%, nhưng chúng tôi vốn từ lớp vỡ lòng làm dự án, muốn lên đại học (chuyên nghiệp) phải có thời gian.

Do vậy, không tránh được những khiếm khuyết, mong các anh ấy (cơ quan chức năng) thông cảm”, ông Khôi nói.

Dừng tăng phí cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình

Ngày 5/6, Tổng Cty Đầu tư và phát triển đường cao tốc (VEC) thông báo dừng tăng phí cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình sau chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc Chính phủ tháng 5/2016 về việc không tăng phí BOT. Để bù đắp các khoản thiếu hụt có thể xảy ra do việc lùi thời hạn tăng phí, VEC tăng cường áp dụng biện pháp tiết kiệm chi phí, nâng cao công tác quản trị doanh nghiệp, tìm kiếm các nguồn thu khác để bổ sung.

Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình dài 50 km, hoàn thành ngày 30/6/2012, thu phí 1.500 đồng/phương tiện /km. Cuối tháng 3/2016, sau khi hoàn thành nâng cấp mặt đường, VEC xin Bộ GTVT điều chỉnh mức phí thêm 500 đồng/phương tiện/km. Theo phương án tài chính được phê duyệt, ngày 1/7/2016 là thời điểm dự án được phép điều chỉnh mức phí.

Sỹ Lực

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại