Nợ Chính phủ "vượt trần"
Theo báo cáo thẩm tra về mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016 - 2020 do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, giai đoạn 2011 - 2015 đã huy động được khối lượng vốn lớn cho đầu tư phát triển với khoảng 2.448 nghìn tỷ, chiếm 44% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
Chất lượng công tác quản lý nợ từng bước được nâng lên, tiệm cận dần với thông lệ quốc tế.
Tuy nhiên, theo ông Hải tình hình huy động, quản lý, sử dụng vốn vay còn nổi lên nhiều hạn chế, trong trung và dài hạn có khả năng sẽ ảnh hưởng tới an ninh tài chính quốc gia.
Nợ công tính đến năm 2015 là 2.608 nghìn tỷ đồng, bằng 62,2% GDP. Tuy vẫn trong giới hạn cho phép song tốc độ tăng bình quân cả giai đoạn (18,4%/năm) là khá cao, gấp hơn 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP.
Tỷ lệ nợ Chính phủ/GDP tăng từ 39,3% năm 2011 lên 50,3% năm 2015. Đặc biệt, chỉ tiêu nợ Chính phủ/GDP năm 2015 là 50,3% đã vượt giới hạn trần cho phép (50%).
Chưa kể, mức dư nợ công được tính theo báo cáo của Chính phủ chưa bao gồm các khoản nợ có tính chất nợ công, chính sách, nợ khối lượng xây dựng cơ bản,...
"Nếu tính đủ các khoản này thì thực chất dư nợ công sẽ tiệm cận hoặc vượt giới hạn cho phép", báo cáo của Ủy ban Tài chính Ngân sách nêu rõ.
Ngoài ra, theo báo cáo, các khoản nợ tự vay, tự trả của doanh nghiệp Nhà nước về nguyên tắc thuộc nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của doanh nghiệp song trong trường hợp doanh nghiệp không có khả năng trả nợ rất có thể sẽ chuyển thành nghĩa vụ nợ dự phòng của Chính phủ, nếu quản lý không chặt chẽ sẽ chuyển thành nợ chính thức của Chính phủ, tạo thêm áp lực cho ngân sách.
Ảnh: Quochoi.vn
Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị Chính phủ báo cáo, đánh giá rõ hơn về mức dư nợ công sau khi tính cả các khoản nợ có tính chất nợ công, các khoản nợ khác của ngân sách Nhà nước.
Đồng thời, tổng hợp, cung cấp số liệu liên quan đến nợ của doanh nghiệp Nhà nước, đánh giá sâu hơn về khả năng nợ xấu của các doanh nghiệp này có nguy cơ chuyển thành nghĩa vụ nợ dự phòng của Chính phủ; số đã chuyển từ nợ dự phòng thành nợ chính thức của Chính phủ.
Vay đảo nợ tăng nhanh
Theo báo cáo thẩm tra, số liệu tổng hợp cho thấy, vốn vay trong nước ngắn hạn chiếm tỷ lệ cao, lãi suất cao, thời gian trả nợ ngắn nhưng lại được sử dụng cho các công trình, dự án có đầu tư và thu hồi vốn dài. Tỷ lệ nghĩa vụ nợ gồm cả đảo nợ đã vượt giới hạn cho phép.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, khả năng cân đối nguồn để trả nợ gặp nhiều khó khăn, bố trí chi trả nợ hàng năm chưa tương xứng với nghĩa vụ trả nợ đến hạn, vay đảo nợ tăng nhanh, với khối lượng lớn trong nhiều năm, năm sau cao hơn năm trước.
Năm 2013 vay đảo nợ là 47.000 tỷ đồng, năm 2014 là 106.000 tỷ đồng, đến năm 2015 là 125.000 tỷ đồng. Thể hiện cơ cấu, kỳ hạn vay cũng bất hợp lý, hiệu quả sử dụng vốn vay thấp, không thu hồi được nguồn để trả nợ.
"Đặc biệt, cần chú ý đến chỉ số rất quan trọng, là một trong những thước đo để đánh giá mức độ an toàn nợ công là tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ (bao gồm cả đảo nợ và cho vay lại) trên tổng thu ngân sách nhà nước khi chỉ số này đang có xu hướng tăng nhanh (chỉ số này tăng từ mức 21,7% năm 2013 lên mức 28,2% năm 2014 và 29,2% năm 2015), vượt mức trần 25%, ảnh hưởng tới an ninh tài chính quốc gia.
Trong khi đó, hiệu quả sử dụng vốn vay chưa cao. Một số dự án vay lại từ nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ, dự án được Chính phủ bảo lãnh khó khăn trong trả nợ.
Một số dự án sử dụng vốn vay điều chỉnh tổng mức đầu tư lớn, kéo dài thời gian thi công, chưa đưa vào khai thác, vận hành như Công ty Cổ phần gang thép Thái Nguyên, Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông,...", báo cáo nêu rõ.
Vì vậy, Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị Chính phủ đánh giá sâu hơn về hiệu quả sử dụng vốn vay, cung cấp số liệu các dự án được Chính phủ bảo lãnh vay vốn, dự án Chính phủ vay về cho vay lại không hiệu quả, khó khăn trong trả nợ hoặc không có khả năng trả nợ, phải cơ cấu lại nợ, số tiền phải trả nợ thay.
Theo dự báo, giai đoạn 2016-2020, nhu cầu vốn vay rất lớn song sẽ rất khó khăn trong việc huy động.
Ngoài việc duy trì ngưỡng an toàn nợ công/GDP, nợ nước ngoài của quốc gia/GDP như giai đoạn vừa qua, Chính phủ đề xuất nâng chỉ tiêu giới hạn nợ Chính phủ/GDP từ mức 50% hiện nay lên mức trần 55%.
Đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng, trong bối cảnh ngân sách còn nhiều khó khăn, an ninh tài chính quốc gia chưa thực sự vững chắc thì về cơ bản, cần duy trì ngưỡng an toàn nợ công như giai đoạn 2011-2015 (nợ công so với GDP là 65%, nợ Chính phủ so với GDP là 50%, nợ nước ngoài của quốc gia là 50%) và thắt chặt việc quản lý, sử dụng vốn vay.
Đối với chỉ tiêu nợ Chính phủ/GDP, có thể cân nhắc quy định ngưỡng tối đa là 53% song đến năm 2020 đề nghị đưa về mức giới hạn 50%.
Ủy ban Tài chính Ngân sách cũng lưu ý, giai đoạn tới là giai đoạn hội nhập sâu vào các khu vực tự do thương mại FTA, thực hiện TPP, dự báo sẽ tác động đến thu ngân sách.
Các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách nếu không được tính toán kỹ, thiếu chính xác sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới các chỉ số an toàn về nợ công.
Chính phủ cần kiểm soát các khoản nợ tiềm ẩn phát sinh từ nợ của khu vực doanh nghiệp Nhà nước có nguy cơ chuyển thành nợ công. Ủy ban đề nghị quy định các khoản nợ dự phòng khi chuyển thành nợ chính thức của Chính phủ cần báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.
Theo báo cáo, dự án Metro Hà Nội tăng tổng mức từ 783 triệu EUR lên 1.176 triệu EUR, dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông tăng từ 8.769 tỷ đồng lên 18.001 tỷ đồng.
Dự án Cải thiện môi trường Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc tăng TMĐT từ 1.751 tỷ đồng lên 4.024 tỷ đồng, dự án nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 1 từ mức 11.464 tỷ đồng lên 22.259 tỷ đồng và kiến nghị tăng thêm 26.051 tỷ đồng.
Dự án nhiệt điện Ô Môn 1 điều chỉnh tăng từ 8.267 tỷ đồng lên 11.538 tỷ đồng, tăng lần 3 lên 16.988 tỷ đồng...