“Nghị viện châu Âu kêu gọi EU và các quốc gia thành viên cân nhắc đưa vụ kiện lên Toà án Công lý quốc tế, với lý do quyết định của Trung Quốc nhằm áp luật an ninh quốc gia mới lên Hong Kong là vi phạm Tuyên bố chung Trung - Anh” cũng như Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, theo tài liệu dự thảo dự kiến hoàn thành vào ngày 12/6.
Nhận được sự ủng hộ của các nhóm dẫn đầu trong Nghị viện, dự thảo nghị quyết cũng kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) làm như Anh để có những chính sách “cứu sinh” đối với những người Hong Kong muốn rời khỏi thành phố. Thủ tướng Anh Boris Johnson trước đó cho biết sẽ cấp quốc tịch cho 3 triệu người Hong Kong nếu Bắc Kinh áp luật an ninh quốc gia mới.
Nếu được thông qua vào tuần tới, nghị quyết này không có tính ràng buộc đối với nhánh hành pháp của EU là Ủy ban châu Âu (EC) hay các quốc gia thành viên EU.
Tuy nhiên, bước đi đó sẽ gây sức ép chính trị lên Chủ tịch EC Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel trước thềm hội nghị thượng đỉnh thường niên của EU với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường sau gần 2 tuần nữa. Dự thảo nghị quyết “thúc giục mạnh mẽ” các lãnh đạo hành pháp EU “đưa vấn đề luật an ninh của Hong Kong thành ưu tiên hàng đầu trong chương trình làm việc của hội nghị thượng đỉnh EU- Trung Quốc sắp tới”.
Lời lẽ mạnh mẽ trong dự thảo nghị quyết tương phản với cách phản ứng ôn hoà hơn của EC. EC đang nỗ lực đạt được một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, khiến một số thành viên trong Nghị viện đặt ra câu hỏi rằng điều gì đằng sau phản ứng tương đối mềm dẻo của EU đối với hành động của Bắc Kinh với Hong Kong, nếu so sánh với Washington và London.
Đức, quốc gia được đánh giá sẽ hưởng lợi nhiều từ thỏa thuận đầu tư giữa EU với Trung Quốc hơn bất kỳ quốc gia EU nào, không thể tránh được những câu hỏi về Hong Kong. Bà Merkel đã hoãn kế hoạch tiếp đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Leipzig vào tháng 9 tới, nơi quy tụ tất cả nguyên thủ 27 quốc gia EU. Lý do chính thức được đưa ra là tình hình COVID-19, nhưng có nhiều tiếng nói trong quốc hội Đức phải huỷ cuộc gặp vì vấn đề Hong Kong.
Tù mùa hè này, Đức đảm trách vị trí chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu, và bà Merkel thực hiện nhiệm vụ này trong năm cuối cùng của nhiệm kỳ. Một vấn đề mà bà Merkel phải giải quyết là làm sao để thuyết phục các chính phủ thành viên đang dựa vào tiền Trung Quốc chấp nhận quan điểm chung của EU đối với Bắc Kinh khi lợi ích riêng khác với lợi ích chung của khối, báo DW viết.