""Em phải nói em học thời trang ở Pháp về thì em mới bán được", một anh bạn từng dặn mình như vậy khi hỏi mình học thiết kế váy cưới từ đâu. Tính mình thật thà, có sao nói vậy và mình nghĩ cũng chẳng việc gì phải "phông bạt" tiểu sử bản thân. Thực tế, dù là kẻ "ngoại đạo" ban đầu, nhưng mình hoàn toàn tự tin về những chiếc váy mà mình làm ra."
Đó là những lời "gan ruột" mà chị Hương Giang, CEO thương hiệu váy cưới CIEL de GIA, thổ lộ khi nhắc về những khó khăn khi làm nghề. Thích vẽ vời, tập tành may vá nhưng theo đuổi thời trang chưa bao giờ là điều được ủng hộ trong một gia đình công chức như gia đình chị.
Kẻ "ngoại đạo" cứng đầu cùng đam mê cháy bỏng
Tốt nghiệp khoa Quốc Tế Học tại Đại Học Hà Nội, không giống như định hướng chuyên ngành học thiên về công việc liên quan tới ngoại giao hoặc làm việc cho các tổ chức phi chính phủ, chị Giang lựa chọn theo đuổi đam mê. Thực ra, sau khi nhận tấm bằng cử nhân, bố chị đã "vẽ đường" cho con gái làm việc tại một tờ báo có tiếng. Tuy nhiên, làm được đúng 13 ngày, trở về nhà chị bảo với bố “Chắc con không hợp ở đây bố ạ”.
Chị Giang quyết định xin nghỉ việc trong sự bất ngờ của bố mẹ. Bố chị thở dài, nhưng dấm dúi giấu mẹ đưa con gái 20 triệu đồng làm vốn để khởi nghiệp. Cầm 12 triệu đồng bố cho để thuê mặt bằng nhỏ nhất khu Zone 9 lúc bấy giờ, số tiền còn lại chị Giang tiết kiệm để mua vải vóc, dụng cụ. Những chiếc váy đầu tiên được chị thiết kế và bán ra theo phong cách dạ hội.
Yêu thích thời trang nên trong thời gian học ĐH, chị Giang đã xin đi làm thêm một số công việc liên quan đến thời trang. Khó khăn lớn nhất thời điểm ấy, khi chị Giang nhìn lại, có lẽ là việc cân bằng thời gian vừa học trên giảng đường, vừa theo đuổi đam mê. Tuy nhiên, có tiền mới "nuôi" được đam mê, vì thế, chị chấp nhận đi làm thêm ngoài để lấy thu nhập quay vòng đầu tư lại cho đam mê.
Ảnh: NVCC.
Biết khâu vá đan lát từ hồi bé, lớn lên một chút, chị tự mình mày mò kiến thức trên mạng. Vốn tiếng Anh không tồi nên song song với việc học, chị vẫn tìm được những tài liệu hướng dẫn từ nước ngoài, tự nghiên cứu may đồ cho bản thân, dùng tiền tiết kiệm để mua máy khâu gia đình, mua manocanh về để dựng váy, thành phẩm nào đẹp sẽ mang đi chụp ảnh. Dần dần, sở thích "ngấm" vào bản năng, mỗi khi cắt hay xử lý form dáng thành công chị Giang đều thấy sung sướng lâng lâng trong người.
Chị Giang cho hay: "Suy nghĩ của nhiều người là thế, học thời trang phải giàu! Đúng là khi bạn làm bất cứ việc gì, nếu bạn có tiền, mọi thứ sẽ dễ dàng và nhanh hơn rất nhiều. Nhưng mình không giàu, bố mẹ cũng không ủng hộ, nên chỉ có thể tự bơi mà thôi. Điều quan trọng nhất là khả năng quan sát và tự học, chủ động tìm kiếm thông tin mình cần. Tuy nhiên, học phải đi đôi với hành.
Mình vẫn cập nhật xu hướng thế giới trên các chuyên trang về thời trang, tạp chí. Trước đây, những loại sách về thời trang rất khó mua và không sẵn nhiều, phải "order" từ nước ngoài về, hoặc khi có cơ hội ra nước ngoài , mình dành cả ngày "ngụp lặn" ở những hiệu sách lớn, khuân về được cả kí... Malcolm Gladwell đã viết “10,000 giờ là con số kỳ diệu của sự vĩ đại” trong cuốn sách “Những kẻ xuất chúng” được xuất bản năm 2008. 10,000 giờ đúng hay không - mình không chắc, nhưng chắc chắn để trở thành chuyên gia trong một lĩnh vực nào đấy, bạn phải vô cùng chăm chỉ là thật."
Không có tấm thảm nào luôn trải hoa hồng
Những chiếc váy tiệc đầu tiên chị Giang bán ra có giá trong khoảng từ 500.000 đồng tới 2 triệu đồng. Nhưng vì lí do an toàn xây dựng, toàn bộ khu Zone 9 buộc phải đóng cửa và tiệm váy thiết kế đầu tiên của chị cũng không nằm ngoại lệ. Chị khá tiếc nuối vì nơi đó đã truyền cho chị nhiều cảm hứng và ý tưởng, nơi chị được gặp nhiều bậc đàn anh, đàn chị đã thành công trong nhiều lĩnh vực.
Tuy nhiên, nhanh chóng gạt bỏ những cảm xúc tiêu cực, chị Giang phải tiếp tục công việc và đam mê của mình. May mắn thay, nhờ sự giúp đỡ của một người bạn, chị đã thuê lại một địa điểm trên tầng 2 tại Hạ Hồi để bắt đầu cửa hàng chính thức đầu tiên làm váy cưới với giá thuê 10 triệu đồng/tháng.
"Thực ra, thời gian đầu mình kinh doanh theo… bản năng chứ không tính toán gì nhiều đâu. Thời điểm ấy, váy cưới thiết kế còn khá ít nên mình nghĩ tại sao bản thân không dấn thân nhỉ? Cửa hàng ban đầu được mình đặt tên là La Penderie de GIA (Tiếng Pháp: Tủ váy của GIA), những chiếc váy bán ra có giá bình dân đến trung cấp thôi. Càng nghiên cứu tìm tòi về váy cũng như những quy chuẩn của nước ngoài, sử dụng chất liệu cao hơn và tinh xảo hơn đi kèm với việc phân khúc giá sẽ cao hơn, mình quyết định đổi tên thành CIEL de GIA như hiện tại", chị Giang nhớ lại.
Trong giai đoạn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid, cửa hàng tiếp tục bị "đòi" lại mặt bằng do chị Giang không thuê trực tiếp với chủ nhà trong khi đó cửa hàng mới thiết kế sửa sang đầu tư lung linh trong hơn 1 năm. Vì vậy, thời gian phải tìm ra một địa điểm mới ưng ý lại còn sửa sang rất gấp gáp, đặc biệt trong khoảng thời gian giãn cách. Chị Giang khi ấy đã phải chọn phương án tạm ngưng kinh doanh trong vài tháng để tìm và sửa xong mặt bằng mới. Chị bảo, "Điều đáng sợ nhất là trong lúc phải bỏ ra một khoản lớn để đầu tư nơi mới thì lại không thể kinh doanh vài tháng".
Khó khăn chồng chất khó khăn, thời gian ảnh hưởng bởi dịch, doanh thu của cửa hàng không ổn định. Nhân sự đào tạo sau một thời gian bắt đầu quen cách làm việc lại nghỉ vì những lý do khác nhau. Tuy nhiên, chị tự động viên bản thân, những vấn đề đó đối với một người làm chủ là chuyện bình thường, nên chị phải tập cho mình không ngại với những thay đổi.
Trong 2 năm ảnh hưởng bởi đại dịch, chị buộc cắt giảm những chi phí không cần thiết, tối ưu hoá những tiềm năng có thể khai thác được. Xây dựng được một thương hiệu uy tín từ con số 0 là điều không dễ nên chị dặn lòng dù khó khăn thế nào cũng phải cố gắng giữ vững và phát triển được những gì đã có. Ngoài ra, là một người làm chủ kinh doanh, chị cũng phải chủ động trong mọi việc, không ai chịu trách nhiệm thay mình được nên luôn luôn phải nỗ lực và nhìn về phía trước.
Niềm hạnh phúc không phải ai cũng có được
Thời điểm hiện tại, chị Giang đã tạm yên tâm với con đường mình chọn. Niềm vui của chị đơn giản lắm, được làm điều mình thích, được góp một phần mình trong sự kiện trọng đại nhất, đẹp đẽ nhất của cuộc đời mỗi cô dâu. Có lẽ tới giờ, chị vẫn chẳng thể ngờ được đứa trẻ 4-5 tuổi ngày nào còn đan len may quần áo cho búp bê với các chị hàng xóm nay đã sở hữu một cửa hàng riêng bán váy cưới do chính mình thiết kế.
Chị Giang kể lại một kỉ niệm: "Một khách hàng đã từng nói thẳng "Cái này thuê những 20 triệu đồng à, đắt thế! Có phải váy nhập đâu?" khi mình ra mắt chiếc váy cưới đắt nhất ở cửa hàng khoảng 5 năm trước. Trong khi đó, mặt bằng chung giá chỉ khoảng 10 triệu đồng trở xuống. Khách nói vậy, mình cũng chẳng biết cách nào khác ngoài chứng minh cho họ sản phẩm của mình đâu có thua hàng nhập, trên thực tế so với hàng nhập, với chất lượng tương đương, giá vậy đâu có đắt.
Nếu bạn bán chiếc váy Vera Wang và bán xen lẫn đồ thiết kế của bạn, bạn dễ dàng nâng sản phẩm của mình có giá trị cao hơn, nhưng nếu bạn đi ngược dòng, từ một sản phẩm giá bình dân lên một phân khúc mới, câu chuyện vất vả hơn nhiều. Sau 8 năm miệt mài bắt đầu với mặt bằng chung chỉ vài triệu đồng, giờ đây cửa tiệm váy cưới của mình đã có những chiếc giá đã lên tới 9 con số. Đã mất công mơ, tại sao không mơ lớn nhỉ?"
Ấp ủ mang váy cưới Việt ra thế giới, thời gian sắp tới, chị Giang bắt đầu thực hiện ước mơ của mình. Chị tiết lộ, bản thân muốn mở rộng hơn ra thị trường nước ngoài đồng thời khẳng định vị thế của chính mình trong nước. Tuy nhiên, chị cũng xác định hai khó khăn trước mắt, một là vốn đầu tư, hai là người đồng hành đủ năng lực để cùng chia sẻ công việc.