Làm chủ là làm luôn chủ nhật
Lê Vy (sinh năm 1992, Đà Nẵng) đã nghỉ việc vào tháng 5/2022 sau 6 năm làm tại ngân hàng từ khi mới ra trường. Sau đó, cô thử sức với ngành F&B và quyết định mở quán cà phê. "Mình luôn muốn xây dựng một góc nhỏ bình yên, với thật nhiều cây xanh, hoa lá; thư thái uống 1 tách cafe và tạm quên đi những tất bật trong cuộc sống. Vậy nên vợ chồng mình đã tự tay lên ý tưởng và xây dựng quán cafe tại căn nhà mà chúng mình đang sống".
Tuy nhiên, chuyện kinh doanh chưa bao giờ dễ dàng. Lê Vy chia sẻ rằng đôi khi cô cảm thấy cô đơn trong chính doanh nghiệp của mình. Khi đi làm gặp vấn đề sẽ có đồng nghiệp cùng nhau giải quyết khó khăn thì giờ khởi nghiệp, cô phải một mình tự đương đầu với mọi việc.
Cô cũng gặp những vấn đề về nhân sự. Làm chủ tức là phải đối diện với việc làm thế nào để nhân viên hiểu và tự giác làm việc trong vui vẻ. Cô gặp khá nhiều khó khăn để nhân viên luôn có thái độ nhiệt thành và hết mình trong công việc kể cả khi không có mặt tại quán. Đồng thời, cô cũng phải học cách xử lý các tình huống nhân viên thích thì nghỉ ngang, thái độ không tốt,...
"Làm chủ là làm luôn chủ nhật. Mình phải dần quen với việc làm cả tuần. Trước đó, làm ngân hàng sớm thì về lúc 6 giờ tối, còn thường phải đem giấy tờ về làm nốt nhưng được nghỉ cuối tuần. Giờ cuối tuần hay ngày lễ, khi mọi người nghỉ ngơi là lúc mình tăng ca và bận rộn nhất".
Song, cũng nhờ vậy cô đã học được rất nhiều điều nhờ những trải nghiệm kinh doanh. Thu nhập từ kinh doanh không đều đặn như khi làm công ăn lương, sẽ biến động tháng nhiều tháng ít. Cho đến thời điểm này, cũng khá may mắn khi thu nhập của cô khá ổn, ngang với thời còn đi làm ngân hàng. Bên cạnh đó, được theo đuổi đam mê nên Lê Vy cũng cảm thấy khá vui với cuộc sống hiện tại.
Vợ chồng Lê Vy đang kinh doanh Nhiên coffee ở Đà Nẵng
Kinh doanh khốc liệt, có ngành chỉ sau vài năm trở nên bão hòa
Yến Vy (sinh năm 1991, TP Hồ Chí Minh), cô bắt đầu khởi nghiệp kinh doanh online từ tháng 8/2020, và vẫn duy trì công việc văn phòng. Tới tháng 5/2021, cô quyết định nghỉ việc sau 6 năm làm tại ngân hàng. "Năm 2019 có em bé, mình nghỉ thai sản rồi đi làm lại thêm được 1 năm. Thời gian đó rơi vào tâm điểm dịch, nhà mình không có ai giữ bé nên mình quyết định ở nhà chăm con".
Yến Vy quyết định kinh doanh online ngành hàng mẹ và bé. Lúc đó, cô nhận thấy ở khu vực bản thân sinh sống không có nhiều nơi bán đồ mẹ và bé mức giá tầm trung, chỉ có cửa hàng của mấy thương hiệu lớn. Do vậy, cô đã nghĩ ra ý tưởng thử bán đồ cho bé sơ sinh vì ngành hàng này lúc nào cũng sẽ có người có nhu cầu mua. Bên cạnh đó, Yến Vy đang có bé nhỏ nên sẽ hiểu rõ hơn về mong muốn của các mẹ.
"Năm 2022 là thời điểm mình bán hàng được nhiều nhất từ trước tới giờ mặc dù lợi nhuận có ít hơn thời còn đi làm một chút. Sau đó tới năm 2023, mình nhận thấy ngành hàng mẹ bé đã cạnh tranh hơn rất nhiều. Các cửa hàng mẹ bé online mọc lên như nấm cộng thêm tình hình kinh tế suy thoái, khách hàng không mua sắm chi tiêu nhiều nên doanh thu tới giờ rất thấp. Năm nay mình cố gắng tạo nhiều chương trình để tiếp cận khách hàng tốt hơn".
Yến Vy khá chật vật khi phải tự làm tất cả mọi thứ nên mất rất nhiều thời gian. Xây kênh bán hàng trên MXH hay là các sàn TMĐT, cô đều phải tự học rồi tự mày mò. Bên cạnh đó, Yến Vy cũng học cách thiết kế banner, chỉnh sửa hình ảnh cho shop, cho sản phẩm, lên các chương trình khuyến mãi,... và hiện tại cũng chỉ có một mình vận hành công việc kinh doanh.
Theo Yến Vy, ưu điểm khi khởi nghiệp kinh doanh là tự do về mặt thời gian, không bị gò bó. Đây cũng là cơ hội giúp cô rèn luyện tính kỷ luật, kiên trì. Tuy nhiên, nhược điểm là thu nhập có thể sẽ thấp và cần phải chuẩn bị một lượng vốn lớn trong thời gian đầu.
Thu nhập thấp hơn rất nhiều so với thời làm ngân hàng
Vừa ra trường đã làm tại ngân hàng khá ổn định nhưng Phương Anh (sinh năm 2001, Hà Nội) vẫn quyết định nghỉ việc để khởi nghiệp vào tháng 10/2023. Lúc đó, cô được đồng nghiệp và cấp trên hỗ trợ rất nhiều nhưng sức khỏe không tốt, khó đáp ứng cường độ và khối lượng công việc tại ngân hàng.
Bên cạnh đó, cô bạn có đam mê với khởi nghiệp và hiện tại đang kinh doanh đồ handmade chủ yếu là hoa từ đất sét và kẽm nhung. "Vốn của mình khá ít, không có nhiều kinh nghiệm hay trải nghiệm. Còn thế mạnh là khéo tay và đam mê cũng là đồ handmade, do vậy mình đã quyết kinh doanh trong lĩnh vực này". Bởi vì mới bắt đầu và năm 2023 kinh doanh khá khó khăn, thu nhập của Phương Anh giảm rất nhiều so với thời còn làm ngân hàng.
Cô bạn nhận định rằng nghỉ việc ngân hàng là sự đánh đổi lớn khi đang có trong tay mọi thứ từ thu nhập, đồng nghiệp, sự thăng tiến,… công việc nói chung khá suôn sẻ. "Ngoài ra, mình cũng bỏ lỡ nhiều cơ hội và mối quan hệ có thể xây dựng nếu tiếp tục làm ngân hàng. Dĩ nhiên những mối quan hệ đã có, mình vẫn duy trì, nhưng công việc tại ngân hàng sẽ cho mình rất nhiều thứ về sau nữa".
Được biết, trước khi lựa chọn kinh doanh quà handmade, Phương Anh đã thử kinh doanh ở các lĩnh vực khác như thời trang. Lựa chọn lĩnh vực kinh doanh là một trong những vấn đề đau đầu nhất, tiếp theo là nguồn hàng, nguồn nhập nguyên liệu tốn khá nhiều thời gian và công sức.
Phương Anh vừa khởi nghiệp với Rabbit Gift
Những lưu ý khi quyết định nghỉ việc kinh doanh
Yến Vy cho rằng với những người mong muốn khởi nghiệp, các bạn phải suy nghĩ thật kỹ, cần có kế hoạch rõ ràng. Xác định ngách bản thân định khởi nghiệp có tiềm năng hay không. Đặc biệt các bạn cần phải có một lượng vốn ban đầu cần thiết cho việc kinh doanh và dự phòng trong thời gian không có thu nhập, nếu không bạn sẽ bị áp lực rất lớn.
Còn đối với Lê Vy, bạn cần chuẩn bị về kỹ năng tự học hỏi những điều mới. Nó bao gồm tự viết nội dung, marketing, trang trí quán, chụp ảnh, làm clip,... kể cả sửa chữa máy móc, thiết bị trong quán khi hư hỏng. "Chuẩn bị sẵn nguồn vốn dự phòng, càng dồi dào càng tốt để lỡ có lỗ còn có đường xoay xở. Và cuối cùng đừng quên chuẩn bị tâm lý thật vững vàng trước khi dấn thân vào con đường đầy chông gai này. Vì tự kinh doanh cũng khá khắc nghiệt".
Theo quan sát của Phương Anh, nhiều bạn sẽ gặp rắc rối về lòng tin đối với gia đình nữa, vì quyết định từ bỏ công việc ngân hàng để tự khởi nghiệp sẽ khiến mình gặp rất nhiều rủi ro. Tuy nhiên, cô khá may mắn vì gia đình hoàn toàn tin tưởng và ủng hộ, đó cũng là động lực rất lớn để cố gắng.
"Quan trọng nhất là tính toán chi phí và khả năng chống chịu: Bạn cần bao nhiêu vốn để bắt đầu? Bạn có thể chịu lỗ trong bao lâu? Các chi phí phát sinh là gì? Và cả chi phí sinh hoạt cá nhân trong những tháng bắt đầu là bao nhiêu?", Phương Anh chia sẻ.