Lực lượng gìn giữ hòa bình Nga – Họ là ai?
Khi mực trên bản thỏa thuận hòa bình vừa mới ráo, binh lính Nga đã lên đường. Gần 2.000 binh sĩ thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga đã được triển khai tới Nagorno-Karabakh với nhiệm vụ ngăn chặn một cuộc giao tranh khác tương tự như cuộc xung đột mà thế giới vừa chứng kiến trong gần 2 tháng qua.
Trong khi xác những chiếc xe tăng T-72 đã cháy xém và thi thể của những người lính Armenia, Azerbaijan ngã xuống vẫn còn chưa được đưa hết ra khỏi chiến trường thì Nga đã kịp tuyên bố sự thống trị của mình.
Theo nhà phân tích Michael Godwin trên tờ Yerepouni-news, trong bối cảnh Nga được cho là xếp hạng thấp nhất trong số các quốc gia phát triển khi xét tới năng lực gìn giữ hòa bình thì có khá nhiều câu hỏi dấy lên liên quan tới lực lượng vừa được Moscow đưa tới Nagorno-Karabakh.
Lực lượng gìn giữ hòa bình Nga lên đường tới Nagorno-Karabakh. Ảnh: Moscow Times
Ông Godwin cho hay, Lữ đoàn "gìn giữ hòa bình" độc lập số 15 là thành phần cơ bản được Moscow triển khai tới Nagorno-Karabakh và có rất ít khác biệt về thành phần so với Lữ đoàn súng trường cơ giới tiêu chuẩn của quân đội Nga.
Lữ đoàn 15 không mấy lạ lẫm với đối với các chiến dịch của Nga ở nước ngoài: Họ được cho là đã tham gia chiến dịch sáp nhập Crimea vào năm 2014.
Về trang bị và vũ khí, lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga ở Nagorno-Karabakh được cho là sự pha trộn giữa các đơn vị súng trường cơ giới và đổ bộ đường không. Một bản phân tích về quân trang còn cho thấy có sự tham gia của Lữ đoàn tấn công đường không số 31
Một số nguồn tin cho biết lực lượng của Nga đã được huấn luyện cho nhiệm vụ gìn giữ hòa bình ngay trong tháng trước.
Mặc dù Moscow đã công khai số lượng binh lính và phương tiện được triển khai tới Nagorno-Karabakh nhưng hiện chưa rõ cấu trúc chỉ huy của những đơn vị này sẽ ra sao.
Các đơn vị nêu trên đều thuộc Quân khu trung tâm của lực lượng vũ trang Nga, trong khi căn cứ 102 đặt tại Gyumri, Armenia lại thuộc Quân khu phía nam. Điều này khiến việc xác định cơ quan nào sẽ phụ trách quản lý các đơn vị gìn giữ hòa bình của Nga trở nên khó khăn hơn.
Ngoài ra, các quy tắc tấn công (RoE) vẫn chưa được định nghĩa rõ ràng. Theo ông Godwin, sự im ắng này dường như có mục đích, đó là nhằm tạo điều kiện cho Nga hành động một cách linh hoạt khi có sự vụ xảy ra.
Những điểm nghi vấn
Họ [lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga] tới Nagorno Karabakh để làm gì? Tất nhiên, câu trả lời trên danh nghĩa là vì "hiệp ước hòa bình" vừa ký kết.
Tuy nhiên, theo ông Godwin, có một chi tiết mà nhiều người đã bỏ qua. Vụ Azerbaijan bắn hạ trực thăng Nga dường như đã được sử dụng như một bệ phóng để từ đó dẫn tới sự hiện diện của lực lượng mà chúng ta đang thấy.
Ngày 9/11, một chiếc trực thăng tấn công Mi-24 của Nga đã bị bắn hạ bởi hệ thống phòng không vác vai (MANPAD), khiến 2 người trong kíp lái thiệt mạng, chỉ 1 người sống sót.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết chiếc Mi-24 đã bị bắn rơi gần làng Yeraskh (Armenia) khi đang bay hộ tống một đoàn xe đến căn cứ quân sự của Nga ở Armenia.
Phần đuôi trực thăng Nga tại hiện trường bắn rơi hôm 9/11. Ảnh: Bộ Tình trạng Khẩn cấp Armenia.
"Phía Azerbaijan đã gửi lời xin lỗi tới Nga liên quan đến sự cố bi thảm này", Bộ Ngoại giao Nga cho biết trong một tuyên bố, đồng thời lưu ý vụ việc này là tai nạn và "không nhằm chống lại Moscow".
Tới ngày 11/11, Moscow thông báo đã bắt đầu triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tới Nagorno-Karabakh theo Thỏa thuận ngừng bắn đạt được ngày 9/11 giữa Azerbaijan và Armenia, với sự trung gian hòa giải của Nga.
Trước đó một ngày, trên twitter lan truyền thông tin lực lượng gìn giữ hòa bình Nga thuộc Lữ đoàn 15 đã bay đến Nagorno-Karabakh từ Ulyanovsk.
Thông tin lan truyền trên Twitter về việc lữ đoàn 15 được triển khai tới Nagorno-Karabakh.
Theo ông Godwin, phản ứng của Nga trước vụ Mi-24 và đợt triển khai lực lượng quá nhanh chóng của họ tới Nagorno-Karabakh đã khiến nhiều người đặt câu hỏi: Liệu cả hai sự việc có thực sự không được lên kế hoạch từ trước?
Tiếp tục quan điểm của mình, ông Godwin cho hay, Lữ đoàn 15 vốn không được biết đến như lực lượng phản ứng nhanh hay có mức độ sẵn sàng chiến đấu cao, do đó sự nhanh nhạy của họ trong đợt triển khai lần này, cũng như khả năng phối hợp nhanh chóng với các khí tài vận tải hàng không "rất đáng nghi".
"Trong lịch sử, sự phối hợp giữa các lực lượng trên bộ và trên không, đặc biệt là trong tình huống chiến đấu hoặc tình huống khẩn cấp, vốn là một thiếu sót của quân đội Nga" - Ông Godwin cho hay.
Bên cạnh đó, theo nhà phân tích này, trong hầu hết các chiến dịch quân sự sau những năm 2000, Nga thường sử dụng thêm các lực lượng địa phương ngoài lực lượng đặc nhiệm chủ lực của họ.
Thế nhưng, trong bối cảnh hiện nay, khi không có "lực lượng đệm" ở Karabakh, Nga sẽ phải tự mình đối mặt với bất cứ mối đe dọa nào, dưới sự giám sát của Thổ Nhĩ Kỳ và thậm chí cả thế giới.
Lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga sẽ được để mắt và phân tích kỹ càng. Ông Godwin cho rằng, họ có thể sẽ không giữ vững được các nguyên tắc nghiêm ngặt trong hoạt động này – điều mà nhiều lực lượng từ phương Tây đã thỏa mãn được trong nhiều thập kỷ qua.