Giờ đây, không ít người phụ nữ là thu nhập chính trong gia đình. Thế nhưng phụ nữ có một nhiệm vụ cao cả đó là làm mẹ. Đương nhiên khi mang thai và sinh con thì họ bắt buộc phải tạm gác sự nghiệp của mình lại. Điều đó đồng nghĩa với việc thu nhập của gia đình dù nhiều hay ít đều bị ảnh hưởng.
Câu chuyện của mẹ bỉm sữa Lan Hương (35 tuổi) ở Hà Nội cũng là nỗi lòng của không ít các mẹ bỉm sữa khi đang đi làm và có thu nhập ổn định nhưng lại phải nghỉ để sinh nở, đặc biệt là vào khoảng thời gian "cao điểm" như những ngày cận kề Tết.
Dù đã có sự chuẩn bị nhưng lại "quên" mất Tết
Hương đang làm việc tại một ngân hàng ở Hà Nội, thu nhập đến từ công việc chính và việc bán hàng online giúp cô có thể chi tiêu thoải mái thậm chí có phần vung tay nhưng mỗi tháng đều có thể để ra một khoản để tiết kiệm.
Thu nhập của cô và chồng ngang ngửa nhau, nếu tháng nào việc bán hàng xuôi chèo mát mái thậm chí thu nhập của cô còn nhỉnh hơn chồng của mình khá nhiều.
Thường thì những tháng cuối năm là tháng "cá kiếm" của cả hai vợ chồng nên cả hai đều có phần mong chờ. Bởi vì biết trước sẽ có những khoản thu về khá khẩm nên thường thì hai tháng cuối năm cũng là khoảng thời gian vợ chồng Hương háo hức lên danh sách mua sắm cho Tết. Thậm chí, ngay từ thời điểm này họ đã bắt đầu vung tiền chi cho Tết qua những chương trình săn sale khủng.
Thế nhưng đến năm nay thì mọi chuyện lại hoàn toàn khác.
Hai vợ chồng Lan Hương sau khi lấy nhau được 3 năm đã quyết định lên kế hoạch để sinh con. Cô và chồng đều tìm hiểu rất kĩ và có sự chuẩn bị về kinh tế để đón con đầu lòng. Cả Hương và chồng đều tự tin rằng về mặt kinh tế đã hoàn toàn sẵn sàng để đón em bé.
Tuy nhiên điều cả hai vì là con đầu lòng nên có lẽ còn thiếu kinh nghiệm mà không tính toán cả việc Hương nghỉ sinh đúng những tháng cận kề Tết nguyên đán.
Danh sách dự trù chi tiêu cho Tết của gia đình Lan Hương. (Ảnh: NVCC)
Mọi tính toán về kinh tế đều bị "hụt" khi ngoài việc phải chi tiêu cho gia đình, cho em bé thì vợ chồng Hương còn chuẩn bị phải đối mặt với danh sách hàng trăm thứ tiền phải chi cho Tết.
Hương chia sẻ: "Tết thì không thể hoãn được rồi, nếu như mọi năm thì đây là thời điểm mình lao vào công việc để cày cuốc vì một cái Tết ấm no thì giờ thì đang nghỉ thai sản đâu thể làm được gì đâu. Mọi chi phí của gia đình bây giờ chắc chắn phải dùng đến khoản tiền tiết kiệm của hai vợ chồng rồi. Nhưng đau đầu nhất là Tết đến nơi rồi, sắm sửa Tết cũng tốn không hề ít, đấy là còn chưa nói đến việc nội ngoại hai bên nữa. Mình đúng là đã có dự trù kinh tế nhưng lại quên mất riêng việc sắm Tết và chi tiêu cho Tết không thôi có khi đã vượt quá con số mà chúng mình đã dự trù".
Nghỉ sinh không kiếm ra tiền nhưng vẫn phải sắm sửa cho nội ngoại hai bên
Chồng của Lan Hương là con trưởng, bản thân cô cũng là con một trong nhà, bố mẹ hai bên đều đã có tuổi nên áp lực phải sắm Tết của cả hai là rất lớn vì họ không chỉ phải mua sắm cho bản thân mình mà còn phải lo cho nội ngoại hai bên.
Việc phải sắm Tết cho bố mẹ hai bên là việc vẫn diễn ra suốt từ ngày vợ chồng Hương lấy nhau. Họ không thể cắt được khoản chi tiêu này mỗi lần Tết đến xuân về. Chỉ có điều năm nay khoản thu nhập khá lớn của Hương đã bị hụt đồng nghĩa với việc họ bắt buộc phải tính đến chuyện giảm bớt chi tiêu đồng thời cũng không tránh được việc phải dùng đến các khoản tiết kiệm.
"Tuy mình có nhận được tiền thai sản và hưởng những chế độ của công ty cho phụ nữ sinh con nhưng nói thật lòng là số tiền phải chi ra chắc chắn sẽ lớn hơn số tiền đó. Mọi năm thường cứ đến Tết vợ chồng mình sẽ phải sẵn sàng khoảng 50 triệu để lo toan cho gia đình hai bên và cũng phải sắm sửa cho gia đình nhỏ của mình nữa chứ. Đã vậy năm nay lại có thêm em bé nữa, chắc chắn sẽ phải chi nhiều hơn con số 50 triệu kia rồi. Nghĩ thôi cũng thấy hoa mắt chóng mặt, nhưng biết làm sao bây giờ", Hương tâm sự.
Ăn Tết ở nhà bố mẹ để giảm bớt khoản phải sắm sửa cho Tết
Cuối cùng, vợ chồng Hương chọn được giải pháp khá phù hợp cho tình huống tiến thoái lưỡng nan này. Tuy rằng không hẳn là giải pháp triệt để nhất nhưng đây có thể xem là giải pháp tiết kiệm nhất.
Thay vì phải sắm sửa cho 3 gia đình (nội ngoại hai bên và gia đình mình), Hương quyết định bỏ qua sắm sửa cho nhà mình mà thay vào đó sẽ bế con về ăn nhà bố mẹ. Hương và chồng đều không thể cắt giảm những khoản chi cho bố mẹ hai bên vậy chỉ còn có thể cắt giảm của chính gia đình mình.
Việc ăn Tết ở nhà bố mẹ hai bên theo Hương tính toán thay vì tốn khoảng 72 triệu sẽ tiết kiệm được từ 20 triệu cho đến 25 triệu ở các khoản sửa chữa nhà cửa, mua sắm thêm nội thất, đồ trang trí cũng như thực phẩm cho ngày Tết.
"Nghe thì buồn cười nhưng vợ chồng mình suy đi tính lại thì mua đồ rẻ hay săn sale cũng chẳng thể giảm được nhiều chi phí. Thôi thì coi như năm nay ăn Tết một nửa bên ngoại một nửa bên nội vậy. Chính ra như vậy lại hay vì mình con mọn cũng chẳng thể lo toan chu đáo cho cái Tết được, về nhà bố mẹ thì mình và chồng đều không phải áy náy về nghĩa vụ con trưởng con một mà ông bà cũng vui vì có con cháu quây quần".