Nghị sĩ Mỹ giới thiệu dự luật thách thức Bắc Kinh: Cấm gọi ông Tập là Chủ tịch Trung Quốc

Hải Võ |

Các nhà lập pháp Mỹ đã giới thiệu dự luật yêu cầu thay đổi cách gọi chức danh của lãnh đạo Trung Quốc trong các văn bản liên bang, cụ thể là cấm sử dụng cụm từ "Chủ tịch".

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) ngày 21/8 đưa tin, dự luật Điểm danh đối thủ (Name of the Enemy Act) - do hạ nghị sĩ Cộng hòa bang Pennsylvania Scott Perry, thành viên Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, giới thiệu - sẽ yêu cầu các văn bản chính thức của chính phủ Mỹ đề cập chức danh của nhà lãnh đạo Trung Quốc là Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), thay vì sử dụng từ "President" (Chủ tịch).

Lãnh đạo đương nhiệm Trung Quốc Tập Cận Bình hiện nắm giữ ba chức danh quan trọng chính thức, gồm Chủ tịch nước, Chủ tịch Quân ủy trung ương, và Tổng bí thư ĐCSTQ.

Dự luật sẽ cấm sử dụng các quỹ liên bang đối với "sự tạo ra hoặc phổ biến" các văn kiện và trao đổi thông tin chính thức, trong đó đề cập nhà lãnh đạo Trung Quốc là "Chủ tịch".

Nghị sĩ Mỹ giới thiệu dự luật thách thức Bắc Kinh: Cấm gọi ông Tập là Chủ tịch Trung Quốc - Ảnh 1.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo là một trong số quan chức khởi xướng việc ngưng gọi ông Tập Cận Bình là Chủ tịch Trung Quốc (Ảnh: AP)

Dự luật được đưa ra sau khi nhiều quan chức chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, nổi bật là Ngoại trưởng Mike Pompeo, thời gian qua bắt đầu ngưng sử dụng chức danh "Chủ tịch" để nói về ông Tập Cận Bình, thay vào đó là "Tổng bí thư [ĐCSTQ]".

SCMP cho biết, một báo cáo của Nhà Trắng hồi tháng 5 nêu rõ phương châm chiến lược của Washington nhằm vào Trung Quốc, đặc biệt đối với vấn đề chức danh của ông Tập.

Dự luật của nghị sĩ Perry "chính thức hóa điều mà chúng ta đã lưu ý trong các tuyên bố của chính quyền" - bà Anna Ashton, giám đốc cấp cao về các vấn đề chính phủ tại Hội đồng doanh nghiệp Mỹ-Trung, nhận xét.

Một số quan chức cấp cao khác, gồm Giám đốc FBI Christopher Wray, Bộ trưởng Tư pháp William Barr và Cố vấn An ninh quốc gia Robert O'Brien đã "theo bước" ông Pompeo.

Ông Trump chưa có những động thái tương tự, song Tổng thống Mỹ đã ngưng gọi Chủ tịch Tập Cận Bình là "bạn", giữa bối cảnh quan hệ song phương lao dốc.

"Tôi đã hủy đối thoại [thương mại] với Trung Quốc," Trump phát biểu trong sự kiện vận động tranh cử tại Yuma, bang Arizona ngày 18/8, đề cập việc hủy bỏ vòng đàm phán thương mại theo dự kiến diễn ra cuối tuần trước để đánh giá việc thực thi thỏa thuận giai đoạn 1.

"Tôi không muốn đối thoại với Trung Quốc ngay lúc này."

Dự luật do ông Perry giới thiệu đưa ra giữa những nỗ lực chiến lược của đảng Cộng hòa để gia tăng chỉ trích nhằm vào Trung Quốc, qua đó "đánh lạc hướng" quan tâm đối với cách thức chính phủ Mỹ ứng phó dịch Covid-19 - trang Politico (Mỹ) trích một bản ghi nhớ nội bộ gửi đến các ứng viên Cộng hòa vào mùa xuân năm nay.

Theo nghị sĩ này, Trung Quốc cùng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phải "chịu trách nhiệm cho thất bại" do sự thiếu trung thực đối với cộng đồng quốc tế, khiến đại dịch Covid-19 lây lan. Bắc Kinh cho đến nay bác bỏ tất cả cáo buộc, khẳng định nước này đã hành động kịp thời và trách nhiệm để ngăn chặn virus corona lây lan.

Nghị sĩ Mỹ giới thiệu dự luật thách thức Bắc Kinh: Cấm gọi ông Tập là Chủ tịch Trung Quốc - Ảnh 2.

Ông Trump được cho là đã thôi gọi ông Tập Cận Bình là "bạn" (Ảnh: AP)

Theo SCMP, trong vài tháng qua ông Perry đã giới thiệu nhiều dự luật nhằm vào Trung Quốc liên quan đến Đài Loan, Hồng Kông, Tây Tạng, nhưng không được các cộng sự ủng hộ. Tuy nhiên, dự luật Điểm danh đối thủ nhận được sự ủng hộ đáng kể từ các nhà lập pháp Cộng hòa, bao gồm hạ nghị sĩ Ted Yoho của bang Florida - nhân vật nổi tiếng có thái độ "diều hâu" nhằm vào Trung Quốc.

Dự luật vẫn phải vượt qua một chặng đường khó khăn trong vài tháng tới, trong khi các chương trình lập pháp liên quan đến dịch Covid-19 đang chiếm lượng lớn công việc của Quốc hội Mỹ.

Mời độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại