Tôi lớn lên ở khu vực Đông Âu, nơi mà mọi người tin rằng việc không làm gì cả là dấu hiệu của sự yếu đuối, là một thói quen xấu cần phải loại bỏ.
Ngủ đương nhiên là một việc cần thiết nhưng ngủ quá nhiều thì đơn giản chỉ là biểu hiện của sự lười biếng.
Bởi lẽ, cuộc sống là nơi mà bạn phải sống chứ không phải chỉ ngủ vùi cho hết ngày. Đối với tôi, sống đã từng có nghĩa là luôn hoạt động, không có một giây phút nào ngơi nghỉ.
Tham vọng muốn được nhiều hơn
Lục lại những ký ức thời thơ ấu, tôi còn nhớ như in hình ảnh mẹ tôi luôn bận rộn với hàng trăm thứ việc: dọn nhà, đi siêu thị, nấu các bữa ăn trong một ngày, giặt ủi quần áo.
Có vẻ như đó vẫn chưa được coi là một công việc toàn thời gian nên mẹ tôi đã xin vào làm ở một bệnh viện nữa.
Tôi thực sự không thể hiểu được mẹ tôi đã làm những điều đó như thế nào và nguồn năng lượng trong bà tới từ đâu.
Thậm chí cho tới hôm nay, khi đã gần nghỉ hưu, mẹ tôi vẫn nghĩ rằng làm việc "luôn chân luôn tay" là biểu hiện của việc sức khỏe vẫn còn tốt.
Có thể bạn không nhận ra nhưng xã hội hiện đại ngày nay đã biến nhiều người trong chúng ta thành những người chỉ biết làm việc không ngừng và luôn muốn hoàn thành nhiều thứ hơn nữa.
Bên cạnh đó, không ít người trong chúng ta vẫn còn đánh giá giá trị của một người thông qua việc họ sống ra sao (dựa vào các mục tiêu cá nhân và sự nghiệp, kết quả và thành tựu), nghề nghiệp hay tên công việc trên danh thiếp.
Chúng ta cũng thường có xu hướng muốn làm nhiều hơn và nhận nhiều hơn, muốn gắn hạnh phúc của mình vào một tương lai đã được lên kế hoạch trước: "Một ngày, khi tôi nhận được công việc đó, mua được căn nhà đó, chiếc xe đó, cưới một người vợ và rồi có những đứa con, tôi sẽ hạnh phúc".
Nhưng trên thực tế, chúng ta càng có nhiều bao nhiêu thì lại càng muốn có thêm nhiều bấy nhiêu. Và chúng ta thường gọi nó là một nhu cầu cho quá trình tiến bộ và phát triển.
Đó cũng chính là cách mà tôi đã sống trong một thời gian dài. Lúc ấy, thứ duy nhất mà tôi hướng tới là xây dựng một sự nghiệp thành công.
Cho tới tận lúc này, tôi vẫn nhớ cách tôi tự khiến bản thân mình lúc nào cũng bận rộn, vội vã, và thường xuyên bị stress.
Tôi làm việc 10 tiếng/ ngày như một quy luật và làm thêm cả vào cuối tuần. Tôi không thể có những giấc ngủ ngon và thường dành thời gian cuối tuần để lấy lại sức sau những căng thẳng bằng việc ăn thật nhiều.
Tôi thấy mình như kiệt sức.
Không chỉ vậy, tôi còn là một người cầu toàn và điều đó đã từng khiến tôi thấy tự hào như thể sự hoàn hảo là một sức mạnh hoặc một đức tính tốt vậy.
Làm thế nào để hài lòng với mức vừa đủ?
Đến một ngày, tôi thực sự sụp đổ. Các đồng nghiệp của tôi tan làm đúng giờ trong khi tôi luôn làm quá thời gian.
Tôi tự đổ lỗi cho bản thân kém thông minh hơn đồng nghiệp, và nghĩ rằng não của tôi không đủ khả năng để xử lý công việc ở cùng một tốc độ với họ. Nói cách khác, tôi đã nghĩ mình là một kẻ ngốc.
Tôi chia sẻ với sếp về tình trạng quá tải công việc của mình, cụ thể là tôi thấy quá khó khăn để giải quyết công việc và đó chính là cú hích khiến tôi thay đổi hoàn toàn.
Sếp tôi đã nói, "Sara à, tôi đánh giá cao sự chăm chỉ của cô và tôi rất vui khi cô là một thành viên trong nhóm của tôi.
Tuy nhiên, tôi muốn cô biết rằng, tôi chỉ hy vọng cô hoàn thành công việc hàng ngày thôi. Tôi không bao giờ đòi hỏi cô phải làm tới mức hoàn hảo mà chỉ muốn cô làm ở mức đủ tốt".
Những lời ấy khiến tôi sững sờ vì lần đầu tiên tôi nhận ra cụm từ "good enough" (vừa đủ) không nằm trong phạm vi nhận thức của tôi, và tôi không thể định nghĩa được cụm từ ấy.
Tôi luôn muốn làm mọi việc ở mức hoàn hảo nhất để không ai có thể tổn thương hay đổ lỗi cho tôi về bất cứ vấn đề gì.
Tôi là một kẻ cuồng công việc và chỉ biết nhận xét giá trị của con người thông qua những thành tựu mà họ đạt được trong công việc.
Tôi tự nâng những tiêu chuẩn lên cao đến mức bản thân tôi chẳng thể với tới những kỳ vọng mà chính mình đã đặt ra thêm một phút giây nào nữa.
Thế nhưng, tôi cũng lại là người duy nhất chịu trách nhiệm về hoàn cảnh hiện tại của mình.
Cuộc sống mệt mỏi ấy đã khiến tôi nhận ra, nhu cầu về sự hoàn hảo thực sự chỉ khiến con người tiêu tốn năng lượng, kiệt quệ cả về thể xác lẫn tinh thần mà thôi.
Bạn có thấy bản thân mình trong những lời tôi vừa kể không? Nếu có thì hãy tự thức tỉnh bản thân rằng, bạn sẽ chẳng thể nào chạm tới sự hoàn hảo cho tới khi bạn biết hài lòng với mức vừa đủ.
Sự tiến bộ thay vì sự hoàn hảo
Hiện tại, tôi hướng bản thân mình tới sự tiến bộ và phát triển thay vì sự hoàn hảo như trước kia. Tôi học cách coi những sai lầm của bản thân là những cơ hội cần thiết để phát triển.
Vậy nên, tôi cũng không vì những lần vấp ngã ấy mà coi mình như kẻ thất bại nữa vì tôi hiểu được, tôi là ai không liên quan tới việc tôi làm gì.
Công việc thực chất chỉ là một phần của cuộc sống, mà không phải là tất cả thế giới của tôi. Tôi cũng không phải là công việc dù cho tôi có thích nó nhiều tới mức nào.
Nhiều người cứ luôn phàn nàn rằng họ dành quá nhiều thời gian cho công việc nên chẳng còn đủ thời gian cho bản thân. Vậy mà đến khi nghỉ hưu, họ có được thời gian mà họ luôn mong muốn nhưng lại không biết làm gì với nó cả.
Bạn có thấy ngạc nhiên khi nghe điều này không? Chẳng có gì phải kinh ngạc đâu bởi một trong những câu mà chúng ta hay hỏi khi làm quen với một người là "Bạn làm gì để đảm bảo cuộc sống?".
Dường như những thứ đầu tiên mà đa số chúng ta nghĩ tới đều xoay quanh công việc và chỉ có công việc mà thôi.
Cái bẫy của sự bận rộn
Trên thực tế, hầu hết chúng ta đều phải đi làm và tiền là một công cụ thiết yếu để duy trì cuộc sống. Tuy nhiên, đâu là cái giá mà chúng ta phải trả khi cứ mãi quẩn quanh trong cái bẫy của sự bận rộn này?
Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta bỏ lỡ những khoảnh khắc quan trọng của cuộc đời? Và điều gì sẽ xảy đến nếu chúng ta bắt đầu mất dần sự kết nối với thiên nhiên đây?
Chúng ta nhiều khi vẫn nghe theo lời khuyên của mọi người là đi tập yoga hay thiền để thư giãn và rèn luyện sự thanh tĩnh, nhưng lại quên mất rằng còn một cách đơn giản hơn nhiều.
Đó là không làm gì cả để cơ thể cùng tâm trí được nghỉ ngơi.
Tôi cũng đã từng như vậy, và phải mất vài năm tôi mới có thể thoát khỏi cảm giác tội lỗi khi làm mọi thứ chậm lại hay làm những điều mà tôi thích.
Nhưng giờ tôi hiểu rõ rằng, việc nghe theo những nhu cầu của bản thân như một giấc ngủ dài không phải là điều gì đó ích kỷ, mà là một sự rèn luyện đòi hỏi phải có sự nhận thức.
Tôi cũng nhận ra, việc lắng nghe cơ thể mình và tái nạp năng lượng cho tâm hồn, đặt ra những ranh giới lành mạnh không bị ảnh hưởng bởi thế giới bên ngoài và nói "không" với những điều mình không muốn làm thực sự là một phần cực quan trọng trong cuộc sống.
Theo các nghiên cứu, những người sống thọ nhất đến từ vùng Okinawa của Nhật Bản. Tôi đã tới thăm nơi này vào hai năm trước với mong muốn được tìm hiểu nhiều hơn về lối sống của họ.
Và bạn biết không, cư dân ở đây ăn uống lành mạnh và rất chăm tập thể dục. Họ cũng không để bản thân bị căng thẳng bủa vây, đồng thời, giữ đời sống xã hội phong phú dù cho bản thân vẫn còn trẻ trung hay đã lớn tuổi.
Đó cũng là những gì mà tôi được chứng kiến trong nhiều năm sống ở Trung Quốc và Hàn Quốc.
Mọi người tập thể dục, luyện thái cực quyền hoặc khí công, nhảy hoặc hát tại các công viên ở Seoul hay những quảng trưởng lớn ở Thượng Hải.
Họ luôn luôn vận động và dành thời giờ quý giá của mình với những người cùng suy nghĩ và lý tưởng với họ.
Từ đó, tôi hiểu rõ một điều rằng tôi không phải là siêu nhân. Vậy nên, tôi ngưng cố gắng để hoàn thành nhiều công việc hơn mọi người, và cũng thôi không so sánh bản thân mình với người khác nữa.
Cuộc sống của tôi lúc này chỉ xoay quanh bản thân tôi mà thôi.
Có thể sau này, tôi sẽ gặp phải một vài điều tồi tệ, ví dụ như việc bị ốm hay mệt mỏi khiến khả năng tập trung và hoàn thành công việc của tôi giảm xuống.
Nhưng điều đó hoàn toàn bình thường vì cuộc sống đâu phải lúc nào cũng thuận lợi.
Không làm gì cũng là một hành động
Tôi quyết định rằng mình phải thoát khỏi tâm lý muốn "ôm đồm hết mọi việc". Đồng thời, tôi cũng tự nhủ, không làm gì không nhất thiết là biểu hiện của sự lười biếng, miễn sao đó là sự lựa chọn của chính tôi thì nó cũng là một hành động.
Tôi cũng giống như bất cứ ai, cũng cần có thời gian để thư giãn và tái nạp năng lượng cho trí tuệ, cơ thể và tâm hồn.
Còn nếu thực sự không thể tìm thấy một khoảng trống nào cho bản thân trong cả lịch trình bận rộn thì tôi sẽ tự tạo ra nó.
Mỗi chúng ta đều có 24 giờ mỗi ngày và những mong muốn cùng nhu cầu cá nhân chắc chắn là những thứ quan trọng mà tôi cần ưu tiên.
Tôi bắt đầu từ việc luôn đảm bảo rằng mình sẽ nghỉ giải lao giữa các giờ làm việc. Đôi khi, tôi lại đi bộ để hòa mình vào thiên nhiên, chơi với chó cưng, đi mat-xa, xem một bộ phim hay hoặc đọc một cuốn sách thú vị.
Có lúc tôi sẽ nhắm mắt và nghe những gì khiến mình thư giãn, tự thưởng cho mình một giấc ngủ ngắn hay thắp nến hoặc một chút hương trầm.
Tôi bắt đầu dành nhiều thời gian hơn cho bản thân, nhưng điều đó không có nghĩa tôi là một người không hòa đồng hay không thích những người xung quanh.
Nó chỉ là cách để tôi kết nối lại với chính mình, suy ngẫm và tái nạp năng lượng thôi.
Có đôi lúc, tôi bất ngờ gặp được những người tích cực, không thích phán xét và yêu tôi như chính bản thân tôi yêu mình. Và tôi chắc chắn là tôi đã cười nhiều hơn và sống thật sự thoải mái, vui vẻ.
Không chỉ vậy, tôi còn học được cách coi cuộc sống như một món quà đáng để tận hưởng. Vậy nên, tôi không còn chờ đợi đến mỗi cuối tuần để có thể cảm thấy như mình đang sống nữa.
Hiện tại, tôi coi mỗi buổi sáng thức giấc như một khởi đầu mới mẻ, là những cơ hội tuyệt vời để học thêm những điều mới và phát triển hơn, dù đó có là thứ Hai đầu tuần.
Tôi đang thực sự sống chứ không phải chỉ tồn tại và tôi đã chọn một cách sống để cuộc đời mình được trọn vẹn nhất. Còn bạn thì sao?
*Đây là bài viết của Sara Fabian, một huấn luyện viên cuộc sống và diễn giả truyền cảm hứng, trên trang Uplift Connect.