Thời tiết dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 năm nay đặc biệt nhất trong 10 năm qua (Ảnh minh họa)
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, trong kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 năm nay, thời tiết chung của cả nước là tình trạng nắng nóng. Theo đó, cơ quan này cho rằng trong 10 năm qua, chưa có một năm nào cả ba miền Bắc, Trung, Nam cùng xảy ra nắng nóng trong kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5.
Dự báo, trong 5 ngày nghỉ lễ (27/4-01/5), khu vực Bắc Bộ sẽ xảy ra nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặt biệt gay gắt với mức nhiệt cao nhất trong ngày ở Tây Bắc Bộ là 36-39 độ, có nơi trên 39 độ; khu vực Đông Bắc Bộ và thủ đô Hà Nội, nhiệt độ cao nhất ở khoảng 35-38 độ.
Khu vực Trung Bộ sẽ có nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt với mức nhiệt cao nhất trong ngày ở khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế là 37-40 độ, có nơi trên 40 độ; khu vực từ Đà Nẵng đến Bình Thuận, nhiệt độ cao nhất là 35-38 độ, có nơi trên 39 độ.
Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ thời tiết chung cũng là nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với mức nhiệt cao nhất trong ngày từ 35-37 độ, có nơi trên 37 độ.
Nắng nóng có hại cho sức khỏe thế nào?
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, nắng nóng có thể làm trầm trọng thêm các bệnh mạn tính như bệnh tim mạch, hô hấp, tiểu đường,... Không những thế, loại hình thời tiết khắc nghiệt này còn ảnh hưởng đến khả năng điều chỉnh nhiệt độ của cơ thể, từ đó khiến thân nhiệt tăng lên và gây ra hàng loạt vấn đề sức khỏe bao gồm chuột rút, kiệt sức vì nóng, say nắng.
Theo cổng thông tin của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, say nắng hay còn gọi là sốc nhiệt (heat stroke) là tình trạng tăng thân nhiệt nghiêm trọng (>40 độ C) kèm theo rối loạn hoạt động của các cơ quan như thần kinh, tuần hoàn, hô hấp do tác động của nắng nóng và/ hoặc các hoạt động thể lực quá mức.
Theo Mayo Clinic (hệ thống chăm sóc y tế hàng đầu tại Mỹ), say nắng là tình trạng cần sơ cứu, điều trị khẩn cấp. Nếu không được sơ cứu đúng cách và điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể bị tổn thương não, tim, thận và cơ. Nặng nề hơn, bệnh nhân có thể tử vong.
Làm gì để bảo vệ cơ thể khỏi nắng nóng?
Để bảo vệ cơ thể khỏi tác hại của nắng nóng, theo các chuyên gia của Mayo Clinic và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Hoa Kỳ, mọi người cần thực hiện những việc sau đây:
1. Mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát
Việc mặc quần áo quá dày, bó sát cơ thể hoặc mặc quá nhiều quần áo sẽ không giúp cơ thể hạ nhiệt hiệu quả.
2. Bảo vệ cơ thể không bị cháy nắng
Cháy nắng ảnh hưởng đến khả năng tự làm mát của cơ thể. Do đó, hãy bảo vệ bản thân khi đi ra ngoài nắng nóng bằng cách đội mũ rộng vành, đeo kính râm, mặc áo chống nắng, đồng thời sử dụng kem chống nắng phổ rộng có hệ số chống nắng (SPF) ít nhất là 30.
3. Uống đủ nước
Uống đủ nước giúp cơ thể toát mồ hôi và làm mát cơ thể. Khi tập luyện thể thao, ngoài nước lọc, bạn có thể sử dụng các loại đồ uống thể thao có bổ sung chất điện giải.
4. Hạn chế ra ngoài, lao động hoặc tập thể dục vào những thời điểm nắng nóng nhất
Vào những thời điểm nóng nhất trong ngày, mọi người nên hạn chế ra ngoài, không tập thể dục hoặc thực hiện các hoạt động gắng sức khác. Cố gắng lên lịch tập thể dục hoặc lao động thể chất vào những thời điểm mát mẻ hơn trong ngày, chẳng hạn như sáng sớm hoặc chiều tối.
5. Có chế độ ăn uống hợp lý
Vào những ngày nắng nóng, mọi người nên bổ sung rau xanh, các loại trái cây vào chế độ ăn. Ngoài ra, nên tránh ăn đồ cay, nóng vì chúng có thể khiến cơ thể bị tăng nhiệt. Bạn cũng nên tránh xa đồ uống có nhiều đường hoặc cồn vì chúng có thể gây mất nước. Thêm vào đó, nên tránh uống đồ uống quá lạnh vì chúng có thể gây co thắt dạ dày.
6. Biết các dấu hiệu nguy hiểm của say nắng để có cách xử trí kịp thời
Hãy luôn lắng nghe bản tin thời tiết trong những ngày nắng nóng để biết được nhiệt độ chính xác tại khu vực mình sinh sống và có những cách bảo vệ bản thân khỏi tác hại của nắng nóng.
Thêm vào đó, hãy biết các dấu hiệu của say nắng - tình trạng nguy hiểm nhất liên quan tới nắng nóng để có cách xử trí đúng, kịp thời.
Các dấu hiệu của say nắng bao gồm:
- Tăng nhiệt độ cơ thể. Nhiệt độ có thể từ 40 độ trở lên.
- Thay đổi hành vi hoặc trạng thái tinh thần như: lú lẫn, kích động, nói ngọng, mê sảng, co giật.
- Da khô và nóng.
- Buồn nôn, nôn.
- Da ửng đỏ.
- Thở nhanh và nông.
- Nhịp tim nhanh.
- Đau đầu.
Nếu thấy bệnh nhân có các biểu hiện trên, điều đầu tiên cần làm là gọi cấp cứu. Trong thời gian chờ xe cấp cứu đến, cần sơ cứu cho bệnh nhân bằng cách:
- Đưa bệnh nhân vào nơi râm mát.
- Khai thông đường thở, hô hấp nhân tạo và ép tim ngoài lồng ngực nếu người bệnh hôn mê, không bắt được mạch.
- Bỏ bớt áo quần.
- Làm mát bệnh nhân bằng cách lau mát, chườm bằng khăn lạnh hoặc nước đá tại các vị trí có động mạch lớn ở gần ngoài da như cổ, bẹn, nách.
- Cho uống nhiều nước hoặc dung dịch điện giải nếu nạn nhân tỉnh táo, có thể tự uống.