Nghi kỵ bao trùm Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ 3

Hoàng Tuấn |

Cho dù Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã ngỏ lời mời Tổng thống Mỹ Donald Trump thăm Bình Nhưỡng, song triển vọng về Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ 3 vẫn khá mờ mịt do bị bao phủ bởi đám mây dày của sự nghi kỵ đến từ cả hai bên.

Trong phát biểu được Hãng thông tấn chính thức của Triều Tiên KCNA phát đi ngày 27-9, Thứ trưởng Thứ nhất Bộ Ngoại giao Triều Tiên Kim Kye-gwan đã bày tỏ hoài nghi về triển vọng diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ ba khi cho rằng Mỹ thiếu thiện chí hợp tác trong vấn đề phi hạt nhân hóa.

Ông Kim Kye-gwan nêu rõ, Mỹ đã chẳng làm gì để thực hiện tuyên bố chung từ Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ nhất giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un hồi tháng 6-2018.

Việc nhân vật số hai của Bộ Ngoại giao Triều Tiên công khai tỏ ý hoài nghi về triển vọng diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên đã khiến dư luận rất chú ý. Nhất là trong bối cảnh cách đây hơn 1 tháng, nhà lãnh đạo Kim Jong-un có gửi thư mời Tổng thống Donald Trump tới thăm Bình Nhưỡng, đồng thời bày tỏ mong muốn tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ 3.

Truyền thông Hàn Quốc ngày 16-9 vừa qua đã dẫn các nguồn tin cho biết, nhà lãnh đạo Kim Jong-un vào tuần thứ ba của tháng 8-2019 đã gửi một bức thư để mời ông Donald Trump thực hiện chuyến công du đầu tiên của một đương kim Tổng thống Mỹ tới thăm Triều Tiên. Trong thư, ông Kim Jong-un cũng bày tỏ sẵn sàng gặp ông Donald Trump trong một Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ 3.

Bức thư thứ hai mà nhà lãnh đạo Triều Tiên gửi Tổng thống Mỹ được cho nhằm thể hiện nỗ lực của Bình Nhưỡng thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên đã giậm chân tại chỗ suốt hơn 1 năm nay sau Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần đầu tiên vào tháng 6-2018 ở Singapore.

Kể từ đó đến nay, trải qua nhiều cố gắng từ hai phía, trong đó có Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ 2 diễn ra tại Hà Nội tháng 2-2019 và cuộc gặp lần đầu tiên giữa một Tổng thống Mỹ và nhà lãnh đạo tối cao của Triều Tiên tại khu vực phi quân sự trên biên giới liên Triều hồi tháng 6 vừa qua, song vẫn không thể phá vỡ sự bế tắc trong vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.

Điểm nghẽn then thốt là sự khác biệt do sự nghi kỵ lẫn nhau giữa Mỹ và Triều Tiên trong việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Cho đến nay, Mỹ vẫn giữ quan điểm Triều Tiên phải dỡ bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân rồi mới tính tới xóa bỏ cấm vận, bình thường hóa cũng như nhận viện trợ kinh tế, trong khi Triều Tiên lại yêu cầu đó là tiến trình đồng thời từ hai phía theo “tiến độ” phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng.

Chính vì chưa tìm được tiếng nói chung trong vấn đề mấu chốt trên mà các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên sau Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ nhất tới nay đều không thu được bất kỳ kết quả nào để thúc đẩy cam kết phi hạt nhân hóa đạt được.

Mới đây, ngay sau khi Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-hui vừa cho biết Bình Nhưỡng sẵn sàng nối lại các cuộc đàm phán phi hạt nhân với Mỹ vào cuối tháng 9 này, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã lập tức “dội một gáo nước lạnh” khi tuyên bố Washington “chưa thể thu xếp các cuộc đối thoại cấp chuyên viên với Triều Tiên”.

Thế nên, trong phát biểu được KCNA phát đi ngày 27-9, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên đã ngỏ ý rằng, tiến trình phi hạt nhân hóa chỉ được thúc đẩy tiếp nếu Tổng thống Donald Trump, người vốn có sự nhạy cảm chính trị và cách đưa ra quyết định với Triều Tiên cho khác các lãnh đạo Mỹ tiền nhiệm, có lựa chọn “sáng suốt” và đưa ra những quyết định “táo bạo”.

Ông Kim Kye-gwan cũng nói thêm rằng, các cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Triều Tiên và Mỹ là những “cơ hội lịch sử” để hai bên bày tỏ ý chí chính trị chấm dứt mối quan hệ thù địch và đặt nền móng cho hòa bình và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên.

Link gốc bài viết tại đây.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại