Nghỉ hưu sớm là tận hưởng cuộc sống: Thật ra, đó là cách nói mĩ miều cho việc trốn tránh trách nhiệm của người ích kỷ, lười biếng và bế tắc

Hoa Chanh |

Rất nhiều người tuyên bố nghỉ hưu sớm, thực chất họ đã "thắt lưng buộc bụng" để đạt mục tiêu, rồi lại phải sống khắc khổ vì không kiếm ra tiền. Cứ quẩn quanh vậy đâu còn gọi là cuộc sống đích thực!

Hôm qua, tôi có đọc chia sẻ trên mạng xã hội của một cô gái trẻ, 27 tuổi, đã quyết định nghỉ hưu sớm với một cuốn sổ tiết kiệm chỉ hơn trăm triệu.

Cô chia sẻ thế này: "Năm nay mình 27 tuổi. Tài sản trong tay là 1 chiếc xe đạp, 1 tấm thảm yoga, 1 iPad, 1 điện thoại, 1 cuốn sổ bảo hiểm xã hội mới đóng 1 năm, sách vở quần áo và tài khoản tiết kiệm hơn trăm triệu".

Cuộc sống về hưu khi chưa đến ba mươi của cô với các hoạt động thường ngày là: tập thiền, đi chợ, đọc sách, thêu thùa, làm bánh. Và theo như chia sẻ, cuộc sống không chịu áp lực tiền bạc, chậm rãi trôi.

Đó chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp tôi nghe được, biết được khi họ chọn lối sống "nghỉ hưu sớm", "nghỉ hưu non".

Chỉ làm việc trong vài năm, tích luỹ được một khoản tiền rồi "nghỉ hưu non" để tận hưởng cuộc sống dường như đang trở thành xu hướng mới trong một bộ phận giới trẻ.

Thoát khỏi môi trường công sở với đầy rẫy áp lực, ràng buộc để sống một cuộc sống tự do, tự tại đang là mơ ước của rất nhiều người trẻ, nhưng ít ai nghĩ ngược lại rằng: nếu ai cũng biếng lười như vậy, xã hội này sẽ đi tới đâu?

Nghỉ hưu sớm là tận hưởng cuộc sống: Thật ra, đó là cách nói mĩ miều cho việc trốn tránh trách nhiệm của người ích kỷ, lười biếng và bế tắc - Ảnh 1.

Chỉ có người lười biếng mới muốn "nghỉ hưu non"

Cứ nghe những bài hát thịnh hành gần đây thì thấy, câu chuyện "Nếu mà mệt quá, giữa thành phố sống chồng lên nhau/ Cùng lắm thì mình về quê, mình nuôi cá và trồng thêm rau" dường như đang trở thành "phương châm sống" mới của giới trẻ.

Có những người trẻ chỉ làm việc trong vài năm, tiết kiệm được một khoản tiền rồi "nghỉ hưu" khi ở tuổi 30 – độ tuổi đáng ra có thể hăng say lao động, tích cực cống hiến và thu hoạch những thành tựu nhất định trong công việc, sự nghiệp.

Dù lý do để "nghỉ hưu sớm" có rất nhiều, mỗi người một khác, song tựu trung lại, đều vì muốn được tự do, thoát khỏi áp lực công việc, áp lực cuộc sống… nhưng xin thưa, cuộc sống nếu không có áp lực, chỉ có thể là cuộc sống… của một người đã chết.

Mới đây, những người "nghỉ hưu sớm" thường được giới trẻ coi như thần tượng, trầm trồ bởi sự dũng cảm, dám vượt thoát ra khỏi "vòng an toàn" để được sống cuộc sống tự do tự tại.

Thế nhưng, cuộc sống của những người nghỉ hưu sớm thật ra không toàn màu hồng.

Cứ nghe những gì họ tâm sự sẽ thấy, phần lớn người trẻ từ bỏ công việc để "về hưu" hầu như không thể trụ lại ở thành phố, mà phải tới những nơi có mức sống thấp hơn, sinh hoạt phí rẻ hơn để sinh sống.

Với số tiền tiết kiệm eo hẹp trong những năm đi làm, chi tiêu của những người này cũng không thật sự thoải mái, nếu không nói là phải cực kì dè sẻn: họ ăn uống đạm bạc, không mua quần áo mới trong nhiều năm liền, không giao du, tụ tập bạn bè và hạn chế mua sắm.

Thật may, điều này chỉ xảy ra trong một số ít người, nếu nó trở thành một trào lưu, chắc chắn sẽ rất nguy hại cho nền kinh tế. Đừng nhầm lẫn lối sống tối giản của người Nhật với sự chạy trốn trách nhiệm khi đang ở tuổi đáng lẽ phải cống hiến nhiều nhất.

Không chỉ có vậy, 30 tuổi là độ tuổi quá trẻ để lựa chọn cuộc sống như một người hưu trí. Cứ thử tưởng tượng mà xem, khi bạn bè đang nỗ lực từng ngày để vươn lên vị trí cao hơn trong sự nghiệp, có tiền để đi du lịch đây đó mở mang đầu óc, học thêm nhiều điều mới mẻ trong cuộc sống thì bạn đang "giam" mình ở một vùng quê, lãng phí tuổi trẻ và chất xám trong những tháng ngày nhàn rỗi và lười biếng.

Mỗi ngày ngừng cố gắng, ngừng vươn lên cũng đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ bị tụt lại phía sau, trở nên chậm chạp và lạc hậu so với thế giới.

Đừng nghĩ rằng "về hưu non" là một cách để tận hưởng cuộc sống, thật ra, đó là cách nói mĩ miều cho việc bạn đang trốn tránh cuộc sống.

Cuộc sống này luôn đầy ắp những áp lực, nhưng áp lực đó chính là điều khiến người ta trưởng thành hơn, mạnh mẽ hơn, rắn rỏi hơn, thúc đẩy người ta "vượt ngưỡng" để trở thành một phiên bản tốt hơn của chính mình. Nếu trốn tránh áp lực, bạn sẽ mãi chỉ là những đứa trẻ không chịu lớn!

Nghỉ hưu sớm là tận hưởng cuộc sống: Thật ra, đó là cách nói mĩ miều cho việc trốn tránh trách nhiệm của người ích kỷ, lười biếng và bế tắc - Ảnh 2.

Người "nghỉ hưu non" là người đã chọn sai công việc

Không khó để biết rằng, trên thế giới, có rất nhiều người đã làm việc chăm chỉ và dường như chưa bao giờ nghỉ hưu, bất chấp tuổi tác. Những người chăm chỉ có thể không hoàn toàn trở nên thành công, thành đạt, nhưng không có một cá nhân đạt tới đỉnh cao nào mà thiếu đi đức tính chăm chỉ.

Nếu bạn muốn từ bỏ công việc sớm, chỉ có thể lý giải một điều rằng bạn đã lười biếng và chọn nhầm công việc cho mình; bởi nếu bạn làm việc với tình yêu, niềm đam mê, bạn chắc chắn sẽ chẳng bao giờ nghĩ tới chuyện "về hưu non" hay mong muốn từ bỏ công việc để được nhàn hạ.

Điều tuyệt vời nhất của lao động chính là khi bạn làm việc, kiếm được tiền từ công việc của mình mà vẫn cảm thấy hạnh phúc, vui vẻ; tuy nhiên, trên thực tế, rất ít người có thể đạt được điều này.

Nhiều người trẻ cho rằng họ phải đi làm như một điều bắt buộc, nếu có lựa chọn khác, hoặc nếu có tự do về tài chính, nhất định họ sẽ ngay lập tức từ bỏ công việc để thực hiện những thú vui, niềm đam mê cá nhân khác.

Điều đó xuất phát từ chỗ: công việc đang làm khác xa với sở thích và đam mê của giới trẻ, nhưng phần đông giới trẻ vẫn rất mù mờ, thậm chí chẳng biết sở thích, sở trường hay đam mê thật sự của mình là gì. Nhiều người đều đang ngộ nhận và rồi rơi vào vòng luẩn quẩn: đi làm vì bắt buộc phải thế chứ chẳng vui vẻ gì!

Thật đáng buồn khi nhìn nhận một thực tế rằng, trong khi có những người lớn tuổi vẫn đam mê lao động, làm việc tới hơi thở cuối cùng như một sự cống hiến, làm việc với 100% nhiệt huyết, thì lại có những người trẻ tuổi lựa chọn bỏ cuộc sớm chỉ vì không chịu nổi áp lực, vì cảm thấy bất mãn với chế độ đãi ngộ nơi làm việc...

Nghỉ hưu sớm là tận hưởng cuộc sống: Thật ra, đó là cách nói mĩ miều cho việc trốn tránh trách nhiệm của người ích kỷ, lười biếng và bế tắc - Ảnh 3.

"Thắt lưng buộc bụng" để nghỉ hưu sớm, rồi lại phải sống khắc khổ vì không kiếm ra tiền

Phần lớn người trẻ khi muốn về hưu sớm đều phải có một kế hoạch tài chính rõ ràng từ nhiều năm trước đó.

Để có thể tiết kiệm được một khoản tiền dành cho việc nghỉ hưu, họ đã phải chi tiêu rất tiết kiệm, sống tằn tiện trong nhiều năm với ý nghĩ rằng sau khi nghỉ hưu sẽ được tự do về tài chính, không bị áp lực tiền bạc, áp lực kiếm tiền.

Song thực tế lại không phải như vậy.

Về hưu sớm với nhiều người đồng nghĩa với việc ngừng làm việc, ngừng kiếm tiền và cố gắng hạn chế chi tiêu tới mức tối thiểu để có thể sống bằng số tiền đã tiết kiệm được từ trước đó.

Không may rằng số tiền này thì có giới hạn, và để sống mà không phải làm việc khi cuộc đời phía trước còn rất dài, người ta chẳng còn cách nào khác ngoài việc mỗi ngày một tằn tiện hơn.

Cho đến khi sự tằn tiện ăn sâu vào ý thức, từ thói quen trở thành một phần tích cách, khiến cho người ta không dám hưởng thụ, không thể hưởng thụ và chung quy là tự "đày đoạ" cuộc sống của mình một cách khổ sở.

Vậy là từ chỗ nghỉ hưu sớm để không bị áp lực về công việc, tiền bạc, người trẻ lại rơi vào tình cảnh bị đồng tiền chi phối, khiến cuộc sống trở thành một vòng luẩn quẩn, bế tắc và thất bại.

Bởi vậy, nếu đang là một người trẻ tuổi có ý định nghỉ hưu sớm, có lẽ bạn nên cân nhắc lại, hãy dành trọn thanh xuân của mình để cống hiến và sống một cuộc đời có ý nghĩa bằng cách đóng góp nhiều điều tích cực cho xã hội thay vì trở thành một gánh nặng bởi lối sống ích kỉ và lười biếng của mình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại