Việc tăng chế tài và quy định xử phạt cả những người điều khiển xe đạp trong người có cồn tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ đang được dư luận hết sức quan tâm. Một số người còn cho rằng mức xử phạt nồng độ cồn của Nghị định 100 đang "vượt" Luật Giao thông đường bộ 2008. Thực hư việc này như thế nào?
Nghị định hoàn toàn phù hợp với luật
Trước băn khoăn của dư luận về Nghị định 100, Luật sư Diệp Năng Bình (Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật) dẫn lại vấn đề gây tranh luận như sau:
Tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định: Người đi xe máy có nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở bị phạt từ 2 - 3 triệu đồng và tước GPLX từ 10 - 12 tháng. Đồng thời, Nghị định cũng xử phạt đối với người đi xe đạp uống rượu bia, với mức phạt thấp nhất là 80.000 đồng và cao nhất là 800.000 đồng.
CSGT kiểm tra nồng độ cồn.
Trong khi đó, khoản 8, Điều 8, Luật Giao thông đường bộ quy định: Nghiêm cấm người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở. Như vậy, Luật Giao thông đường bộ không hề cấm đối với người đi xe máy có nồng độ cồn chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc 0,25 mg/1lít khí thở, cũng không hề có quy định cấm người đi xe đạp có nồng độ cồn.
"Chính vì sự ‘vênh’ nhau như trên giữa Nghị định 100/2019/NĐ-CP và Luật Giao thông đường bộ đã dẫn đến băn khoăn của nhiều thành viên trên các diễn đàn về giao thông", luật sư Diệp Năng Bình nói.
Tuy nhiên, thực tế tại khoản 1, Điều 35, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 đã sửa đổi, bổ sung khoản 8 Điều 8 của Luật Giao thông đường bộ 2008 như sau: Nghiêm cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Theo đó, quy định về nồng độ cồn tại Luật Giao thông đường bộ đã được sửa đổi bởi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia nhưng không nhiều người biết.
Như vậy, quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP là hoàn toàn phù hợp với Luật Giao thông đường bộ (sau khi đã được sửa đổi bởi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019).
Luật sư Diệp Năng Bình.
Xử phạt vi phạm hành chính là vẫn còn nhẹ
Luật sư Bình cho rằng, Nghị định 100/2019/NĐ-CP với những chế tài mạnh (nhiều quy định xử phạt mới, mức phạt tăng cao), chính thức có hiệu lực từ 1/1/2020 chắc chắn đủ sức răn đe người điều khiển phương tiện giao thông. Hy vọng sẽ phần nào giảm bớt số vụ tai nạn do rượu, bia gây ra.
"Tôi vẫn có chút lo lắng trong quá trình thực hiện Nghị định 100. Ví dụ như vấn đề khi có chút rượu bia thì người say cũng cho rằng mình tỉnh, bất chấp sự can ngăn của người khác. Mức phạt có thể cao với người thu nhập thấp nhưng lại vẫn còn thấp với người thu nhập cao.
Công tác xử phạt vẫn còn nhiều vấn đề bàn cãi như sợ lót tay, cho qua của lực lượng chức năng.... Do đó, để triệt để không xử lý nửa vời đối với hành vi uống rượu bia khi lái xe thì cần phải ‘hình sự hóa’ hành vi này, bởi khi nào còn xử phạt vi phạm hành chính là vẫn còn nhẹ, tiêu cực vẫn xảy ra và tai nạn giao thông vẫn tiếp diễn", luật sư Bình nêu quan điểm.
Nghị định 100/2019/NĐ-CP có rất nhiều điểm mới như tăng mức xử phạt với nhiều hành vi vi phạm, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn.
Cụ thể, đối với người điều khiển xe ô tô vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất, phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/lít khí thở.
Cùng nồng độ này, sẽ phạt từ 6 - 8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng đối với người điều khiển xe mô tô, phạt từ 400.000 - 600.000 đồng đối với người điều khiển xe đạp, xe thô sơ vi phạm như trên.