"Giải cứu" bạn khỏi viện tâm thần
Theo như các nhân chứng có mặt tại hiện trường cho biết, khoảng 8h sáng 29-10, một nam thanh niên mặc áo khoác đi vào khu thăm hỏi của Viện Pháp y tâm thần Trung ương, nơi nhận tiếp tế cho bệnh nhân.
Người này đã yêu cầu các nhân viên y tế cho gặp một người bạn tên Trương Kim Hoàng (31 tuổi, trú tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Hoàng đang ở Viện Pháp y tâm thần Trung ương 1 để giám định xem có tâm thần hay không theo yêu cầu của Viện KSND quận Hoàn Kiếm, do liên quan đến một vụ án ma túy.
Khi điều dưỡng viên dẫn Hoàng ra để gặp thì đối tượng bất ngờ rút từ trong người ra một khẩu súng ngắn màu đen và một con dao rồi buông lời đe dọa các nhân viên y tế ở đó.
Thấy nguy hiểm, các nhân viên bỏ chạy thì bị đối tượng đuổi theo dọc hành lang.
Chạy một đoạn, thấy chị Lê Thị Hà (nhân viên điều dưỡng của Viện Pháp y) đang không chú ý, đối tượng đã dùng dao kề vào cổ khống chế chị Hà, yêu cầu những người khác mở cửa cho hắn và Hoàng ra ngoài.
Sau đó, tên này khống chế chị Hà, cùng với Hoàng đi ra đến cổng Viện rồi khống chế một xe taxi để bỏ trốn.
Ngay khi nhận được tin báo, Phòng Cảnh sát hình sự (PC45) Công an thành phố và Công an huyện Thường Tín đã điều động, các chiến sĩ dày dạn kinh nghiệm để nhanh chóng khống chế đối tượng, giải cứu con tin bằng phương án tối ưu nhất.
Ngay sau khi đối tượng bỏ trốn, Công an huyện Thường Tín ngay lập tức đã tổ chức một mũi trinh sát truy đuổi.
Khi đến gần Bệnh viện Đa khoa Thường Tín thì chiếc xe taxi mà đối tượng khống chế bị chặn đường. Biết không thể tiếp tục bỏ chạy, đối tượng lôi con tin vào cửa hàng hoa gần đó.
Lực lượng chức năng tại hiện trường đã khuyên giải, vận động đối tượng buông vũ khí hết sức chân thành nhưng tên này không đồng ý.
Đích thân Đại tá Dương Văn Giáp - Trưởng phòng PC45 đã có mặt tại hiện trường, thuyết phục đối tượng, đồng thời chỉ đạo anh em tìm phương án hợp lý nhất để bắt giữ đối tượng.
Đối tượng yêu cầu cơ quan Công an phải cung cấp một chiếc xe ôtô để đưa hắn và Trương Minh Hoàng về nhà của Hoàng.
Trước tình hình đó, nhận thấy tâm lý bất ổn, sự manh động của đối tượng sẽ gây nguy hiểm cho con tin, lãnh đạo PC45 quyết định đáp ứng yêu cầu của hắn.
Đại tá Dương Văn Giáp quyết định phân công Trung tá Dương Minh Tùng, Đội trưởng Đội Cảnh sát Đặc nhiệm trực tiếp điều khiển chiếc xe ôtô chở 2 đối tượng và con tin.
Khi Trung tá Tùng vừa lái xe đến, hai đối tượng mở cửa xe lôi con tin vào trong, yêu cầu phải phóng với tốc độ cao nhất để vào trung tâm Hà Nội.
Đối tượng đã kề dao vào cổ Trung tá Tùng và yêu cầu anh không được nghe điện thoại hay có động thái liên lạc với bên ngoài, phải chạy xe thật nhanh theo chỉ dẫn của hắn.
Ngay sau khi chiếc xe vừa lao đi, một chiếc xe khác do các trinh sát của PC45 điều khiển cũng nhanh chóng bám theo.
Cùng lúc, đó danh tính đối tượng này cũng được cơ quan Công an làm rõ, hắn là Trần Đức Anh (23 tuổi, trú tại đường Đào Tấn, phường Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội), có một tiền án.
Bằng kinh nghiệm lâu năm, các trinh sát nhận định điểm đến của đối tượng chỉ có thể là nhà của Hoàng hoặc Đức Anh.
Đại tá Dương Văn Giáp, Trưởng phòng PC45, Công an TP Hà Nội. |
Phòng PC45 đã phối hợp với Công an quận Hoàn Kiếm và Ba Đình để tăng cường lực lượng mật phục, giải cứu con tin.
Đúng như dự đoán, theo các trinh sát báo về, xe chở các đối tượng đang di chuyển về nhà của Trương Kim Hoàng ở ngõ Yên Thế. Nhưng kẻ này đâu ngờ, xung quanh điểm đến đã được bố trí "thiên la địa võng".
Khi chiếc xe dừng lại ở trước cửa nhà của Hoàng, Đức Anh vẫn trong tư thế kề dao và súng vào cổ con tin, yêu cầu nữ nhân viên y tế này vào cùng. Tên này cũng tỏ ra hết sức cảnh giác, không cho Trung tá Tùng tiếp cận gần mình.
Khi cánh cửa vừa mở, các trinh sát mật phục tại chỗ đã nhanh chóng tách được con tin ra khỏi đối tượng một cách an toàn. Bị vuột mất con tin, đối tượng mất bình tĩnh, đe dọa sẽ tự sát và nổ súng về phía lực lượng Công an.
Để tránh đối tượng bị kích động mạnh, gây nguy hiểm cho người dân và lực lượng truy bắt, các trinh sát vừa thuyết phục vận động và từ từ tiếp cận đối tượng chờ thời cơ.
Khi thấy đối tượng mất cảnh giác, các chiến sĩ đã lao vào quật ngã và khống chế bắt giữ thành công, tước vũ khí an toàn.
Ngay sau đó cả hai đối tượng này đều bị đưa về phòng PC45 Công an thành phố Hà Nội để lấy lời khai. Theo CQĐT cho biết, khẩu súng kiểu K59 của đối tượng Trần Đức Anh là súng nhựa bắn đạn bi.
Tuy nhiên, nếu nhìn qua thì rất khó có thể phân biệt được với súng thật.
Đối tượng Trần Đức Anh. |
Hiểm họa "ngáo đá"
Trong vụ việc nói trên, dù đối tượng có biểu hiện "ngáo đá", có những hành động nguy hiểm nhưng bằng sự can thiệp kịp thời của lực lượng Công an và quan trọng nhất là được sự hợp tác hiệu quả của con tin nên cuộc giải cứu đã thành công.
Chị Hà thường xuyên tiếp xúc với các đối tượng tâm thần được đưa vào điều trị do sử dụng đá lâu năm nên có kiến thức, bình tĩnh chứ không la hét, khóc lóc, hoảng loạn.
Trên xe, chị Hà đã kết hợp ăn ý với Trung tá Dương Minh Tùng - Đội trưởng Đội đặc nhiệm - người nhận nhiệm vụ lái xe chở các đối tượng và con tin theo yêu sách của Đức Anh nên phần nào giảm sự kích động từ hắn.
Do vậy, chưa có hậu quả đáng tiếc xảy ra. Thế nhưng, không phải ai cũng được may mắn khi đối mặt với những kẻ "ngáo đá" như điều dưỡng viên Lê Thị Hà.
Hung khí đối tượng Trần Đức Anh sử dụng trong vụ bắt con tin tại Thường Tín, Hà Nội |
Nếu nói đến sự nguy hiểm của những kẻ "ngáo đá", phải kể đến vụ việc xảy ra vào tối ngày 20-8-2017 tại quận 5 (TP Hồ Chí Minh).
Theo đó, đối tượng Ngô Quang Hưng (37 tuổi) sau khi sử dụng ma tuý, trong cơn phê pha, hắn cầm một con dao nhọn đi tìm ông Lương Văn Cường (54 tuổi) để giải quyết mâu thuẫn cá nhân giữa hai người trước đó.
Khi đến trước nhà số 487 đường Nguyễn Trãi (phường 7, quận 5), thấy ông Cường, Hưng liền xông đến dùng dao đâm ông này bị thương.
Khi vụ việc xảy ra, anh Huỳnh Thúc Căn (38 tuổi, ngụ quận 5) hành nghề xe ôm gần đó chạy lại can ngăn cũng bị Hưng dùng dao đâm thương tích.
Dù bị thương tích nặng, nhưng ông Cường, ông Căn đã cùng một số người dân truy đuổi theo Hưng. Chạy được một đoạn, Hưng bị những người dân khống chế, bắt giữ.
Do thương tích nặng nên ông Cường, ông Căn gục tại hiện trường và được người dân, phối hợp cùng Công an đưa đi cấp cứu.
Ông Cường đã tử vong tại bệnh viện sau đó. Ông Căn đến nay vẫn đang điều trị thương tích.
Đối tượng Ngô Quang Hưng sau đó bị Công an Quận 5 tạm giữ hình sự để củng cố hồ sơ và chuyển giao cho PC45 - Công an TP Hồ Chí Minh để điều tra, xử lý đối tượng này về hành vi "giết người".
Tại CQĐT, Hưng cũng đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Theo như cơ quan Công an cho biết, Hưng là đối tượng nghiện ma túy, bị HIV. Hiện Công an đang mở rộng điều tra.
Vụ việc nói trên chỉ là một trong số hàng chục, hàng trăm vụ việc khác liên quan đến các đối tượng sử dụng ma tuý, có dấu hiệu "ngáo đá" gây nguy hiểm đến tính mạng người dân.
Đó cũng là một lời cảnh tỉnh tới những người có ý định sử dụng ma tuý, sử dụng thứ chất độc khiến họ đánh mất đi nhân tính và gây ra những tội ác nguy hiểm mà đôi khi chính họ cũng không nhận biết được hành vi của mình.
*Ngáo đá là hiện tượng, tình trạng mất kiểm soát bản thân, ảo giác, mất nhận thức tạm thời, suy nhược lí trí, hoang tưởng, ảo thị, ảo thanh, ám ảnh bị giết hại,... thường gặp ở những người dùng ma túy đá có chứa các chất dạng Methamphetamine hoặc Amphetamine. Đây là tình trạng rất nguy hiểm tới tính mạng người bệnh, gây nguy hại cho những người xung quanh. Đặc trưng nhất của người nghiện là gặp ảo giác, hoang tưởng, loạn thần. Cơn "ngáo đá" có thể diễn ra trong vài chục phút, vài tiếng hoặc vài tháng. Đáng lo ngại, những điều này diễn biến bên trong tâm tưởng của kẻ sử dụng nên người xung quanh khó nhận biết. Ma túy đá biến đổi rất nhanh, khiến bản thân người nghiện không làm chủ được chính mình. Người sử dụng có thể bị loạn thần ngay lần đầu chứ không nhất thiết phải dùng nhiều. Nếu dùng liên tục trong thời gian dài, các triệu chứng về loạn thần sẽ trở thành mãn tính. Hiện nay, "ngáo đá" chiếm khoảng 20% các trường hợp sử dụng ma túy đá. Ngoài ra, người nghiện còn có các biểu hiện rối loạn tâm thần khác. Chất gây nghiện này rất độc hại cho người sử dụng do được sản xuất thủ công nên có nhiều tạp chất, dễ gây nhiễm độc. Người bị "ngáo đá" có các biểu hiện gần như giống với bệnh tâm thần phân liệt nhưng mức độ nguy hiểm hơn. Nhiều trường hợp khiến bác sĩ nhầm lẫn do không nắm được tiền sử sử dụng ma túy của người bệnh, gây khó khăn trong quá trình điều trị. |