Bà Dimitra, 73 tuổi chưa từng nghĩ sẽ phải sống dựa vào những món đồ từ thiện từ cộng đồng. Ấy thế mà hôm nay, bà đã chịu xếp hàng để nhận số lương thực sử dụng trong một tháng. Đó là vài lạng gạo, hai gói mỳ ống, một gói đậu gà, vài quả chà là khô cùng một lon sữa đặc là loại nhỏ.
Nhưng bà không cảm thấy xấu hổ hay ngại ngùng gì cả, bởi hàng loạt người dân Hy Lạp cũng rơi vào tình cảnh tương tự - thậm chí còn bi đát hơn rất nhiều.
22% dân số đang thiếu thốn trầm trọng
Đã 7 năm kể từ ngày Hy Lạp nhận được những khoản hỗ trợ trị giá hàng tỷ euro từ EU để vực dậy nền kinh tế, tình trạng nghèo đói tại đất nước này vẫn không hề cải thiện và thậm chí còn trở nên tồi tệ hơn rất nhiều.
"Tôi đã sống vô cùng giản dị và chẳng bao giờ có ý định đi du lịch hay tiêu xài hoang phí. Vậy mà giờ đây, tôi vẫn chẳng còn gì trong tay", bà Dimitra chia sẻ.
Hiện nay, bà phải dành hơn một nửa số thu nhập mỗi tháng là 332 euro (tương đương gần 8 triệu đồng) để trả tiền thuê nhà cùng các loại sinh hoạt phí đắt đỏ khác.
Mặc dù đồng ý trả lời phỏng vấn nhưng bà Dimitra vẫn từ chối cung cấp họ tên đầy đủ vì lo ngại sẽ gặp định kiến từ cư dân xung quanh. Bà không muốn họ biết việc mình phải nhận đồ cứu trợ hằng tháng.
Người dân chấp nhận dùng bữa trong bóng tối để tiết kiệm khoản tiền sinh hoạt phí.
Khủng hoảng tài chính toàn cầu cùng những hệ lụy của nó đã khiến 4 quốc gia thuộc khối sử dụng đồng tiền chung euro lâm vào cảnh lao đao, đồng thời phải vay mượn từ các tổ chức trên thế giới để tránh nền kinh tế bị sụp đổ hoàn toàn.
Ba quốc gia trong số đó, bao gồm Cộng hòa Síp, Ireland và Bồ Đào Nha đã được giải cứu thành công và đang trên đà tăng trưởng trở lại.
Tuy nhiên, Hy Lạp – quốc gia đầu tiên được phía EU đồng ý trợ giúp vẫn chưa hết chật vật. Dù đã nhận được 3 gói giải cứu kinh tế khác nhau từ năm 2010 nhưng tình trạng đói nghèo vẫn không hề cải thiện.
Bà Dimitra tỏ ra khá buồn lòng khi phải nhận những món đồ từ thiện.
Những gói giải cứu từ Liên minh Châu Âu EU và Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF đã phần nào giúp cho Hy Lạp không rơi vào tình trạng phá sản.
Thế nhưng, các chính sách thắt lưng buộc bụng và cải cách đi kèm khoản vay này lại khiến nền kinh tế Hy Lạp chìm sâu vào suy thoái.
"Đa phần số tiền mà chúng tôi nhận được thực chất chỉ là một khoản cho vay mới nhằm giúp chính phủ thanh toán hết mọi khoản nợ cũ", ông Repax cho biết.
Tính tới thời điểm hiện tại, Hy Lạp vẫn chưa phải thành viên nghèo nhất của EU với tỷ lệ nghèo đói xếp sau Bulgaria và Romania.
Tuy nhiên, khoảng cách của Hy Lạp với hai quốc gia "đội sổ" trên đã không còn quá xa bởi hơn 22% dân số nước này đang phải sống trong tình trạng thiếu thốn trầm trọng về mặt vật chất.
Tình trạng nghèo đói vẫn tiếp tục gia tăng
Trong những năm gần đây, tình trạng khó khăn tại Bulgaria và Romania đều đang có những bước cải thiện đáng kể. Tỷ lệ dân số sống dưới mức nghèo đói tại Romania đã giảm 1/3 kể từ khi gia nhập EU vào năm 2007.
Kể từ năm 2008, tỷ lệ nghèo đói chung của toàn EU cũng giảm từ 8,5% xuống còn 8,1%. Riêng ở Hy Lạp, nạn nghèo đói vẫn tiếp tục gia tăng một cách rất nhanh chóng. Tính từ năm 2008 tới nay, tỷ lệ dân số sống dưới mức chuẩn nghèo còn tăng gần gấp đôi.
Và hiện thực của những con số đáng buồn trên đang được thể hiên một cách khá sinh động tại trung tâm cứu trợ người nghèo do chính quyền lập nên - nơi bà Dimitra vẫn thường xuyên ghé tới để nhận đồ cứu trợ.
Số lương thực ít ỏi mà người dân Hy Lạp được trợ cấp trong vòng một tháng.
Mỗi ngày, hàng chục người dân ở thủ đô Athens đều kiên nhẫn xếp hàng với một tấm vé chờ trên tay để nhận phần thực phẩm cứu trợ của riêng mình.
Tất cả đều đã được xác nhận là đang sống dưới mức chuẩn nghèo với thu nhập hằng tháng chưa đến 370 euro (tương đương khoảng 8,5 triệu đồng).
"Nhu cầu tại đây rất lớn. Vào năm 2012, chỉ có khoảng 2.500 gia đình đăng ký nhận hỗ trợ nhưng tới năm 2014, con số ấy đã tăng lên tới hơn 6.000 người", cô Eleni Katsouli – nhân viên phụ trách một trung tâm cứu trợ tại thành phố Athens cho biết.
Lượng người vô gia cư đang ngày một tăng cao.
Hiện đang có 11.000 gia đình đăng ký nhận hỗ trợ tại trung tâm nơi cô Katsouli phụ trách – tương đương với khoảng hơn 26.000 người, trong đó có ít nhất 5.000 trẻ nhỏ.
Vì thế, nhiều tủ lạnh và giá đồ trong kho đã hoàn toàn trống rỗng. Nguồn hàng nhận được từ những đơn vị tài trợ hiện cũng không ổn định vì đa phần họ cũng đang rất khó khăn.
"Chẳng biết còn đáp ứng nhu cầu của người dân được bao lâu nữa. Bạn biết không, nhiều gia đình cần được trợ giúp vì đang nuôi con nhỏ nhưng chúng tôi chẳng có sữa để cho họ nữa", cô Katsouli nói.
Các tổ chức quốc tế, bao gồm cả Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD đã và đang hối thúc chính phủ Hy Lạp hãy tập trung giải quyết tình trạng ngèo đói và bất bình đẳng về kinh tế ở quốc gia mình.
Tỷ lệ thất nghiệp đứng đầu khối EU
Mặc dù đã giảm từ 28% xuống còn 23% nhưng tỷ lệ thất nghiệp tại Hy Lạp vẫn đang đứng đầu khối EU.
Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới vào 2008, nền kinh tế nước này đã bị "teo nhỏ" hơn 25% và hàng ngàn doanh nghiệp phải hoàn toàn đóng cửa vì không thể chịu nổi sức ép sau cuộc đại suy thoái.
Một số chuyên gia cũng đưa ra những dự đoán lạc quan về khả năng hồi phục của nền kinh tế Hy Lạp trong năm 2017. Tuy nhiên, hàng loạt thống kê mới đây nhất lại cho thấy các con số "cải lùi" trong 3 tháng cuối năm ở xứ sở thần thoại.
Một bếp ăn miễn phí do Nhà thờ Chính thống giáo mở ra.
Năm vừa qua, hơn 75% số hộ gia đình đã phải chứng kiến sự suy giảm đáng kể khi thu nhập hằng tháng bị cắt bớt quá nhiều, còn 40% dân số phải giảm thiểu tối đa các chi phí dành riêng cho thực phẩm.
Khoảng 1/3 số gia đình đàn có ít nhất một thành viên trong độ tuổi lao động đang không có việc làm. Thậm chí, họ cũng gặp muôn vàn khăn bởi hóa đơn tiền điện, tiền nước cứ thi nhau ập đến.
Chưa đầy 2 tiếng mở cửa, một bếp ăn miễn phí do Nhà thờ Chính thống giáo mở ra tại khu dân nghèo Perama mỗi ngày phải phục vụ hơn 400 lượt người.
"Mọi người đều đang rất khó khăn. Tôi không biết làm gì để giúp đất nước này có thể thoát khỏi cảnh túng quẫn như hiện nay", bà Eva Agkisalaki, 61 tuổi - một giáo viên về hưu đang làm việc tại bếp ăn chia sẻ.
Người quản lý bếp ăn miễn phí cũng như người cung cấp nguồn thịt giá rẻ cho bếp ăn này khẳng định số cư dân tới đây đã tăng gấp đôi trong vòng hai năm qua.
Mỗi ngày bếp ăn miễn phí này phải phục vụ hơn 400 người dân nghèo khó tại thủ đô Athens.
Trên thực tế, lý do khiến bà Agkisalaki chấp nhận công việc tình nguyện trên là để đổi lấy một phần thực phẩm nhỏ nhằm hỗ trợ cho hai đứa con đang thất nghiệp của mình.
"Hợp đồng làm việc của tôi hết hạn khi độ tuổi nghỉ hưu tăng lên 67 tuổi. Vì nghỉ sớm và không thể tìm được công việc mới nên tôi chưa đạt điều kiện để nhận phúc lợi hưu trí", bà Agkisalaki nói.
Lương hưu của chồng bà cũng bị cắt từ 980 euro xuống còn 600 euro (tương đương hơn 22 triệu đồng xuống còn gần 14 triệu đồng) một tháng.
Đó chính là hậu quả của việc chính phủ Hy Lạp chấp nhận những yêu cầu cải cách từ các chủ nợ để có thể tiếp tục được vay tiền với lãi suất ưu đãi.
Bà Agkisalaki chấp nhận công việc tình nguyện tại bếp ăn để đổi lấy lương thực cho cả gia đình mình.
Mọi chuyện đang trở nên tồi tệ hơn rất nhiều khi nền kinh tế tại Hy Lạp không hề có dấu hiệu phục hồi. Bằng chứng là nhiều người thường xuyên không có nổi một đồng trong túi và phải ngủ ngoài đường suốt cả tháng trời.
"Lượng người vô gia cư còn lớn tới nỗi chúng tôi phải sắp xếp tình nguyện viên lái xe bán tải chở theo máy giặt, máy sấy quần áo tới những khu dân cư nghèo để cung cấp dịch vụ miễn phí cho họ", nhóm Athens chia sẻ.
Anh Fanis Tsonas, người đồng sáng lập dịch vụ Xe giặt đồ lưu động miễn phí Ithaca cho biết: "Mỗi lần trở lại các khu dân cư, anh đều nhìn thấy một vài khuôn mặt mới xen lẫn với những khách hàng quen thuộc".
Và với tình trạng này, chắc hẳn ngày càng ít người dân tại Hy Lạp còn dám mơ mộng về một tương lai tốt đẹp hơn trong tương lai sắp tới.
Hàng loạt người nghèo khó phải ăn chực nằm chờ ngoài đường suốt nhiều tháng liền.