*Food stylist có thể hiểu là người tạo ra những bức ảnh món ăn đẹp mắt theo yêu cầu của khách hàng.
Thông tin nhân vật:
Họ và tên: Nguyễn Thùy Dương
Tuổi: 27
Kinh nghiệm làm việc:
- 2 năm trong nghề với các dự án chụp hình đồ ăn tại các khách sạn lớn như JW Marriott Hanoi, Intercontinental Hanoi West Lake, Pullman Hanoi, Daewoo Hanoi...
- Đồng sáng lập Deto Concept (studio chụp ảnh đồ ăn) với phạm vi hoạt động mở rộng từ Hà Nội đến Đà Nẵng và TP HCM.
- Thử sức với vai trò cộng tác viên viết bài cho một số báo như Tpot Journal, Heritage Việt Nam, Nếp
- Sở hữu blog riêng nhằm chia sẻ kiến thức về nghề food stylish, nhằm gắn kết cộng đồng những người có chung niềm đam mê.
Chào Thùy Dương, theo bạn, Food Stylish (FS) làm thương mại và chụp ảnh đồ ăn để ngắm khác nhau ở chỗ nào?
Mình có thể liệt kê những điểm khác nhau như sau:
Chụp ảnh để ngắm thì được thoải mái sáng tạo và không áp lực thời gian. Đẹp xấu không quan trọng bằng việc bản thân thấy yêu thích là được. Chụp đồ ăn để ngắm thì không có ràng buộc từ bên ngoài.
Với các sản phẩm để thương mại thì FS không được hoàn toàn quyết định thẩm mỹ, concept (chủ đề) chụp hình mà phải đáp ứng một vài yếu tố quy chuẩn hoặc lưu ý do thương hiệu đưa ra.
Chân dung cô nàng 27 tuổi đam mê nghề Food Stylish Nguyễn Thùy Dương
Môi trường chụp ảnh thương mại đòi hỏi rất nhiều yếu tố chuyên môn lẫn kỹ năng mềm. Chụp thương mại cần cân bằng giữa thẩm mỹ của FS và sở thích của khách hàng.
FS phải thuyết phục khách hàng lựa chọn theo những ý tưởng tốt để chụp hình. Không phải khách hàng nào cũng dễ dàng nghe theo sự tư vấn của FS do thẩm mỹ mỗi người là khác nhau.
Bên cạnh đó, thẩm mỹ mà FS áp dụng lên sản phẩm ngoài làm hài lòng khách hàng còn làm hài lòng khách hàng của khách hàng nữa. Sản phẩm có đẹp thì người tiêu dùng mới quyết định có mua hay không.
Khi làm thương mại cần đáp ứng được deadline, áp lực trong công việc vì họ phải làm việc với nhiều các bộ phận chuyên môn khác như: giám đốc sáng tạo, giám đốc sản xuất, bộ phận marketing, đầu bếp từ phía nhãn hàng...
Để ra được sản phẩm cuối cùng, FS phải vận dụng nhiều kĩ năng cũng như phối hợp ăn ý với các bộ phận chuyên môn khác
FS có phải là nghề sang chảnh, mỹ miều? Hay phải đánh đổi và chịu rất nhiều rủi ro? Nếu có thì cụ thể là gì?
FS có một ưu ái là được tiếp xúc với nhiều loại đồ ăn, nền ẩm thực khác nhau, được đi nhiều nơi và ăn nhiều món ngon để trải nghiệm. Nhưng đổi lại họ cần có một kiến thức nền khá rộng để xử lý được tất cả các thông tin về đồ ăn có liên quan.
FS có thu nhập khá ổn so với các ngành nghề văn phòng khác. Chi phí để hoạt động nghề này cũng cao vì phải đầu tư thiết bị nhà bếp, nguyên liệu, đồ ăn đa dạng phục vụ cho nghiên cứu, chế biến ẩm thực.
Thời gian của FS cũng linh động không cố định, có thể tự sắp xếp ngày làm việc cho phù hợp mà không gò bó. Nhưng khi có dự án lại căng thẳng hơn những người bình thường vì thường xuyên làm việc liên tục nhiều giờ không nghỉ.
Những tấm hình "đẹp mơ màng" và "sống chậm" trên Instagram chỉ là một phần cuộc sống của FS. Những rủi ro mà FS phải đánh đổi khi làm nghề này là sức khoẻ. FS cần có sức khoẻ tốt để theo đuổi lịch làm việc đôi khi rất dày đặc.
Có những project mình phải làm xuyên đêm tới 24 giờ liên tục không nghỉ để đảm bảo tiến độ của cả ekip. FS cũng là người tiếp xúc với đèn chụp, đèn quay film với cường độ ánh sáng cực mạnh nên khá hại mắt.
Môi trường làm việc không cố định, khi thì trong studio khi thì ngoài trời nắng mưa thất thường nên phải có sự thích nghi tốt. Nghề này thử thách sức khoẻ rất nhiều.
Có những dự án mình phải chuẩn bị hàng trăm nguyên liệu nhưng không phải nguyên liệu nào cũng dễ dàng mua được. Có thể hết mùa hoặc chất lượng thực phẩm không tốt nên rất mất thời gian để tìm kiếm và bảo quản chúng.
Tìm kiếm thực phẩm "xịn" để lên hình đẹp cũng là một trong những khó khăn của FS
FS cần có team cứng để hỗ trợ nhau. Nếu làm freelancer (tự do) rất dễ nản do phải tự làm nhiều việc một lúc như nấu, sắp xếp đồ ăn rồi chụp ảnh. Dó đó FS cần kết hợp với các bạn làm chuyên môn khác như người chụp ảnh đồ ăn, đầu bếp, các trợ lý… để theo đuổi con đường chuyên nghiệp nếu muốn đi xa.
Ngoài ra FS cần trang bị cho mình những thiết bị nhà bếp đủ tốt, không gian làm việc chuyên nghiệp để tạo uy tín với khách hàng.
Một ngày của bạn với vai trò là một FS diễn ra như thế nào?
Một ngày của mình bắt đầu khá muộn, 9h sáng giải quyết email trao đổi với khách hàng, lên kế hoạch cho dự án bao gồm danh sách những nguyên liệu cần mua, đạo cụ cần chuẩn bị hoặc vẽ sketch layout (phác thảo mô hình sắp xếp đồ ăn), tính toán những phát sinh hay rủi ro, làm việc với ekip chụp hình...
Từ sketch layout đến thực tế
Nếu có lịch chụp mình sẽ thức dậy từ 6h sáng hoặc sớm hơn và làm việc cả ngày tới khi nào kết thúc. FS thường ra về sau cùng vì phải đóng gói đồ đạc và bảo quản nguyên liệu.
Vali công tác của Dương cũng nặng hơn bình thường vì phải mang theo nhiều đạo cụ chụp ảnh
Gia đình bạn có bao giờ nói nghề này viển vông?
Bố mẹ mình ban đầu không hiểu mình làm nghề gì vì cứ nấu, chụp ảnh rồi đổ đồ ăn đi (cười). Và thắc mắc là làm thế có kiếm ra tiền không mà sao suốt ngày thấy ở nhà.
Sau một thời gian làm nghề bố mẹ thấy con gái ổn định tài chính và phụ giúp cho gia đình nên cũng yên tâm. Mình chỉ thấy khó khăn một chút mỗi khi giải thích cho người lớn biết mình đang làm gì và tại sao thị trường lại cần đến những người như mình vì FS chưa hẳn là nghề phổ biến ở Việt Nam.
Nghề FS còn chưa phổ biến ở Việt Nam
Nghề FS đặc biệt cần sự tỉ mỉ và kiên trì. Bạn nói gì về sự tỉ mẩn đến "mỏi con mắt" của nghề này?
Sự tỉ mỉ đánh giá mức độ chuyên nghiệp của người làm FS. Có những loại thực phẩm vừa phải giữ được độ tươi ngon vừa phải đáp ứng được hình thức đẹp nên FS cần lựa chọn những nguyên liệu tốt nhất khi lên hình trong hàng chục sản phẩm cùng loại.
Một số đạo cụ, bát đĩa, đũa thìa... không có sẵn trên thị trường mà phải tự chế, tự mày mò sản xuất riêng cho mình.
Tỉ mỉ là thước đo sự chuyên nghiệp của mỗi FS
Ví dụ như bức ảnh chụp chủ đề Giáng sinh năm 2017. Mình mất một ngày để lên ý tưởng cho đồ ăn Giáng Sinh, suy nghĩ tạo hình như thế nào cho mới lạ, màu sắc sử dụng bắt mắt và ai nhìn vào nó cũng cảm thấy tinh thần Giáng Sinh trong đó.
Thời gian chuẩn bị nguyên liệu và đạo cụ trang trí mất 2 ngày, một ngày làm background (phông nền). Quá trình nấu các món và sắp đặt, test (thử) sáng mất 6 tiếng để cho ra bức ảnh cuối cùng.
Quá trình làm ra thành phẩm mang chủ đề Giáng sinh
Nghề này gây ra những "tổn thất" gì cho bạn?
Tốn kém nhất phải kể đến thiết bị nhà bếp của mình. Vì khá kỹ tính nên mình tự thiết kế căn bếp phù hợp với nhu cầu sử dụng và mua thật nhiều loại máy móc chế biến thực phẩm như tủ lạnh, máy xay, máy ép, máy cán, máy trộn....
Thùy Dương tỷ mỉ trong từng công đoạn tạo ra sản phẩm
Kho đạo cụ của mình cũng được sắp xếp một phòng riêng bao gồm chén đĩa, thuỷ tinh, đồ mây tre đan, background... sưu tập trong 2 năm làm việc với đủ phong cách Âu, Á.
Tiết lộ món ăn đắt nhất từng chụp nhé!
Món đắt nhất mình từng chụp là một đĩa đồ ăn 2 sao Michelin đặt bên cạnh chai rượu vang với giá hơn 100 triệu đồng.
Một số sản phẩm của Thùy Dương:
Món ba chỉ om kim chi
Cơm gạo lứt và gà xiên que
Concept Trung thu
Concept ngày Tết
Cảm ơn Thùy Dương, chúc bạn có nhiều sức khỏe để theo đuổi công việc thú vị này!
Ảnh: NVCC.