Nghệ sĩ Trần Hạnh: ‘Đặc cách xét tặng NSND là thế nào?’

Đỗ Quyên |

Trong suốt cuộc trò chuyện với chúng tôi, nghệ sĩ Trần Hạnh hai lần hỏi nhỏ: “Đặc cách xét tặng danh hiệu NSND là thế nào hả con?” rồi ông im lặng.

“Đi diễn để… kiếm miếng ăn”

Hẹn nghệ sĩ Trần Hạnh vào cuối buổi chiều sang tối bởi ông vừa bận lịch quay ở Sơn Tây về.

Vẫn là hình ảnh “lão tướng” Trần Hạnh quen thuộc, ông vận chiếc áo sơ mi màu bò kiểu cũ, chiếc áo khoác xanh màu bộ đội và thêm chiếc khăn quàng cổ.

Đưa chén trà mời ông, ông vội xua tay: “Con uống đi, ông bỏ trà rồi”. Ông cũng “khoe” luôn đã bỏ thuốc lá.

Tôi không khỏi ngạc nhiên. “Vì sao ông lại bỏ hai thứ gắn bó với ông chẳng kém gì nghệ thuật?”. Hóa ra, đợt Tết vừa rồi, nghệ sĩ Trần Hạnh nhập viện từ đêm mùng 1 tới hết cái Tết mới "chịu" về nhà. Ra viện, ông bị cấm tiệt cả việc chạy xe máy.

Ấy thế mà vừa khỏe lại, có người mời đi diễn, ông chẳng thể từ chối. Nghệ sĩ Trần Hạnh kể: “Khoảng 1 vài tuần lại có người mời tôi đóng phim. Có khi tôi tự đi cũng có khi người trong đoàn làm phim tới đón.

Tôi chỉ đóng 1-2 phân đoạn trong một số bộ phim dài tập. Giờ cũng không có những nhân vật phù hợp với độ tuổi của tôi bây giờ nữa”.

- Chắc ông đóng phim chỉ vì đam mê và nhớ nghề thôi nhỉ?

- Không, cũng là kiếm miếng ăn nữa. Cũng phải kiếm tiền chứ, lương hưu có được bao nhiêu đâu.

Thế nhưng khi nhắc lại câu chuyện nghệ sĩ Chí Trung từng kêu gọi quyên góp cho mình, nghệ sĩ Trần Hạnh vội vàng xua tay khi nhắc đến câu chuyện quyên góp tiền và nói: “Cuộc sống của tôi vẫn bình thường.

Bây giờ ăn uống có đáng bao nhiêu, mặc quần áo có đáng bao nhiêu. Tôi không có nhu cầu gì. Hàng ngày tôi vẫn ra cửa hàng của con dâu ở phố Trần Quý Cáp, ngồi đây cho thoáng vì ở trong nhà bí lắm”- nghệ sĩ Trần Hạnh tâm sự.

Đặc cách xét tặng danh hiệu NSND là thế nào?

Chuyển sang câu chuyện nghệ sĩ Trần Hạnh mới được Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội đặc cách đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.

Ông thoáng bối rối: “Bây giờ tôi không biết nói gì bởi việc xét tặng danh hiệu NSND mới ở cấp Sở trình lên cấp trên. Nếu không được, tôi nói người ta cười cho. Tôi bao nhiêu lần trượt rồi đấy chứ”.

Trong những câu chuyện kể của nghệ sĩ Trần Hạnh, ông chỉ có thể lục lại trí nhớ một vài mốc thời gian như năm ông được xét tặng nghệ sĩ ưu tú là 1984 và năm ông về hưu là 1989.

“Mới đây, người ta (Nhà hát Kịch Hà Nội-pv) gọi tôi lên khai hồ sơ để đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân nhưng làm sao tôi nhớ nữa.

Tôi có nói với anh làm hành chính là các anh còn trẻ thì lục lại hồ sơ, tài liệu cũ xem chứ tôi chịu rồi. Tại sao 29 năm sau khi tôi về hưu thì mới xét tặng danh hiệu?”- nghệ sĩ Trần Hạnh từ tốn nói.

- Bây giờ, Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội đặc cách đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân cho ông, cảm xúc của ông thế nào?

- Đặc cách là thế nào? Tôi vừa hỏi con dâu tôi, đặc cách xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân là thế nào? Không đủ tiêu chuẩn mà người ta vẫn cho ấy à? Tôi cũng không hiểu!

Một vài người bên ngoài nói thêm vào, đặc cách là được ưu tiên hơn, có thể họ thấy ông già yếu rồi nên cho vào trường hợp đặc biệt để xét danh hiệu.

“Danh hiệu có hay không có cũng chỉ là một phần thôi. Tôi chỉ nghĩ sao diễn thật tốt vai mà mình được giao và nhận.

Còn lấy danh hiệu làm mục đích cho việc làm thì tôi không nghĩ thế đâu. Nghệ sĩ có tự trọng riêng, chẳng ai năm lần bảy lượt làm hồ sơ hay đi xin danh hiệu.

Nếu ai đủ tiêu chuẩn, tôi nghĩ nên để cho các nhà hát, đơn vị sân khấu đề xuất lên. Với tôi bây giờ, có danh hiệu cũng vui mà không có cũng chẳng sao đâu”- nghệ sĩ Trần Hạnh chia sẻ.

Cuối cùng, hỏi ông có mong ước gì không, ông chỉ cười và nói: “Tôi chỉ mong có sức khỏe thôi!”.

Chia sẻ thêm với pv, chị Hồng- con dâu nghệ sĩ Trần Hạnh cho biết, chính chị là người làm hồ sơ xin đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân cho bố chồng từ gợi ý và đề xuất của NSND Trung Hiếu- Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội.

Chị Hồng chia sẻ, từ sau đợt ốm dịp Tết, ông (nghệ sĩ Trần Hạnh-pv) gầy và yếu đi nhiều. "Có thể thời gian tới không dám cho ông đi diễn nữa.

Hiện tại mỗi ngày ông cứ hai bận ra cửa hàng. Sáng sớm ông ra từ 6h30 đến trưa rồi các cháu ra đón về, chiều tầm 4-5h ông ra lại đến 7-8h tối về"- chị Hồng nói.

Theo ông Phùng Huy Cẩn, Vụ trưởng Vụ Thi đua Khen thưởng, Bộ VHTTDL thì trong Nghị định không có quy định nào về đặc cách.

Theo đó, nghệ sỹ được xét danh hiệu NSND khi hội đủ bốn yếu tố: Trung thành với Tổ quốc, chấp hành tốt chủ trương đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước và các quy chế của cơ quan, tổ chức và địa phương; Có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu trong cuộc sống, tận tuỵ với nghề, có tài năng nghệ thuật xuất sắc, có uy tín nghề nghiệp, được đồng nghiệp và nhân dân mến mộ; Có thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp từ 20 năm trở lên; Đã được tặng danh hiệu Nghệ sỹ ưu tú và có ít nhất hai giải vàng quốc gia sau khi được tặng danh hiệu NSƯT.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại