Thái Quốc là một nghệ sĩ rất lạ. Anh không cao to nhưng ngoại hình trắng trẻo, thư sinh nên phong cách rất sang. Tốt nghiệp trường nghệ thuật năm 20 tuổi, anh lập tức gây ấn tượng mạnh với vai diễn hai trong một, nhân vật ông già và đứa trẻ bệnh down trong vở "Đứa con tiền kiếp".
Thời điểm ấy, vai diễn này của Thái Quốc được báo chí khen ngợi rất nhiều. Thậm chí nghệ sĩ Thành Lộc cũng rất ấn tượng với lối diễn xuất của cậu diễn viên trẻ măng còn vô danh.
Về sau, anh tiếp tục có thêm nhiều vai diễn tạo ấn tượng mạnh với công chúng, thế nhưng tên tuổi của anh vẫn không thể bật lên thành ngôi sao hàng đầu như nhiều nghệ sĩ cùng thời.
Nổi tiếng sớm
Thái Quốc sinh năm 1972, trong gia đình làm nghề kim hoàn truyền thống. Ngày nhỏ, ngoài giờ học, anh được cha truyền nghề thợ bạc mà cụ thể là điêu khắc hoa văn, họa tiết trên vàng, bạc.
Có lẽ thừa hưởng gien khéo tay từ cha, cộng với trí tưởng tượng phong phú nên Thái Quốc tạo nên nhiều tác phẩm đẹp và đó đều là những tác phẩm duy nhất, không trùng lắp với bất cứ tiệm kim hoàn nào.
Mới 14 tuổi, anh đã làm ra tiền bằng sự khéo tay đó của mình. Sau đó, anh còn phép đào tạo những người thợ mới vào nghề. Làm nghệ nhân kim hoàn cũng là công việc gắn với mỹ thuật, lại có tiền nhưng Thái Quốc muốn dấn thân vào môi trường nghệ thuật thực thụ hơn.
Thái Quốc hồi nhỏ (hàng đầu ngoài cùng bên trái) cùng các chị trong nhà.
16 tuổi, anh thi vào Trường cao đẳng sân khấu & điện ảnh TPHCM. Anh là sinh viên trẻ nhất lớp. Bạn học cùng anh có nghệ sĩ Trung Dân sinh năm 1967. Dẫu nhỏ tuổi nhưng Thái Quốc ham học hỏi nên được xem là một trong những nhân tố tích cực của lớp.
Khi Thái Quốc 20 tuổi, Trường cao đẳng sân khấu & điện ảnh TPHCM dựng vở "Đứa con tiền kiếp" (đạo diễn Nguyễn Văn Phúc). Đây là vở diễn có bán vé. Trong vở diễn này, có chi tiết ông già bị giết oan, nhập hồn vào đứa trẻ mới chào đời để thực hiện việc trả thù kẻ hãm hại mình.
Lúc đầu, đạo diễn Nguyễn Văn Phúc dự định sẽ có một diễn viên vào vai ông già, và một diễn viên khác vào vai đứa trẻ. Thái Quốc lúc đầu được chọn vào vai đứa trẻ bệnh down, còn người khác nhận vai ông già.
Bên cạnh đó, đạo diễn muốn thử nghiệm một nghệ sĩ hóa thân cùng lúc hai vai nên trong quá trình tập ông cho Thái Quốc thủ hai vai. Nếu như anh hóa thân hai vai không thuyết phục, ông sẽ trở về dự tính hai diễn viên thủ hai vai. Thế nhưng Thái Quốc đã vận dụng hết khả năng của mình một cách xuất thần.
Việc một diễn viên 20 tuổi vừa hóa thân rất tự nhiên vào vai ông già 70, ngay sau đó trở nên ngô nghê, ngờ nghệch trong hình ảnh đứa trẻ bệnh down đã khiến báo chí hao tốn giấy mực. Nghệ danh Thái Quốc xuất hiện trên rất nhiều mặt báo với những lời khen tặng về tài hóa thân, diễn xuất.
Dấu ấn phản diện
Giờ đây, sau hơn 20 năm trôi qua, ngồi ngẫm lại chuyện đời, Thái Quốc tin vào hai chữ số phận và định mệnh. Sau vai diễn để đời ấy, anh được mời vào chương trình kịch truyền hình. Anh tiếp tục gây ấn tượng với vai thằng Út trong vở "Đêm khuya về với mẹ". Đây chỉ là một vai rất nhỏ nhưng cách diễn của Thái Quốc khiến khán giả khóc nức nở.
Tài năng tỏa sáng sớm, nhưng không hiểu sao trong thời gian sau đó, Thái Quốc ít có cơ hội xuất hiện trong các vở kịch lớn trên sân khấu. Lý giải nguyên nhân, Thái Quốc đoán chừng: "Có lẽ tôi là người không giỏi ngoại giao, chưa quyết tâm đoạt lấy cơ hội một cách quyết liệt. Tôi làm nghề quá tài tử nên không tranh thủ được thời cơ".
Thái Quốc vai Đinh Thắng vở "Bí mật vườn Lệ Chi".
Với cố nghệ sĩ Kim Ngọc vở "Mưu ông mẹo bà".
Anh quyết định quay lại trường, học khoa đạo diễn. Bên cạnh đó, anh bươn chải mưu sinh với các nghề tay trái khác để giữ lửa đam mê nghệ thuật.
Khi đạo diễn Hoa Hạ thành lập sân khấu Tao Đàn, Thái Quốc dù là một người đã tạo dấu ấn đặc biệt bên lĩnh vực kịch nhưng anh được tín nhiệm vai trò quản lý sân khấu, và chỉ được giao một số vai phụ trong khi hai gương mặt nam và nữ chính lúc đó là Chi Bảo và Hồng Ánh mới nổi bên điện ảnh, chưa có kinh nghiệm sân khấu.
Thế nhưng cơ hội tỏa sáng đến với Thái Quốc ngoài dự kiến. Đạo diễn Hoa Hạ quyết định dựng lại vở "Nhân danh công lý" của tác giả Lưu Quang Vũ. Đây là thời điểm sau rất nhiều năm so với bản dựng "Nhân danh công lý" của sân khấu Miền Bắc, và đoàn kịch Kim Cương của miền Nam.
Vai nam chính, nhân vật bác sĩ Huy giao cho Chi Bảo. Nhân vật nữ chính - Quỳnh do Hồng Ánh đảm nhiệm. Còn nhân vật phản diện Hoàng Tú do một nghệ sĩ rất nổi tiếng thời đó nhận. Trong vở kịch này, Thái Quốc đóng một vai rất nhỏ.
Còn khoảng 5 ngày nữa vở sẽ phúc khảo, nghệ sĩ được giao vai Hoàng Tú trả vai khiến đạo diễn bối rối. Đạo diễn Hoa Hạ triệu tập tất cả diễn viên lại tìm cách cứu vãn tình hình. Nghệ sĩ Minh Hoàng đề nghị giao vai Hoàng Tú cho Thái Quốc. Lúc ấy đạo diễn giật mình nhớ ra và hỏi anh có muốn nhận vai không.
Thái Quốc đồng ý với điều kiện cho anh được nghỉ 1 ngày để nghiên cứu lại cách diễn của các nghệ sĩ tiền bối về vai diễn này. Sau đó, Thái Quốc đã tạo ra lối diễn của riêng mình: một nhân vật Hoàng Tú vừa lưu manh, vừa giả tạo vừa ác độc. Vai diễn này được khán giả nhớ rất nhiều.
Thái Quốc hiện tại ngoài đời.
Gia đình khánh kiệt, cha bị ung thư, mẹ bị mất trí nhớ
Tỏa sáng lần thứ hai chính là cơ hội tốt để Thái Quốc thăng hoa trong sự nghiêp nhưng không may, thời điểm đó, gia đình anh phá sản. Vì chuyện này, cha anh bị ung thư còn mẹ anh bị mất trí nhớ.
Dù là con út, nhưng chưa lập gia đình nên Thái Quốc nhận trách nhiệm chăm sóc đấng sinh thành. Việc trang trải nợ nần khiến cha mẹ anh phải bán nhà, anh và cha mẹ phải ở nhà thuê.
Vì muốn cha mẹ có chổ ở tiện nghi tốt hơn về sức khỏe và tinh thần nên anh luôn chọn thuê những ngôi nhà đẹp và rộng thoáng. Dĩ nhiên là tiền thuê khá cao. Trong khi đó, việc chăm sóc cha mẹ bệnh khiến anh không thể dấn thân hết mình cho nghệ thuật.
Thái Quốc tâm sự: "Lúc đó, tôi nghĩ sẽ không có ai lo cho cha mẹ lúc bệnh tật tốt hơn con ruột nên tôi không nghĩ đến chuyện thuê người.
Tôi chu toàn từ việc tắm rữa, vệ sinh, giặt giũ, nấu nướng.
Mỗi khi diễn trên sân khấu, tôi thường bị phân tâm, nhớ về cha mẹ ở nhà thế là không thể tập trung.
Đạo diễn mời đóng phim ở gần, ít phân đoạn tôi còn tranh thủ được, nhưng nếu bối cảnh quá xa tôi đành từ chối".
Không đi diễn tức là không có thu nhập nên Thái Quốc xoay sở bằng cách mở quán ăn tại nhà. Song song đó, nhờ khéo tay nên anh may túi da thủ công và thiết kế áo dài. Thi thoảng, anh đi hát cho phòng trà vào mỗi tối rảnh rỗi.
Các công việc tưởng chừng như không chính thức đó vậy mà cũng cho Thái Quốc được nguồn thu nhập để chăm lo gia đình. Nhưng nhiều lúc, anh thấy hụt hơi vì chi phí thuốc thang cho cha mẹ càng nhiều.
Sau một thời gian dài chịu đựng bệnh tật, cha của Thái Quốc đã ra đi. Thế là anh chỉ còn chăm cho mỗi người mẹ đã không còn trí nhớ.
Kể từ đó, anh có thời gian rảnh nhiều hơn. Anh quay lại với sàn diễn tại sân khấu Hoàng Thái Thanh. Sự xuất hiện trở lại này tạo nên hai chiều cảm xúc. Khán giả trung niên từng biết anh chào đón anh trong sự mừng vui, nhưng khán giả trẻ lại tưởng Thái Quốc là diễn viên mới.
Ở tuổi 47, không vợ con, không thành danh, không tài sản nhưng Thái Quốc thấy đời bình an!
Dẫu trở lại nghệ thuật trong thầm lặng, vuột mất cơ hội thành sao nhưng Thái Quốc thấy lòng bình an. Anh cảm thấy an ủi vì đã chăm lo được cho cha mẹ trọn chữ hiếu và chính điều đó đã giúp anh vượt qua khát khao nổi tiếng.
Đến giờ, sau hơn 10 năm bôn ba kiếp thuê nhà, Thái Quốc và mẹ trú ngụ trong ngôi nhà mới mua của người anh ruột. Người anh trai lớn này của Thái Quốc cũng đã từng vất vả suốt thời gian dài, giờ làm ăn thuận buồm xuôi gió nên cuộc sống dễ thở hơn.
Cuối cùng gánh nặng của chữ hiếu được nới lỏng. Anh đã có thời gian để tham gia hoạt động nghệ thuật nhiều hơn. Dẫu vậy, để cân bằng thu nhập Thái Quốc vẫn kiêm nhiệm việc thế kế áo dài, trang trí tranh mỹ thuật. Khách hàng của anh đa số là nghệ sĩ nhưng cũng có rất nhiều người ngoài lĩnh vực nghệ thuật.
Ở tuổi 47, không vợ con, không thành danh, không tài sản nhưng Thái Quốc thấy đời bình an!