Lộng ngôn
Trong bối cảnh thị trường giải trí ngày càng cạnh tranh gay gắt, để có được chỗ đứng, nhiều nghệ sĩ phải cố gắng xây dựng thương hiệu, để “ghim” tên tuổi vào tâm trí khán giả. Để nổi tiếng bằng khả năng thực thụ, người lao động nghệ thuật sẽ mất rất nhiều thời gian, vì thế không ít người chọn “đường tắt” - phát ngôn gây sốc, tự phong danh hiệu… để đánh bóng tên tuổi.
Một bộ phận người nổi tiếng trong showbiz thường xuyên phát ngôn gây sốc
Trang Trần ít được biết đến với vai trò người mẫu, người đóng góp tích cực cho ngành thời trang mà lại được biết đến nhiều hơn với những phát ngôn phản cảm, gây phẫn nộ. Năm 2021, cô bị phạt về hành vi phát ngôn không chuẩn mực, không phù hợp thuần phong mỹ tục của dân tộc. Trên các nền tảng mạng xã hội, nữ nghệ sĩ càng không để ý, sẵn sàng văng tục, sỉ nhục người khác. Trước đó, vào năm 2017, Trang Trần gây xôn xao mạng xã hội khi có những lời lẽ thô tục, thóa mạ nghệ sĩ Xuân Hương, thậm chí còn dọa đánh tiền bối trong nghề vì có bình luận không hay dành cho cô.
Năm 2021, cộng đồng mạng ức chế với những phát ngôn trên mạng xã hội của NSƯT Đức Hải. Vụ việc này cũng khiến anh mất chức Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn. Trên trang cá nhân, nam nghệ sĩ có bài viết công kích người khác với một số từ ngữ thô tục. NSƯT Đức Hải vốn là một danh hài, nhiều đóng góp cho nghệ thuật, được khán giả từ người lớn tuổi đến các em thiếu nhi yêu mến nhờ những vai diễn rất có duyên trên sân khấu. Ngay sau khi bài viết bị lan truyền chóng mặt, NSƯT Đức Hải giải thích Facebook do con nuôi nghịch dại nên đăng tải những thông tin không hay. Tuy nhiên, những lời thanh minh của anh không thể “xoa dịu” dư luận, phải khóa Facebook.
Công chúng luôn được coi là mang đến thành công của một nghệ sĩ cũng không tránh khỏi việc bị sỉ nhục, lăng mạ. Với những góp ý thẳng thắn cho một nữ nghệ sĩ, vị khán giả này đã bị chửi “bại não”, “thần kinh”… MC Trác Thúy Miêu - từng ngồi ghế giám khảo một số gameshow - nhiều lần bị phản ứng vì những phát ngôn gây chia rẽ, kích động hoặc phát ngôn gây sốc. Năm 2021, cô này nhận trát phạt hành chính vì phát ngôn trên mạng xã hội khích bác nhóm sinh viên tình nguyện Hải Dương vào hỗ trợ TP.HCM chống dịch COVID-19. Chưa kể nữ MC hơn một lần lên giọng dạy dỗ như “đàn bà xấu từ hồn tới xác thì vừa có lỗi với cộng đồng, xã hội, mà tội nhất chính là chồng”, hay “đàn bà mà không chịu làm việc nhà thì làm gì?”.
PGS.TS. Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa các khoa học giáo dục (trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội) nhận định, nghệ sĩ háo danh là những người nghiện việc “đứng dưới ánh đèn sân khấu”, khát khao nhu cầu được chú ý, được tôn trọng, được thể hiện. “Nhiều người không tự tin vào tài năng của mình nên họ làm lố, thể hiện bản thân trên mạng như một thông điệp ngầm rằng “mọi người ơi, tôi tài năng, tôi thú vị lắm, vậy mà tôi chưa được sự chú ý xứng đáng từ các bạn đâu. Tôi ở đây này… hãy chú ý đến tôi. Nói cách khác, những người liên tục thể hiện bản thân trên mạng một cách lố lăng chính là đang van xin cộng đồng chú ý đến họ, chấp nhận họ”, TS. Trần Thành Nam phân tích.
Ảo tưởng quyền lực
Một số nghệ sĩ nổi tiếng có biểu hiện ảo tưởng quyền lực
Lời lẽ thô tục, không văn minh, những cuộc đấu tố, cãi lộn của nghệ sĩ chính là những biểu hiện của nghệ sĩ khi cố gắng đánh bóng tên tuổi. Việc tự xưng, tự phong danh hiệu cũng mang ý nghĩa tương tự.
Danh xưng “ông hoàng”, “bà chúa” nổi lên trong showbiz suốt nhiều năm. Qua từng năm số lượng danh xưng này ngày thêm nhiều. Những danh xưng như “ông hoàng nhạc Việt” Đàm Vĩnh Hưng, “nữ hoàng giải trí” Hồ Ngọc Hà, “công chúa V-Pop” Bảo Thy, “vua nhạc sến” Ngọc Sơn… đã gắn liền với tên tuổi nghệ sĩ.
Vụ việc Đàm Vĩnh Hưng tự xưng mình là “vua”, ra mắt phim tài liệu - Hào quang rực rỡ - The King về cuộc đời mình là minh chứng rõ nhất cho thấy bệnh háo danh, “ngáo” quyền lực tung hoành khắp cõi mạng. Dù nam ca sĩ lên tiếng giải thích “chưa bao giờ dám vỗ ngực xưng tên với những danh xưng ông hoàng nhạc Việt hay vua, chúa”, gỡ bỏ cụm từ “The King” nhưng chừng đó không đủ để “xoa dịu” công chúng. Đàm Vĩnh Hưng cũng không hề kiêng nể khi đối đáp với công chúng trên mạng xã hội, từng có lần nói “Đàm Vĩnh Hưng là vùng đất cấm”.
Cũng trong buổi ra mắt phim của Đàm Vĩnh Hưng, Trấn Thành khóc nghẹn, chia sẻ về nỗi khổ cực sau vầng “hào quang rực rỡ”. “Đời nghệ sĩ khó nuốt hơn quý vị nghĩ nhiều. Có nhiều thăng trầm. Nếu ai thích tiền, hào quang mời lên đây để nếm bốn chữ hào quang rực rỡ và biết nó là gì”, nam diễn viên khóc lóc. Những chia sẻ của Trấn Thành nhận về nhiều chỉ trích về sự “ảo tưởng sức mạnh”. Nhiều lần khóc lóc để đến mức có thêm biệt danh “Thành cry”, sau sự việc chen hàng tại rạp chiếu phim với khán giả, nam nghệ sĩ cũng tự nhận là “Mr. Riêng tư”.
“Như tôi từng nói mình là Thành cry, Mr Riêng tư, tôi là mọi thứ các bạn chửi rủa và tôi thoải mái với nó. Các bạn có quyền nói nhưng nhận hay không là quyền của tôi. Những người như Trấn Thành với anh Đàm Vĩnh Hưng, khi nhìn vào các bạn có thể cho rằng chúng tôi là những người ngông cuồng, có những phát ngôn gây tranh cãi, có một cuộc sống không bình thường...”, phát ngôn của Trấn Thành càng đổ thêm dầu vào lửa.
PGS. TS. Trần Thành Nam cho rằng, háo danh là một trong những căn tính chưa đẹp của người Việt. Điều này đã được thể hiện trong vở kịch Bệnh sĩ của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ từ 35 năm trước và hiện tại vẫn mang tính thời sự.
“Háo danh bắt nguồn từ quan niệm phải có danh phận, là văn hóa trọng tước, được ngồi chiếu trên. Thực tế, lập thân lập nghiệp là nhu cầu chính đáng, ai cũng muốn trở thành người có giá trị đóng góp và để lại dấu ấn trong cộng đồng. Nhưng nếu trọng danh tiếng quá mức so với tài năng, cố gắng gồng lên, cố gắng đi kiễng chân tạo danh chỉ với mục tiêu biến nó thành hàng hóa rồi bán đi. Mài danh của mình ra để thỏa mãn nhu cầu bậc thấp sẽ phản giá trị, gây hại cho cộng đồng”, TS. Trần Thành Nam nêu.
Nhà thơ Mai Nam Thắng nhận định, bệnh háo danh đã “di căn và biến chứng” hết sức nghiêm trọng. “Háo danh là một căn tính nhân sinh, theo hướng tích cực là khát vọng có thể thúc đẩy con người phấn đấu để không ngừng tiến bộ. Tuy nhiên xưa nay, đa phần những người háo danh thái quá thường kỳ đức không xứng với y phục, tài năng không xứng với danh xưng”, nhà thơ Mai Nam Thắng chia sẻ với Tiền Phong.
Các chuyên gia cho rằng, cũng vì háo danh mà nảy sinh các loại danh hão. Trong giới giải trí là những “ông hoàng”, “nữ hoàng”, “siêu sao”, “siêu mẫu”, “nhà” này “nhà” nọ… Khi háo danh trở thành một căn bệnh xã hội, nó đánh tráo các giá trị chân chính, khiến công chúng - nhất là giới trẻ -ngộ nhận, dẫn đến những hành vi sai lệch.
Danh xưng giải trí không có cơ sở pháp lý
Ca sĩ Ngọc Sơn từng nhận nhiều chỉ trích khi được một hội kém uy tín tặng danh hiệu Giáo sư âm nhạc. Thực tế, danh xưng này hoàn toàn không có trong hệ thống danh hiệu của Việt Nam. Nhà nước có hội đồng học hàm do Bộ Giáo dục & Đào tạo là cơ quan thường trực. Hằng năm, hội đồng sẽ họp, xem xét phong giáo sư, không có bất cứ tổ chức, cá nhân nào được thay thế hội đồng làm việc này.
NSND Lê Tiến Thọ, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam nhấn mạnh, những danh xưng trong giới giải trí không có cơ sở về mặt nguyên tắc, pháp lý. “Việc tự phong, tự đặt danh hiệu diễn ra ở rất nhiều nơi. Nhiều người cố gắng đánh bóng thương hiệu để kéo doanh thu”, NSND Lê Tiến Thọ chia sẻ với Tiền Phong.
Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam GS.TS Từ Thị Loan nêu quan điểm, nghệ sĩ là người nổi tiếng, có tầm ảnh hưởng. Nghệ sĩ cần cẩn trọng khi ứng xử bởi mỗi phát ngôn, hình ảnh của họ tác động tới khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ.
(Còn nữa)