Nghệ sĩ hài Phú Quý: "Nghệ sĩ khổ lắm, nhiều người cuối đời chẳng có gì"

Long Phạm |

"Tôi biết nhiều người đến cuối đời chẳng có gì. Nguyên do cũng vì nghệ sĩ thường không chuẩn bị cho ngày sau, cho hậu vận của họ", nghệ sĩ Phú Quý thẳng thắn chia sẻ.

Trong làng cải lương miền Nam, không ai là không biết đến Phú Quý – một trong những nghệ sĩ gạo cội với nhiều thành tựu rực rỡ. Từ cải lương chuyển sang đóng hài, nghệ sĩ Phú Quý vẫn luôn chiếm được cảm tình lớn từ khán giả.

Con đường của anh suốt hơn 40 năm qua khá êm ả và được sống trong tình yêu của đồng nghiệp, công chúng. Nhưng ít ai biết rằng, đằng sau thành công đó là cả một tuổi thơ cực nhọc cũng như nhiều nỗi tâm sự đang được giấu kín.

Tại tập 16 Sau ánh hào quang vừa lên sóng (15/1), nghệ sĩ Phú Quý đã chia sẻ về chuyện đời và nghề của mình.

Nghệ sĩ hài Phú Quý: Nghệ sĩ khổ lắm, nhiều người cuối đời chẳng có gì - Ảnh 1.

Nghệ sĩ Phú Quý và Trấn Thành

Tuổi thơ nghèo khó, từng bỏ nhà theo đoàn hát

Nghệ sĩ thì hay giấu tuổi, nhưng tôi khai thật hết. Tính tới tháng 8 năm 2018 này, tôi tròn 70 tuổi.

Tôi lớn lên và sinh hoạt ở nhà nông, bố mẹ lại nghèo nên ăn uống không đủ dinh dưỡng. Về thành phố, tôi phải lao động vất vả tại bến xe miền Tây, nắng mưa cực khổ lắm.

Vì vậy, khi trở thành nghệ sĩ chuyên nghiệp, tôi càng nhận ra giá trị của sắc vóc và sức khỏe, nên tự nhủ sẽ không bao giờ uống rượu, ăn nhậu, cà phê, thuốc lá.

Tôi từng nhậu nhiều lắm. Tới khi kiểm tra sức khỏe, bác sĩ khuyên tôi nên bỏ. Ban đầu, tôi chưa dừng nhậu đâu. Nhưng rồi, tôi nghĩ tới người thân, gia đình và khán giả đã yêu thương mình nên bỏ hết để tiếp tục cống hiến.

Nghệ sĩ hài Phú Quý: Nghệ sĩ khổ lắm, nhiều người cuối đời chẳng có gì - Ảnh 2.

Ngày xưa, mẹ tôi bán vải và hoa quả ở chợ, con bố làm nghề chài lưới. Khi có đoàn diễn về, mẹ ở lại bán thêm nồi cháo. Tôi phải phụ mẹ mang cháo lên cho các nghệ sĩ.

Khi ấy bước vào hậu trường, tôi mê mẩn quá mới nói với mẹ: "Mẹ ơi, sao con mê đi hát quá". Mẹ tôi nghe vậy khá bất ngờ và không cho. Tôi thấy thế, liền bỏ học giữa chừng để đi theo đoàn hát. Trong đoàn hát, tôi được đặt là "thần đồng Phú Quý" vì hát được giọng con gái.

Nhưng rồi nhớ nhà quá, tôi lại bỏ về. Về nhà, tôi bị anh trai đánh đòn rồi khuyên đi học tiếp để thoát nghèo, không học văn hóa thì cũng phải học nghề. Thế nên, tôi đành đi học nghề thợ bạc. Có lần, tôi trúng vé số và có tiền mua đất, xây nhà cho bố mẹ để trả hiếu.

Sau đó, tôi lên Sài Gòn lập nghiệp tới tận bây giờ.

Nghệ sĩ hài Phú Quý: Nghệ sĩ khổ lắm, nhiều người cuối đời chẳng có gì - Ảnh 3.

Từ nhân viên bến xe trở thành nghệ sĩ cải lương

Hồi tôi làm nhân viên kiểm soát ở bến xe miền Tây, có ông giám đốc yêu nghệ thuật nên thường chiêu mộ anh tài. Rất nhiều nhân viên tài năng của ngành đã đến, trong đó có cả Khắc Triệu (chồng Cẩm Vân).

Nhưng số người tuyển mộ được lại toàn bên âm nhạc, nên ông giám đốc ấy mới thôi thúc mọi người tìm một diễn viên cải lương. Khi tôi đánh liều ra ca thử, ông ấy bất ngờ nói: "Trời ơi, thằng Quý ca hay quá! Nhận nó đi!".

Nghệ sĩ hài Phú Quý: Nghệ sĩ khổ lắm, nhiều người cuối đời chẳng có gì - Ảnh 4.

Phú Quý hồi trẻ

Từ đó, tôi đi diễn và được lên tivi trắng đen để nhận hẳn ba huy chương vàng của ngành giao thông vận tải. Cảm thấy vinh dự lắm.

Sau đó, tôi còn được 3 huy chương vàng của Bộ Văn hóa tại Liên hoan Sân khấu Quần chúng Toàn quốc ở tận Hà Nội.

Hồi ấy, nhiều nghệ sĩ cải lương nổi tiếng thường bắt xe về miền Tây biểu diễn. Giao thông đi lại khó khăn nên các nghệ sĩ hay bị trễ show. Tôi thấy vậy mới đưa vé sớm để họ đi kịp giờ. Vì thế, mọi người trong nghề rất yêu quý tôi và còn nói: "Tổ nghiệp đãi thằng Quý cho nó nổi tiếng".

Nghệ sĩ khổ vì không chuẩn bị cho hậu vận của họ

Năm 1980, NSND Kim Cương thấy tôi trên truyền hình nên cho người tìm đến tận bến xe Miền Tây để mời tôi đóng một vở cải lương. Vì quá vui mừng nên tôi ngay lập tức đạp xe lóc cóc tới nhà chị.

Tới nơi, chị đưa cho tôi một quyển kịch bản dày cộp, kêu về nhà đọc đi. Tôi cầm trên tay run run và không dám nhận. Ngay lúc đó, chị nói luôn: "Đây là cơ hội lớn của em, nếu em không nhận chị vẫn tìm được người khác".

Nghệ sĩ hài Phú Quý: Nghệ sĩ khổ lắm, nhiều người cuối đời chẳng có gì - Ảnh 5.

Tôi sợ quá mới nói "Thôi em gửi lại chị" rồi bỏ đi. Đạp xe tới ngã 7, tôi nghĩ lại và quay lại đập cửa nhà chị để xin được diễn.

Lần đầu được diễn chung với ngôi sao lớn, tôi toát mồ hôi tới mức ướt nhẹp áo vest. Lúc đó, nghệ sĩ Thúy Hoa – người đầu tiên hóa trang còn nói với tôi: "Này Quý, cô trang điểm cho con thì sau này con sẽ nổi tiếng. Con hãy nhớ câu này!".

Sau khi diễn xong, cả NSND Kim Cương và tất cả mọi người đều ôm tôi và nói: "Quý ơi, em thành công rồi". Kể từ đó, tôi rẽ sang hẳn sân khấu. Cho tới giờ, tôi đã đi qua 5 thế hệ nghệ sĩ, từ các cô chú ngày xưa tới Hồng Tơ ngày nay.

Sau này, tôi có gặp lại cô Thúy Hoa bán bánh ít ngoài chợ, thương lắm. Nhìn thấy cô, tôi mới nghĩ, nghệ sĩ khổ lắm.

Tôi biết nhiều người đến cuối đời chẳng có gì. Nguyên do cũng vì nghệ sĩ thường không chuẩn bị cho ngày sau, cho hậu vận của họ. Khi hào quang đến với họ, họ không biết sẽ có lúc nó tàn. Già rồi thì đâu làm gì được nữa mà có tiền.

Cải lương tắt bóng nên chuyển sang hài

Sau 8 năm hát cải lương tại nhà hát Trần Hữu Trang, tôi mới bắt đầu thấy xuất hiện các vai diễn hài. Cơ bản vì giai đoạn đó, cải lương cũng ít người xem như trước, nên các nghệ sĩ có khả năng hài như tôi túa ra làm hài.

Thời gian đó, chúng tôi ra sân khấu ca nhạc 10, 15 phút diễn hài để kiếm tiền nuôi thân, chờ đợi sân khấu cải lương sáng đèn trở lại. Cực vô cùng, phải chạy một đêm 5, 6 show, nhưng vui lắm.

Một thời gian khá dài, sân khấu ít hoạt động, tuổi của tôi cũng hơi cao nên bớt đi diễn hơn. Tuy nhiên, lúc đó tôi lại hướng về bà con khó khăn. Tôi đi xin một đồng người này, hai đồng người kia… để quyên góp lại, ủng hộ mọi người.

Năm đó, miền Tây gặp lũ lớn, tôi liền ra ngoài chợ xin các tiểu thương năm chục kí đường, chục kí bột ngọt, vài chục thùng mỳ… rồi chở thẳng về Cao Lãnh, đến tận từng ghe thuyền để phát cho bà con.

Trong chuyến từ thiện, tôi còn gặp một người phụ nữ mang bầu không chen được vào đám đông lấy quà, nên phải bơi theo thuyền để xin thùng mỳ còn sót lại.

Nghệ sĩ hài Phú Quý: Nghệ sĩ khổ lắm, nhiều người cuối đời chẳng có gì - Ảnh 6.

Phú Qúy và vợ

Luôn khóc vì các đồng nghiệp lần lượt ra đi hết

Đạo diễn ưu tú Đoàn Bá là người đóng góp lớn lao tới sự nghiệp của tôi. Đó thực sự là một phù thủy tạo dựng sân khấu. Không có anh, chắc sẽ không có tôi. Nhiều khi, tôi diễn xong mà còn không biết vì sao khán giả lại vỗ tay rầm rộ như thế. Hóa ra, tất cả đều nhờ tài dàn dựng của anh.

Bây giờ, mỗi lần xem lại các vở diễn ngày xưa, tôi đều khóc vì nhớ đạo diễn Đoàn Bá và những nghệ sĩ diễn cùng mình. Biết bao nhiêu người, mà giờ đây đã ra đi gần hết, chỉ còn lại mình tôi.

Cứ mỗi năm lại thấy đồng nghiệp của mình ra đi như vậy, lúc đầu, tôi khóc nhiều lắm. Tôi khóc nhiều nhất cho chị Kim Ngọc – đồng nghiệp hàng chục năm trên sân khấu với tôi.

Nghệ sĩ hài Phú Quý: Nghệ sĩ khổ lắm, nhiều người cuối đời chẳng có gì - Ảnh 7.

Phú Quý (thứ hai từ phải sang) cùng với NSƯT Minh Vương, cố nghệ sĩ Kim Ngọc, NSND Lệ Thủy vào thập niên 1980

Ngay cả học trò của tôi - một diễn viên hài trẻ được khán giả yêu quý là Khánh Nam cũng ra đi sớm. Tôi vẫn nhớ hôm ấy, đang đi diễn thì người ta gọi thông báo "đệ tử của anh đột quỵ rồi".

Tôi lao xe máy vào bệnh viện, nhất quyết không cho người ta đưa nó về vì trán nó còn nóng. Tôi còn bảo đưa nó sang bệnh viện khác để chữa, nhưng bác sĩ lắc đầu.

Kỉ niệm giữa hai thầy trò tôi nhiều lắm. Có những lúc, chúng tôi đi xe về tận Cà Mau diễn, rồi ngồi uống nước mía ở ruộng. Nó là đứa lễ phép, luôn gọi tôi là "sư phụ". Nó mất rồi, tôi buồn ghê gớm.

Nghệ sĩ hài Phú Quý: Nghệ sĩ khổ lắm, nhiều người cuối đời chẳng có gì - Ảnh 8.

Phú Quý trong lễ tang Khánh Nam

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại