Hotgirl Trang Moon trong tiểu phẩm hài “Trở về” của đạo diễn Phạm Đông Hồng. ẢNH: TL
Hài dân gian đang làm lệch lạc áo yếm?
Thời điểm cuối năm, nghệ sĩ Đức Hải tất bật biểu diễn chương trình, ghi hình cho các đài truyền hình... Anh bảo, năm nay không tham gia diễn các tiểu phẩm băng đĩa hài Tết vì quá bận rộn, không còn thời gian để tham gia.
“Tổng cộng, tôi chỉ làm cho 3 chương trình là: Tết Vạn lộc của đạo diễn Nguyễn Công Vượng với Tứ Vân Media và chương trình Tiếu lâm tứ trụ của Đài Truyền hình Vĩnh Long.
Mới đây, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn ra mắt sân khấu ACT, trong vai trò là Phó Hiệu trưởng kiêm Trưởng khoa Nghệ thuật nên tôi phải dành thời gian cho trường nhiều hơn”, nghệ sĩ Đức Hải nói.
Nhận xét về việc các sản phẩm băng đĩa hài Tết gần đây lạm dụng các hotgirl để khoe da thịt một cách phản cảm như: Đại gia chân đất (đạo diễn Trần Bình Trọng), Tỷ phú đè đại gia (đạo diễn Dương Ngọc Bảo), Quan huyện sính chữ (Công ty STV), Trở về (đạo diễn Phạm Đông Hồng)… nghệ sĩ hài Đức Hải cho rằng: “Mỗi đơn vị làm hài Tết đều đi theo những tiêu chí riêng của họ.
Ví dụ như chương trình Cười xuyên Việt mà tôi tham gia, họ hướng đến hài “sạch sẽ” nên kiểm soát rất cẩn trọng về nội dung, lời thoại. Hay như chương trình Gặp nhau cuối năm của VTV, nhiều năm qua được đánh giá là rất chỉn chu, khác biệt với các xu hướng hài hiện nay.
Cười nhưng mang tính phê phán, sâu cay nhưng vẫn rất hấp dẫn. Bên cạnh đó thì vẫn có các sản phẩm làm ra chỉ nhằm mục đích gây sự chú ý hoặc chỉ để vui vẻ thôi, không cần các tiêu chí sâu xa… Họ vẫn có lượng khán giả riêng của mình.
Những sản phẩm hài thiếu sâu sắc về nội dung như vậy sẽ bị thị trường tự đào thải hoặc cũng có thể, đó là “bước đệm” để các đạo diễn nhìn nhận rõ nét hơn về bản thân mà có sự chuyển hướng ở các sản phẩm sau này”.
Tham gia hợp tác với nhiều đơn vị sản xuất băng đĩa, nghệ sĩ Đức Hải nghiệm thấy rằng, để xảy ra tình trạng bị khán giả phàn nàn về độ phản cảm trong các cảnh quay, tạo hình của diễn viên là do hai khả năng: Một là đạo diễn cố tình, hai là do góc nhìn của họ thiếu thẩm mỹ.
Theo anh: “Trong các tiểu phẩm hài dân gian, đạo diễn hay để diễn viên mặc áo yếm nhưng xem có thể thấy, bản thân họ hiểu chưa đúng về áo yếm.
Chiếc áo yếm bản thân nó đã rất đẹp, rất gợi cảm rồi thì cần gì cứ phải phơi bày sự “ngồn ngộn” da thịt ra mới là sexy? Những cảnh như thế càng cần đến góc quay nghệ thuật thì mới khiến khán giả thấy đẹp và rung động, chứ không phải cứ rõ mồn một ra mới đẹp.
Nó có thể khiến khán giả tò mò, chia sẻ rộng rãi trên mạng nhưng ở góc độ nghề nghiệp, đạo diễn sẽ bị người trong nghề đánh giá thấp đi”.
Phản cảm vì các hotgirl
Mới đây, trả lời trên một tờ báo, nghệ sĩ Thu Hương (biệt danh Hương tươi) cũng đã than thở rằng “các hotgirl hở hang đóng hài Tết là phản cảm”.
Theo nữ nghệ sĩ, một trong những lý do khiến chị ít tham gia các tiểu phẩm hài là do kịch bản ngày càng nhạt, chỉ tập trung vào mục đích thương mại thay vì hướng đến chiều sâu của tiếng cười.
“Hài Tết có nhiều phim tôi không thích và không ấn tượng. Thị trường hài Tết cũng bát nháo, người ta dùng mọi chiêu câu khách.
Ngày xưa, tôi có thể nhận nhiều show, chạy suốt ngày không hết, nhưng đó là khi còn trẻ có thể diễn một cách cong cớn, ngúng nguẩy mặc váy ngắn lên sân khấu để khán giả cười.
Còn bây giờ, người xem khắt khe lắm nên nhận vai phải cẩn thận, nếu không muốn mất cả quá trình gây dựng tên tuổi. Nhiều người cứ nghĩ diễn hài thì phải nhăn nhó, méo mó, vẹo vọ khán giả mới thích.
Nhưng thực ra khán giả họ không thích đâu vì nếu chỉ có như vậy thôi không được gọi là hài. Tôi thấy các hot girl hở hang đóng hài Tết phản cảm, câu kéo người xem là chính.
Tôi quan niệm, nghệ sĩ là phải có văn hóa, không nên vì tiền mà phải vì khán giả, đó là đạo đức của người nghệ sĩ”, nghệ sĩ Thu Hương nói.
Đồng quan điểm, nghệ sĩ Đức Hải cho rằng, các nghệ sĩ nên tự là “bộ lọc” cho chính mình để biết lựa chọn kịch bản và từ chối các cảnh quay với mục đích “câu khách”. “Thường các nghệ sĩ tên tuổi, họ cẩn trọng lắm.
Lo ngại là ở mấy cô diễn viên không chuyên thôi. Thấy các cô chịu khó khoe thì khán giả cũng thích nhìn đấy, nhưng nếu chỉ thế mà thành diễn viên thì những người như chúng tôi đây thất nghiệp hết rồi”, nghệ sĩ Đức Hải hóm hỉnh nói.
Trao đổi thêm với đạo diễn Nguyễn Công Vượng, anh từ chối bình luận về các sản phẩm như “Đại gia chân đất”, “Tỷ phú đè đại gia”… với lý do “đều là người trong nghề, nên để khán giả tự nhận xét sẽ khách quan hơn”.
Anh nói thêm: “Tất cả các sản phẩm băng đĩa hài hiện nay tôi đều xem hết, kể cả tốt hay dở. Xem để học hỏi, để rút kinh nghiệm cho chính mình. Làm nghệ thuật ai cũng hướng đến khán giả nhưng cũng phải soi xét phản hồi của khán giả để biết gu của họ ra sao.
Đó là lý do mà khi xây dựng chuỗi chương trình Tết Vạn lộc (đã ở năm thứ 3) tôi chú trọng đến cái hài nhân văn, lấy nước mắt của khán giả nữa chứ không chỉ là để gây cười.
Từ tiểu phẩm “Tết Vạn lộc”, “Mất cái ví” và năm nay là “Mừng thọ”, nội dung kịch bản đều đề cao giá trị gia đình, truyền tải thông điệp về sự gắn kết yêu thương chứ không chỉ lấy “trò nhời” làm tiếng cười.
Nếu chỉ để cười thì rất nhàn cho người viết kịch bản. Nhưng khi làm theo xu hướng này, thường tôi phải mất cả năm để lựa chọn chủ đề và viết”.