Không hơn thua, tranh đấu với người khác, kể cả Thành Lộc
Nghệ sĩ Bạch Long từ lâu đã quen mặt với khán giả Việt qua nhiều vở diễn sân khấu, tiểu phẩm và phim ảnh. Ông còn được biết đến là anh trai của nghệ sĩ ưu tú Thành Lộc.
Tên thật của Bạch Long là Nguyễn Thanh Tùng. Ông sinh năm 1959, trong gia đình giàu truyền thống nghệ thuật, với cha là NSND Thành Tôn, mẹ là NSND Huỳnh Mai và các chị em là Bạch Liên, Bạch Lý, Bạch Lê, Bạch Lựu cùng NSƯT Thành Lộc. Nhờ đó, Bạch Long sớm được kế thừa năng khiếu nghệ thuật từ cha mẹ.
Gia đình nghệ sĩ Bạch Long
Hồi nhỏ, Bạch Long khá ốm yếu, èo uột nên cha mẹ ông phải đem đi "cho" để nhờ nuôi hộ. Ban đầu, Bạch Long được gửi cho một bà cô ruột của ba và nhận bà làm mẹ nuôi. Chính vì thế nên hồi bé, Bạch Long thường gọi ba mẹ mình là anh hai, chị hai.
Ba mẹ Bạch Long dù giao con cái cho người khác nhưng vẫn gửi tiền lo cho con, mua quần áo đầy đủ. Thành Lộc có áo mới thì ông cũng có áo mới.
Mối quan hệ giữa Bạch Long và Thành Lộc khá đặc biệt. Dù từ nhỏ đã không ở chung nhà và đến mãi về sau mới biết là anh em ruột, nhưng Bạch Long luôn có ý thức bảo vệ Thành Lộc.
Ngày đó, Bạch Long với Thành Lộc học chung trường Nguyễn Thái Học. Bạch Long hồi nhỏ tuy không ganh đua nhưng lại khá nóng tính, thấy ai ăn hiếp Thành Lộc lập tức ra xử lý ngay, không để Thành Lộc bị bắt nạt.
Hễ có trò chơi gì, Bạch Long lại rủ Thành Lộc xuống chơi. Ông lấy thùng bìa làm sân khấu, vẽ ông vua, hoàng tử rồi hát, bán vé là ba cọng thun. Mấy đứa con nít hay tới coi, rồi Thành Lộc cũng xuống.
Thành Lộc ngày nhỏ rất ham hát, nhưng ba không cho đi hát, nên thường phải lén lén ra chơi cùng Bạch Long rồi đóng giả sân khấu. Bạch Long chính là người làm mặt cho Lộc. Hai anh em đang diễn thì thấy ba cầm roi ra tìm, nên cứ phải lén trốn đi.
Bạch Long và em trai Thành Lộc
Tuy không nổi tiếng như em trai, nhưng nghệ sĩ Bạch Long cũng có một sự nghiệp lâu bền và gặt hái được một số thành tựu nhất định.
Đến hiện tại Bạch Long vẫn không sợ bị mang ra so sánh với em ruột. Ông tâm sự rằng, ngay từ nhỏ, bản thân đã không bao giờ thích hơn thua hay tranh đấu với người khác, huống hồ Thành Lộc lại là em ruột của mình.
Thời điểm còn là một cậu bé, Bạch Long luôn né tránh các cuộc thi. Khi tiếp xúc với một lớp học, bộ môn nghệ thuật nào đó, điều Bạch Long mong muốn nhận được là kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng để áp dụng vào cuộc sống, nghề nghiệp của mình. Việc thi thố để chứng tỏ bản thân không nằm trong mục tiêu sống của ông.
Có lẽ vì tính cách ôn hòa, hiền lành đó nên Bạch Long ít bon chen trong showbiz để nổi tiếng. Ông từng chia sẻ, thế giới showbiz từ trước đến nay luôn bằng mặt không bằng lòng, có phần không phù hợp với người có tính cách hiền lành, thật thà như ông.
Việc hơn thua, ganh đua, tị nạnh nhau là điều thường xuyên nhìn thấy trong môi trường ấy, nhưng với Bạch Long thì không.
Trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình, điều khiến Bạch Long sợ nhất là mất đi cái duyên sân khấu và khán giả rời bỏ mình. Còn những hơn thua, tranh đấu khác, Bạch Long không để tâm.
Gắn bó sự nghiệp với khán giả nhí, dẫn dắt nghệ sĩ nhí
Là gương mặt quen thuộc với rất nhiều đối tượng khán giả, Bạch Long đã trở thành ký ức thanh xuân của rất nhiều người. Với Bạch Long, được khán giả đón nhận, yêu thương là điều hạnh phúc lớn lao nhất của người nghệ sĩ.
Có nhiều khán giả theo dõi Bạch Long từ thời xa xưa, bây giờ lập gia đình, có chồng có vợ vẫn hâm mộ ông. Vì thế, Bạch Long được diễn cho hai thế hệ khán giả xem.
Trong một lần Bạch Long đi diễn ở Kiên Giang, một đôi bạn trẻ đến gặp và cho biết là người hâm mộ từ nhỏ của Bạch Long. Bây giờ, hai bạn đã có lập gia đình và đưa con của mình đến xem bác Bạch Long biểu diễn. Đó là niềm hạnh phúc của Bạch Long khi được phục vụ cho cả hai thế hệ, từ cha mẹ và bây giờ là những đứa con.
Phục vụ nhiều đối tượng khán giả, thế nhưng hình ảnh của Bạch Long lại gắn liền với đối tượng khán giả nhí hơn. Nam nghệ sĩ từng tâm sự tại chương trình Đời nghệ sĩ:
"Có lẽ ơn trên cho tôi ra đời để phục vụ cho trẻ em, dạy dỗ và truyền nghề lại cho các bạn thiếu nhi. Rõ ràng, những công việc liên quan đến trẻ nhỏ tôi đều làm rất "ngọt", không có gì là khó khăn".
Cũng vì yêu con trẻ và cơ duyên đặc biệt nên Bạch Long gắn cả sự nghiệp của mình với việc đào tạo, dẫn dắt các em nhỏ vào nghề.
Vào thời điểm năm 1990, nhờ mối duyên giữa Bạch Long và trẻ nhỏ nên đoàn cải lương Đồng Ấu Bạch Long đã ra đời. Lúc đầu, vở diễn Cóc kiện trời Bạch Long nhận dàn dựng dưới loại hình kịch nói. Sau đó, ông xin phép được chuyển sang cải lương, và quy tụ được nhiều gương mặt nhí thời điểm đó như: Quế Trân, Trinh Trinh, Tú Sương, Bình Tinh, Vũ Luân, Tâm Tâm,…
Từ đó, Đồng Ấu Bạch Long được đón nhận, phát triển và duy trì cho đến năm 1996 thì ngưng hoạt động.