Các loại máy đo SpO2 (nồng độ oxy trong máu) đang được nhiều người lùng mua vì được quảng cáo là có thể phát hiện sớm khi bệnh nhân COVID-19 có dấu hiệu trở nặng. Bản thân tôi cũng tò mò và muốn mua về cho cả nhà dùng thử xem thế nào vì tình hình dịch đang rất phức tạp, cẩn thận vẫn hơn.
Nhưng, thay vì mua loại giá đắt tới vài trăm hay hơn triệu, tôi chỉ mua thử loại giá 179k xem thế nào vì thấy nhiều đánh giá khen và lượt mua cũng cao nữa.
Máy đo nồng độ oxy trong máu (hay còn gọi là máy SpO2) là một thiết bị cho phép bệnh nhân có thể xác định kịp thời triệu chứng khó thở, một trong những triệu chứng của bệnh COVID-19. Kết quả sẽ hiển thị trên màn hình máy đo và với chỉ số trên 96% thì bệnh nhân hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, với chỉ số 90-95% tình trạng thiếu oxy một phần, bệnh nhân cần cảnh báo kịp thời và chỉ số dưới 85% là thời điểm bệnh nhân thiếu oxy nghiêm trọng.
Nhận hàng rồi bóc hộp ra điều đầu tiên là trông máy như đồ chơi, không có cảm giác tin tưởng gì.
Trông chiếc máy hơi "hàng Mã", không đáng tin cho lắm.
Cách dùng máy cũng như các loại máy đo đắt tiền khác, kẹp vào ngón tay rồi dùng các cảm biến bên trong để đo được nhịp tim và chỉ số SpO2. Chỉ số này sẽ cho biết lượng oxy trong máu là bao nhiêu. Thông thường một người khỏe mạnh sẽ có chỉ số này cao từ 95% trở lên, thấp hơn là cơ thể có thể đang thiếu oxy - dấu hiệu quan trọng để phát hiện các ca bệnh COVID-19 trở nặng.
Cách dùng rất đơn giản, chỉ cần kẹp vào đầu ngón tay,, bấm nút rồi đợi khoảng 5 - 10 giây là hiện ra chỉ số nhịp tim và nồng độ SpO2.
Lý thuyết là vậy, nhưng chiếc máy này có hoạt động thật như quảng cáo không? Tôi đã thử đo bằng máy cùng với một chiếc smartband tích hợp sẵn cả cảm biến nhịp tim lẫn SpO2 giá 2 triệu đồng. Kết quả là cả hai chỉ số này đều khá giống nhau, chỉ chênh lệch khoảng 2 - 3 đơn vị.
Chiếc máy trả kết quả nhanh với chỉ số SpO2 màu cam ở trên, nhịp tim màu xanh lá ở dưới, cập nhật chỉ số liên tục theo từng thay đổi chứ không chỉ đo 1 lần rồi ngừng lại.
So kết quả nhịp tim và SpO2 với một chiếc đồng hồ thông minh giá 2 triệu cũng cho ra kết quả gần như giống hệt, chỉ chênh lệch 2 - 3 đơn vị.
Để thử xem máy đo SpO2 thật hay “ảo”, tôi thử nín thở trong khoảng 1 phút, và sau 30 giây khi đã bắt đầu tự thấy chóng mặt vì thiếu oxy lên não, số đo trên máy cũng giảm xuống mức 92 - 93% và nhấp nháy màn hình, ý rằng đây là mức nguy hiểm cần chú ý rồi.
Nín thở trong khoảng 30 giây, chiếc máy đã phát hiện ra nồng độ oxy trong máu đang giảm xuống mức nguy hiểm (dưới 93%) nên nhấp nháy để thông báo.
Đo được thật đấy, nhưng thực tế, những loại máy đo SpO2 kẹp ngón tay tại nhà chỉ nên để tham khảo, hoàn toàn không “bắt bệnh” được chính xác 100%.
"Trong trường hợp chưa tiếp cận được với hệ thống y tế, trong nhà nên có một chiếc máy đo nồng độ oxy trong máu. Đo nồng độ oxy trong máu bằng máy SpO2 sẽ cho bạn biết là mình đang khó thở do thực sự thiếu oxy hay chỉ là lo lắng quá mức. Lo lắng quá mức dẫn đến chứng khó thở là chuyện thường gặp ở nhiều ca F0 cách ly tại nhà. Do đó, tôi khuyên những đối tượng có điều kiện và có nguy cơ cao nên mua và nắm rõ cách đo SpO2 tại nhà".
"Nếu không thuộc nhóm đối tượng đã nói ở trên, bạn cũng không cần thiết phải mua máy SpO2. Thay vào đó có thể sử dụng app di động đo SpO2 để chủ động theo dõi sức khỏe". TS.BS Nguyễn Thu Anh (Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock tại Việt Nam) chia sẻ.