Nghề 'mổ' hàu trên vịnh Hòn La

Hoàng Nam |

“Cóc, cóc, cóc…” Tiếng búa gõ vào ghềnh đá lúc trầm đục, lúc chát chúa, hòa cùng tiếng gió biển, tiếng sóng vỗ bờ, tiếng chim hải âu gọi bầy… tạo nên một bản hợp xướng giữa mênh mông trưa hè bên bờ vịnh Hòn La. Thứ âm thanh vi diệu ấy phát ra từ một nghề mưu sinh của những người phụ nữ bản địa: Nghề “mổ” hàu.

Bản hợp xướng giữa trưa hè

Hoành Sơn (Đèo Ngang) chạy từ dãy Trường Sơn ra biển Đông chia ranh giới Nam Hà Tĩnh và Bắc Quảng Bình. Trước khi dừng lại trước biển, những mỏm núi của Hoành Sơn kịp vây lại tạo thành một vùng kín gió, được gọi là vịnh Hòn La, thuộc xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Bên bờ vịnh Hòn La có những bãi đá ngầm trải rộng, có nơi hàng trăm mét, lúc lộ, lúc chìm tùy theo thủy triều lên xuống. Mùa nào thức ấy, bao đời nay, bãi đá này là chốn mưu sinh của người dân trong vùng.

Ông Nguyễn Đức Hiền, Chủ tịch UBND xã Quảng Đông cho biết: Bãi đá ngầm ở vịnh Hòn La rộng hàng chục héc ta. Như một thứ “lộc trời”. Mùa nào thức ấy, bãi đá trở thành chốn mưu sinh của bao thế hệ. Mùa Đông và mùa Xuân thì bãi đá này bám đầy rong biển, người dân chỉ việc ra hái về bán lấy tiền. Hết mùa rong biển thì loài hàu sữa lại sinh sôi…

Khi con nước thủy triều bắt đầu rút, các bãi đá ngầm bên bờ vịnh Hòn La lộ dần, cũng là lúc những người phụ nữ ở hai xã Quảng Đông và Quảng Phú í ới gọi nhau đi “mổ” hàu (khai thác hàu). Những con hàu sữa bé xíu bám chi chít trên các mỏm đá, nhiều năm nay đã trở thành nguồn “sinh kế” của nhiều gia đình…

Nghề mổ hàu trên vịnh Hòn La - Ảnh 1.

Dụng cụ làm nghề đơn giản chỉ là một chiếc búa nhọn 2 đầu, 1 con dao nhỏ và 1 cái ca đựng hàu

Giữa trưa hè nắng như đổ lửa, ngang qua vịnh Hòn La hóng gió, bất ngờ tôi bắt gặp một thứ âm thanh vi diệu, như một bản hợp xướng phát ra từ bãi đá ngầm phía trước mặt, nơi những người phụ nữ trùm kín người, ngồi úp mặt xuống bãi đá “mổ” hàu mưu sinh.

Nghề mổ hàu trên vịnh Hòn La - Ảnh 2.

Bà Xuyên là người duy nhất trong nhóm không bịt mặt, cho biết mình làm nghề “mổ” hàu từ thời con gái


“Cóc, cóc, cóc…”, tiếng búa của những người phụ nữ đều đặn đập vào lớp vỏ cứng của những con hàu sữa bám chặt trên những mỏm đá vừa mới lộ ra khi thủy triều vừa rút. Mũi sắt nhọn của chiếc búa xuyên qua lớp vỏ cứng, tách con hàu làm đôi. Nhanh thoăn thoắt, họ lại dùng con dao nhỏ cạy lấy nhân con hàu sữa mềm mại, to bằng đầu ngón tay trỏ bỏ vào chiếc ca nhựa tứa nước trắng đục.

Nghề mổ hàu trên vịnh Hòn La - Ảnh 3.

Một nhóm phụ nữ “mổ” hàu trên bãi đá ngầm bên vịnh Hòn La


Trong nhóm phụ nữ, hầu hết mọi người đều đội mũ rộng vành, khẩu trang bịt gần kín mặt, riêng chỉ một mình bà Nguyễn Thị Xuyến (64 tuổi) là không hề bịt mặt. “Tôi già rồi, không sợ nắng và nước biển làm đen da nữa nên không cần bịt mặt, để rứa cho thoáng…” - bà Xuyến tiếp chuyện tôi bằng nụ cười thật tươi hiện trên khuôn mặt có phần khắc khổ vì tuổi tác và cuộc sống mưu sinh khó khăn.

Bà Xuyến cho biết, bà làm nghề “mổ” hàu từ thời còn con gái, tuổi trăng tròn. Trước đây, bãi đá ngầm bên vịnh Hòn La hàu bám tầng tầng, lớp lớp. Hằng ngày, bà và người làng muốn ăn hàu chỉ cần ra bãi đá cạy chừng vài chục phút là đủ ăn cho cả nhà. Hôm nào ăn không hết, bà đem đổi con cá, miếng thịt với hàng xóm để cải thiện bữa cơm cho gia đình.

Mưu sinh theo con nước

Khác với loài hàu nuôi hoặc hàu lặn dưới sông con to, ruột lớn, loài hàu sống tự nhiên ở những bãi đá này, nhỏ con, có vị thơm, ngọt, mát, nên được rất nhiều người ưa chuộng. Chừng hơn 10 năm trở lại đây, hàu sữa vịnh Hòn La được các nhà hàng, quán ăn và người sành ăn ưa chuộng, nên nó trở nên có giá trị. 

Từ đó, hàu ở đây không chỉ được người dân trong vùng đi lấy về ăn mà còn bán để kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống gia đình. “Mỗi ngày từ khi thủy triều rút, đến khi dâng trở lại chừng hơn 10 tiếng đồng hồ, tui “mổ” được hơn 3 kg nhân hàu. Hiện hàu sữa có giá 150 nghìn đồng/kg, nên mỗi ngày tui cũng kiếm được gần 400 nghìn đồng, có thêm đồng vô đồng ra lo cho cuộc sống gia đình” - bà Xuyến chia sẻ.

Cách đó không xa, chị Phan Thị Hà (30 tuổi) cũng đang miệt mài “mổ” hàu. Khác với bà Xuyến, chị Hà là người vùng khác mới về làm dâu ở xã Quảng Phú được hơn 5 năm. Sau nhiều lần theo chân những người phụ nữ ở đây đi “mổ” hàu, chị Hà dần quen việc. “Những ngày đầu, dù được mọi người nhiệt tình hướng dẫn, nhưng năm lần, bảy lượt, ngoài “mổ” trật con hàu, thì em cũng không biết đâu là con hàu sống, đâu là con hàu chết mà cạy nữa. Những lần đầu đó, mỗi ngày em chỉ “mổ” được khoảng 2 lạng nhân hàu là nhiều” - chị Hà kể.

Vậy mà, theo lời của những người phụ nữ trong nhóm, chừng 3 tháng sau, nhờ kiên trì, chịu khó, chị Hà “lành nghề” và “vượt mặt” nhiều người khác. Hiện mỗi ngày chị Hà có thể “mổ” được hơn 4 kg hàu nhân, thu về hơn 500 nghìn đồng. Số tiền đó giúp nhiều để chị Hà trang trải cuộc sống và nuôi con ăn học.

Chị Hà chia sẻ: Để mổ được nhiều hàu, ngoài đức tính kiên trì thì phải có kinh nghiệm và đôi mắt tinh anh. Người lành nghề chỉ nhìn vào vỏ hàu là biết ngay con hàu đó sống hay chết. Mổ chính xác con hàu sống sẽ tiết kiệm công sức và thời gian, sản phẩm nhiều hơn. “Nghề này không mất nhiều sức nhưng cũng không kém phần vất vả. Bởi vì phải mưu sinh theo con nước, nên lúc nào thủy triều rút, bất kể ngày hay đêm, những người “mổ” hàu như chúng em lại kéo nhau ra bãi đá này. Khó nhất là mổ hàu vào ban đêm, vừa sợ ma, vừa trơn trượt, nhiều khi ngã dúi dụi, rồi qua ánh đèn pin, nếu không quen thì rất khó để phát hiện ra con hàu để khai thác” - chị Hà cho biết.

Nghề “mổ” hàu sữa là nghề mưu sinh của nhiều thế hệ phụ nữ nghèo trong vùng. “Nghề này là nghề không vốn nhưng không hề dễ dàng chút nào. Để mưu sinh với nghề, chúng tôi phải bám mình, lê lết gần 10 tiếng đồng hồ trên những mỏm đá, chỉ cần sơ sẩy, trượt chân là bị hàu cứa tứa máu, rồi say nắng, trúng gió…Nói tóm lại làm nghề này cần phải chịu khó, kiên trì, nhẫn nại. Điều này giải thích tại sao, làm nghề này chỉ toàn là phụ nữ” - chị Linh, một người trong nhóm “mổ” hàu góp chuyện.

Con hàu sữa ngày càng có giá trị, nhiều người cùng đi “mổ” hàu nên không gian kiếm sống của những người phụ nữ ở đây cũng trở nên chật hẹp hơn. Vậy nhưng, trong câu chuyện, chúng tôi vẫn nghe họ bảo ban với nhau, chỉ nên “mổ” những con hàu đủ lớn, không ai được khai thác những con hàu quá nhỏ hay đục phá tùy tiện bãi đá vì đó là nơi đã nuôi sống họ và gia đình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại