Làm việc văn phòng nhiều năm ở tầng 10 Keangnam Landmark Tower, chị Nhung, 25 tuổi, thường xuyên sử dụng dịch vụ shipper – giao hàng tận nơi. Thời gian hạn chế, cực khó để di chuyển bằng thang máy tại Keangnam vào giờ cao điểm đã khiến chị chọn dịch vụ này cho phần lớn những nhu cầu mua sắm của bản thân.
"Thời gian rảnh trong ngày của tôi rất hạn chế, muốn mua sắm cũng phải tranh thủ. Tôi đặt hàng qua mạng và shipper giao đến tận nơi làm việc. Đối với việc ăn uống, tôi và đồng nghiệp đặt cơm với số lượng lớn ở ngoài, cứ đến giờ ăn thì họ mang đến".
Không nằm cách xa trung tâm nhưng xung quanh Keangnam khá ít dịch vụ dành cho dân văn phòng và người Việt. Phần lớn các quán ăn, siêu thị, dịch vụ đều phù hợp hơn với người Hàn Quốc, cả về khẩu vị và mức giá.
Keangnam trở thành miền đất hứa cho giới shipper ở Hà Nội.
"Một suất cơm bình thường ở tầng trệt Keangnam dao động từ 90.000 – 150.000 đồng, mức quá đắt so với trung bình tại Hà Nội.
Nơi đây thiếu lựa chọn cho những người không thích ăn đồ nướng, đồ lẩu, và chỉ hợp khẩu vị với những người Việt trẻ tuổi khiến dịch vụ mua hàng giao tận nơi đắt khách và nhộn nhịp hơn hẳn so với các khu vực khác", anh Hoàng Nam, giám đốc một công ty tại tầng 32 tòa nhà Keangnam chia sẻ.
Trước đây, anh Nam sống tại tầng 46 của tòa nhà này, nhưng hiện tại đã chuyển sang khu chung cư đối diện, do khu vực mới có nhiều lựa chọn về hàng hoá hơn so với Keangnam.
Anh cho biết mình có số điện thoại của một đầu mối shipper ở Keangnam, người nắm tới 20 nhân viên chuyên giao hàng cho toà nhà này. Mỗi người chỉ chuyên chạy mua hàng từ một khu vực nhất định để chuyển về Keangnam giao cho khách.
"Không ngoa khi nói shipper là nghề hot nhất ở Keangnam, vì muốn ăn gì, muốn mua gì đều phải chuyển từ ngoài vào. Các bạn này cũng rất chuyên nghiệp để chạy được nhiều tầng nhất có thể ở Keangnam trong một lần giao hàng, vì thang máy ở đây chỉ có cơ chế bấm chọn tầng duy nhất ở sảnh".
Với mỗi đơn hàng, người vận chuyển sẽ lấy công từ 30.000 đồng đến 50.000 đồng. Nếu giao ở tầng trệt, phí chỉ là 20.000 đồng. Tuy nhiên, với những người ở tầng 50 trở lên, phí sẽ đắt hơn do quy định "thêm tầng cộng tiền" của giới shipper.
"Chờ thang máy ở Keangnam rất khổ, vì lượng thang vào giờ cao điểm không tải nổi lượng người có nhu cầu di chuyển. vậy nên nhiều đồng nghiệp của tôi thường lấy thêm phí khi di chuyển thêm mỗi 10 tầng, 5.000 đồng cho mỗi khoảng cách như thế", Hùng, 21 tuổi, sinh viên năm 3 Đại học giao thông vận tải hiện làm thêm nghề shipper và chuyên chạy cho khu vực Keangnam chia sẻ.
Với Hùng, Keangnam là nơi ăn nên làm ra, Chiều cao chọc trời, "thủ tục" ra, vào tòa nhà phức tạp, Kengnam trở thành nơi "ship tìm người, người tìm ship".
"Tôi giao một lúc nhiều đơn hàng, tới nhiều nơi. Giao đến Kengnam, ngại nhất là phải lên tận các tầng. Tôi phải xuống tận tầng hầm gửi xe nên rất mất thời gian và hàng hóa của tôi cũng không đảm bảo an toàn, do đó chúng tôi lấy phí ship đến đây khá đắt".