Ở các thành phố hạng nhất và hạng hai của Trung Quốc, nghề giúp việc cao cấp đang trở thành xu hướng.
Mỗi độ chuẩn bị năm mới, đối với nhiều gia đình sống ở các thành phố hạng nhất Trung Quốc, điều này cũng đồng nghĩa với việc “tình trạng thiếu giúp việc” báo động đang đến gần.
Với sự phát triển không ngừng của ngành dịch vụ nội địa Trung Quốc, hàng loạt dịch vụ giúp việc cao cấp âm thầm ra đời.
Tốt nghiệp cử nhân, chuyên ngành tiếng Anh, thạc sĩ tại Mỹ trở thành “tố chất phải có” đối với nghề giúp việc cao cấp.
Tìm một giúp việc cao cấp có trở thành tiêu chuẩn của người giàu? Ngành công nghiệp giúp việc cao cấp của Trung Quốc đã phát triển đến giai đoạn nào?
1. Học vị cao, du học nước ngoài chấp nhận dấn thân vào dịch vụ giúp việc?
Nghề giúp việc trở thành xu hướng, bằng cấp càng "khủng" càng được săn đón
Tháng 5/2020, bản sơ yếu lý lịch giúp việc của một gia đình ở Hàng Châu được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội Trung Quốc.
Bên trên thể hiện người ứng tuyển là Lưu, 32 tuổi, có bằng thạc sĩ, giỏi tiếng Anh và tiếng Pháp, không những có kinh nghiệm dạy cho trẻ nhỏ phát triển trí não toàn diện mà còn từng làm việc ở nước ngoài.
Cư dân mạng không khỏi “câm nín” và tự hỏi: Người có bằng cấp cao như vậy lại đi làm giúp việc, trông trẻ sao?
Lưu tên đầy đủ là Lưu Song, có bằng cử nhân và thạc sĩ chuyên ngành ngôn ngữ văn học Pháp tại Đại học Ngoại ngữ Tây An. Sau khi tốt nghiệp, cô làm việc trong một công ty truyền thông lớn trong nước và được cử sang Châu Phi trong 2 năm với mức lương khoảng 300.000 NDT/năm (hơn 1 tỷ đồng).
Cân nhắc đến việc kết hôn và sinh con, Lưu kiên quyết từ chức và trở về Trung Quốc, cùng chồng đến Hàng Châu để phát triển. Cô cũng từng làm vài công việc sau đó nhưng đều không suôn sẻ. Một ngày nọ, được sự truyền cảm hứng từ bà vú ở nhà, cô bắt đầu thử làm ứng tuyển làm giúp việc.
Sau khi Lưu Song trở nên nổi tiếng trên mạng xã hội với bản lý lịch “cực khủng”, hơn 20 khách hàng muốn đến phỏng vấn, nhưng cô từ chối và chỉ gặp một phụ huynh duy nhất.
Lưu Song cho rằng khách hàng tìm đến cô là vì trình độ học vấn cao và thông thạo song ngữ. Đó là một phú hộ ở Hàng Châu, bố mẹ bận bịu công việc nên muốn tìm “người đồng hành chất lượng cao” với con. Về mức lương, con số khách hàng đưa ra là “9h sáng đi làm, 5 giờ chiều tan làm, nghỉ 2 ngày cuối tuần, lương tháng trên 20.000 NDT (hơn 67 triệu đồng)”.
Khách hàng mục tiêu của Lưu Song là những gia đình ở bậc trung và thượng lưu, họ tìm kiếm người giúp việc chất lượng cao, chứ không chỉ đơn thuần làm việc nhà.
Nhu cầu dịch vụ giúp việc tăng cao trong giới trung và thượng lưu
Trong những năm gần đây, do nhu cầu thị trường tăng cao, ngành dịch vụ Trung Quốc đã và đang phát triển hướng tới những người trẻ tuổi và có trình độ học vấn cao hơn.
Theo dữ liệu của nền tảng dịch vụ giúp việc "58 Daojia" (tạm dịch: 58 Đến nhà), 65% người hành nghề trên nền tảng này nằm trong độ tuổi từ 36 đến 50 và tỷ lệ những người sinh sau 1990 đang tăng lên. Hơn 70% là học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, cao đẳng, đại học và cao học, con số này ngày càng tăng qua các năm.
Vào tháng 12/2020, Đại học Mở Thượng Hải tổ chức cuộc họp khởi động tuyển sinh đại học ngành Kinh tế gia đình.
Trang website "Bảo mẫu đại bản doanh" đăng tải đầy đủ thông tin cá nhân của từng người giúp việc, bao gồm tuổi tác, nơi sinh, loại hình công việc, kỹ năng...
Ở các thành phố hạng nhất và hạng hai của Trung Quốc, nghề giúp việc cao cấp đang trở thành xu hướng. Giấy phép trông trẻ, bằng lái xe, bằng giáo viên, bằng chuyên gia dinh dưỡng, bằng nấu ăn, bằng y tá... để làm nghề giúp việc, người lao động cần có ít nhất 1 đến 2 chứng chỉ trên.
Song, bằng cấp chỉ là bước đệm, một người giúp việc giỏi cần phải có nhiều kỹ năng hơn. Làm vườn tại nhà, chăm sóc vật nuôi, đan len và thực hành máy tính là bốn kỹ năng phổ biến nhất.
Người giúp việc ở Bắc Kinh và Hàng Châu thích làm vườn hơn. Giúp việc ở Thâm Quyến tốt nhất nên biết thực hành máy tính vì đây là thành phố công nghệ. Các giúp việc ở Thượng Hải phải chăm sóc thú cưng.
Tất nhiên, một cô giúp việc nên có kỹ năng nấu ăn ngon và am hiểu món ăn địa phương. Ngoài ra, kinh nghiệm cũng rất quan trọng. Nếu có kinh nghiệm chăm sóc gia đình người nước ngoài hoặc làm việc tại gia đình thượng lưu thì rất có thể bạn sẽ được nhiều khách hàng yêu mến hơn.
Giúp việc cao cấp sở hữu những kỹ năng không chỉ giúp trẻ em phát triển toàn diện mà còn có thể chăm lo người cao tuổi với thái độ tốt nhất.
Lý lịch của người giúp việc cũng thay đổi theo thời gian:
"Lý, 24 tuổi, cử nhân đại học, gia sư, nói chuyện lưu loát, có thể giao tiếp trực tiếp với người nước ngoài, từng làm dịch vụ khách hàng…".
"Tô, 44 tuổi, tốt nghiệp đại học, có bằng lái xe, đã làm trợ giảng tại Trung tâm Giáo dục Mầm non Melbourne 10 năm, trở về Trung Quốc làm hiệu trưởng và giáo viên chủ nhiệm một trường mẫu giáo quốc tế...".
"Trương, 36 tuổi, bằng cử nhân, nói tiếng Anh thông thạo, lái xe thành thạo, có chứng chỉ hướng dẫn viên du lịch tiếng Anh, chứng chỉ giáo viên chăm sóc trẻ em cao cấp, có thể chơi piano, am hiểu trà đạo, yoga, nhiếp ảnh, từng chăm sóc trẻ người Hàn, Đài Loan và con lai Trung-Mỹ…”.
"Trần, 27 tuổi, tốt nghiệp thạc sĩ ở Mỹ, giáo viên mẫu giáo cao cấp, huấn luyện viên bơi lội trung cấp quốc gia, nguyên là nhà phân tích dữ liệu kinh doanh ở New York, đã trở về Trung Quốc do dịch bệnh, tham gia công tác giáo dục mầm non...".
Hồ sơ ứng tuyển ngày càng “khủng” hơn. Sinh sau 1960, 1970 và thậm chí cả 1990, từ sinh viên đại học đến thạc sĩ và thậm chí là du học sinh, thông thạo tiếng Anh là yêu cầu cơ bản.
Lưu Song đánh giá, ngành dịch vụ giúp việc đang là ngành công nghiệp đang phát triển như cá gặp nước, đặc biệt là giúp việc cao cấp.
Tuy nhiên, nhu cầu đối với dịch vụ giúp việc trong nước cũng đang tăng chóng mặt.
Theo Hiệp hội ngành dịch vụ gia đình Trung Quốc, khoảng 15% trong số 190 triệu hộ gia đình ở các thành phố và huyện cần dịch vụ giúp việc.
Hiệp hội Dịch vụ giúp việc Bắc Kinh từng tính toán rằng trong số hơn 6 triệu hộ gia đình ở Bắc Kinh, ít nhất 2 triệu hộ cần người giúp việc.
Hạ Quân, người sáng lập Chuỗi dịch vụ giúp việc Ái Quân, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Southern Weekend rằng vào năm 2017, thiếu hụt nhân lực ngành dịch vụ giúp việc trên thị trường Trung Quốc là khoảng 50%.
Người thành lập công ty dịch vụ giúp việc gia đình Ayilaile (tạm dịch: Dì đến rồi đây!) cho biết con số thiếu hụt lên đến 20 triệu người.
Sự mất cân bằng tổng thể giữa cung và cầu đã khiến nhiều gia đình từ trung lưu đến cao lưu khó thuê được một người giúp việc ưng ý ngay cả với mức lương cao.
Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi những người có học thức cao như Lưu Song được săn đón kịch liệt.
2. Mặt tối phía sau thị trường giúp việc cao cấp
Nhìn bề ngoài, giúp việc cao cấp có vẻ là ngành công nghiệp đang phát triển mạnh, nhưng trên thực tế phía sau nghề này chứa đầy những mặt tối khó lường.
Một ví dụ điển hình là vụ người giúp việc phóng hỏa ở Hàng Châu gây chấn động Trung Quốc vào năm 2017.
Người giúp việc tên Mạc Hoán Xương dùng bật lửa đốt một cuốn sách trên bàn trà vào lúc 5 giờ sáng rồi ném lên ghế sô pha vải, khiến cả nhà 4 người tử vong (bao gồm mẹ và 3 đứa con vị thành niên).
Sau vụ việc này, việc thẩm tra lý lịch đối với người giúp việc đã trở thành chủ đề nóng trong một thời gian dài.
Lục Vũ, một bà mẹ mới sinh con ở Bắc Kinh, chi ít nhất 8.000 NDT/tháng (hơn 27 triệu đồng) để thuê giúp việc. Nhưng cô không thể điều tra chi tiết về lý lịch của người giúp việc và chỉ có thể phụ thuộc vào môi giới.
Trong trường hợp này, nếu chỉ thông qua công ty trung gian thì không thể đảm bảo hoàn toàn độ tin cậy về lý lịch của người giúp việc. Khách thuê chỉ có thể lựa chọn người mà họ cảm thấy phù hợp thông qua phỏng vấn và thử việc.
Lục Vũ cho biết cô có hẳn "danh sách câu hỏi" để phỏng vấn người giúp việc: "Nếu mâu thuẫn với người già thì phải làm thế nào", "Làm những việc gì từ sáng đến tối trong một gia đình”...
Tuy nhiên kiểu phỏng vấn ngắn này không quá đáng tin cậy, Lục Vũ phải quan sát “tướng mặt” và cảm giác khi giao tiếp.
Bà mẹ mới sinh Lục Vũ cho rằng:
Lục Vũ cho biết cô từng đổi 4-5 người giúp việc trong 1 năm. Có người bị hôi miệng, có người làm việc quá chậm chạp, có người thường xuyên than thở “làm việc quá nhiều”, đề nghị tăng lương. Những điều này khiến vợ chồng cô cảm thấy áp lực. Người giúp việc hiện tại đến từ Sơn Tây đã "biết an phận" hơn.
Mặc dù vậy, Lục Vũ vẫn không yên tâm với người giúp việc ở nhà. Vì cả cô và chồng đều đi làm cả ngày nên họ nhất trí không để người giúp việc và con ở nhà một mình.
Một vài trường hợp, nếu hai vợ chồng cần ra ngoài, họ sẽ giám sát con cái qua camera. Lưu Vũ cho rằng camera là thứ vô cùng cần thiết và quan trọng khi thuê người giúp việc về nhà. Đương nhiên, người giúp việc cũng có sự chấp thuận về vấn đề này thì đôi bên mới tiếp tục làm việc.
Những người chủ thuê có rất nhiều thắc mắc về vấn đề lý lịch của người giúp việc.
Khi được hỏi về thông tin cá nhân của người giúp việc tại một cơ sở môi giới ở Thượng Hải, họ đã cho xem một số thẻ căn cước và giấy phép lái xe của nhân viên nhưng những loại thẻ này đều không có mã vạch hoặc dấu chìm.
Ngoài ra, cũng có không ít trường hợp những thông tin tuyển dụng như “bảo mẫu cá nhân”, “giúp việc cao cấp” nhưng sự thật phía sau lại là tìm người để phục vụ nhu cầu sinh lý cá nhân.
Do đó, mặc dù lương cao đến mê người, nhưng thật sự phải thận trọng khi lựa chọn làm nghề giúp việc cao cấp!
3. Giúp việc cao cấp "toàn năng" đến mức nào?
Mặc dù sự phát triển của ngành giúp việc cao cấp của Trung Quốc hiện nay chưa được hoàn thiện. Nhưng nhìn ra thế giới, giúp việc cao cấp từ lâu đã trở thành tiêu chuẩn của người giàu.
Những người giúp việc và quản gia phục vụ quý tộc trong bộ phim truyền hình Anh Downton Abbey"chính là tiền thân của kiểu "giúp việc cao cấp" hiện nay.
Maria Pollalo, giúp việc hoàng gia Anh, “gây sốt” một thời, là một “siêu giúp việc” không phải ai cũng mời được. Cô không chỉ tinh thông mọi kỹ năng giáo dục trẻ em, mà còn là một cao thủ Taekwondo, sở hữu khả năng lái xe tốc độ cao và đảm bảo an toàn trong mọi thời tiết. Có kỹ năng trốn thoát các tay săn ảnh và đối phó với những kẻ bắt cóc, đồng thời nghiên cứu xã hội học, tâm lý học, văn học và giáo dục.
Maria, trò chuyện và cười với Nữ hoàng Anh Elizabeth II.
Chuỗi kỹ năng “thượng thừa” này thực chất là một khóa học bắt buộc trong Học viện Norland nổi tiếng được thành lập năm 1892 và tiền thân là Học viện đào tạo người giúp việc, được mệnh danh là cái nôi của những “siêu giúp việc”.
Học viện Norland có yêu cầu khắt khe và học phí cao, hầu hết sinh viên tốt nghiệp đều làm việc trong các gia đình giàu có, chức sắc và người nổi tiếng.
Phó hiệu trưởng học viện, Mighty Donaldson cho biết: “Các học sinh tốt nghiệp của chúng tôi đều được mời làm công việc với mức lương thấp nhất 22.000 bảng Anh/năm (hơn 600 triệu đồng). Khi thâm niên tăng lên theo từng năm, một giúp việc ở Norland có thể kiếm được từ 26.500 - 42.000 bảng Anh/năm (hơn 700 triệu-1,1 tỷ đồng) và 35.000 - 60.500 bảng Anh (hơn 955 triệu-1,6 tỷ đồng) ở những vùng khác ngoài Luân Đôn”.
Ở một đất nước khác, Nhật Bản điều chỉnh ngành công nghiệp giúp việc bằng các luật và hệ thống nghiêm ngặt. Năm 1992, Nhật Bản đã xây dựng "Quy tắc thực thi để cải thiện việc làm và quản lý lao động chăm sóc gia đình" như một quy chuẩn của ngành.
Khóa học giúp việc cao cấp với những tiêu chuẩn khắt khe.
Tại Nhật Bản, lao động giúp việc gia đình không được đào tạo chuyên môn cần phải trải qua 3 tháng hướng nghiệp và có chứng chỉ năng lực trước khi làm việc. Theo quy định của pháp luật Nhật Bản, thời gian làm việc vượt quá 6 giờ phải nghỉ 45 phút, tăng lên thành 1 giờ khi thời gian làm việc quá 8 giờ và thời gian nghỉ ngơi phải tùy theo quyết định của người lao động. Đồng thời, bất kể thời gian lao động và thời hạn của hợp đồng, người lao động đều có thể được mua bảo hiểm. Tuy nhiên, không giống như Trung Quốc, Nhật Bản hầu như không có giúp việc tại nhà, và hầu hết họ chỉ cung cấp dịch vụ lao động bán thời gian.
Những kinh nghiệm nước ngoài này cũng có giá trị tham khảo nhất định đối với thị trường giúp việc ở Trung Quốc. Một mặt, có thể tăng cường giáo dục gia đình, thay đổi quan niệm và không coi "giúp việc" là một công việc phiến diện. Mặt khác, các luật và quy định chi tiết hơn có thể được xây dựng để bảo vệ quyền và lợi ích của người sử dụng lao động và người lao động.
Nguồn: Ellemen, Thepaper, 163