"Nghề giáo cao quý, nhưng làm ơn đừng bắt họ gánh quá sức và chịu sức ép phong bì"

Hiệu Minh |

Làm được việc này sẽ thay đổi nhiều nhận thức bởi nghề nào cũng quí, cần sự chuyên nghiệp, cần đạo đức, không chỉ mỗi nghề giáo viên. Đừng đặt lên vai thầy cô những gánh nặng khủng khiếp: Gán cho họ đức độ của thánh nhân để rồi đặt lên vai họ những gánh nặng quá lớn. Khi họ chưa làm được thì thất vọng và bế tắc.

Quan niệm của người thợ sơn

Mọi nghề sinh ra đều có quyền bình đẳng

Hàng xóm nhà này có hai đứa trẻ đến trường. Mỗi dịp 20/11 hay lễ tết đủ loại lại thấy gia đình to tiếng về chuyện quà cáp. Bà vợ đòi mua hoa cho sang, con bảo đưa phong bì thực tế hơn, rất lằng nhằng.

Lão bố phán một câu "nghề giáo cũng là nghề cao quý như bố đi làm thợ sơn. Họ đứng lớp vì niềm đam mê và cũng để mưu sinh, sao phải coi là quá đặc biệt để phải quà cáp phong bì, hư cả thầy cô lẫn trò và hệ lụy để lại không hề nhỏ.

Bố sơn nhà cửa làm đẹp phố phường thì cũng cao quí chứ sao, nhưng bố chỉ nhận thù lao, chấm hết."

Tôi đã quen nghe câu "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư – một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy" nên thấy lão hàng xóm nói thế, cảm giác hơi choáng. Nhưng nghĩ kỹ thấy không phải không có lý.

Nghề nào mà chả cao quí. Người dọn đường, thu rác là bảo vệ môi trường, không có họ thì cả nước ốm vì bụi và vi trùng. Có ai nghĩ đến ngày "người quét rác" không?

Cảnh sát giao thông thử vắng mặt một lúc xem, có mà kẹt xe, đi lại hỗn loạn, tai nạn chết người. Không có công an khu vực thì trộm cắp giữa ban ngày, người ngay sợ kẻ gian.

Tìm hiểu kỹ sẽ thấy nghề nào cũng cao quí cả, từ trồng người đến cứu người, từ khai thác rừng chặt cây đốn cành đến trồng cây hay gieo lúa như nông dân.

Quà hay hối lộ?

Tại sao ta cứ gán cho giáo viên, bác sỹ, y tá những tố chất phải hơn người, để rồi thất vọng. Thực ra ngoài đời, họ cũng là con người chẳng phải thánh, cũng tham sân si, có tốt, có xấu, có người tuyệt vời, có người sinh nhầm…nghề.

Khi có cái nhìn công bằng với tất cả mọi nghề thì sẽ thấy dễ hơn trong đánh giá về từng con người cụ thể, biết ơn hay lên án hành động xấu sẽ khách quan hơn.

Nếu con cái đi học và vào ngày 20/11, gia đình thấy cần biết ơn thầy cô thì biếu chút quà sẽ chẳng có gì là vấn đề lớn. Bên Mỹ vào ngày này, phụ huynh được khuyên là nên biếu thầy cô gift card chục đô để mua café hay sách.

Giống như vào nhà hàng ăn ngon hay người chuyển phát nhanh tới nhà có tin mừng, mình típ cho người ta một chút, không thể gọi là hối lộ.

Nhưng "không tuần chay nào không có nước mắt", phải bàn tính, gom góp, thậm chí chắt bóp để có phong bì, thì không thể gọi là phong tục "ơn thầy ơn cô" rất Á Đông được nữa, mà đó là hành vi hối lộ hay tham nhũng sẽ nguy hiểm trong việc giáo dục lớp trẻ.

Nhận chút tiền, nhưng rõ ràng đây là sức ép lên tính trung thực và trong sáng của giáo viên.

Hối lộ để con mình được quan tâm nhiều hơn, được ngồi chỗ tốt hơn, được điểm cao hơn, là cha mẹ đã làm hỏng đứa con mình trước, thầy cô bị hỏng sau, gia đình và xã hội sẽ chịu hệ lụy lâu dài, nhất là về đạo đức xã hội.

Nếu ai cũng thường xuyên cho tiền người đi thu rác thì sẽ sinh ra chuyện không có tip họ sẽ bỏ bê cho ruồi bâu trước cửa. Chả lẽ ưu ái lính cứu hỏa để họ cứu nhà mình trước dội nước nhà hàng xóm sau.

Nhưng nếu là ngày lễ của họ, cư dân tự nguyện đóng góp chút đỉnh, mua quà, mua hoa thậm chí phong bì gửi cho họ, thì đó là biết ơn như phụ huynh và trò biết ơn thầy cô ngày 20-11.

Ở Mỹ, nghề giáo viên cao quý một cách bình thường

NBC lấy số liệu đánh giá 200 nghề phổ biến ở nước Mỹ trong năm 2017 dựa vào ở ba tiêu chí môi trường làm việc, stress, và khả năng thăng tiến thì top nghề được coi trọng lại liên quan đến IT, xử lý số liệu hay y tế mà không có nghề giáo viên.

Trong 20 nghề kém nhất cũng không có người đứng lớp, bởi dưới đáy là dân làm báo và phát thanh viên truyền hình (vốn được coi là quyền lực thứ tư sau lập pháp, hành pháp và tư pháp).

Làm hiệu trưởng cũng chỉ đứng thứ 69, trợ giảng đứng thứ 88, giáo viên phổ thông ở vị trí 130 với môi trường làm việc trung bình, stress cao và khả năng thăng tiến ở mức bình thường, kém thợ ống nước ở vị trí 103, giám đốc nhà tang lễ đứng 125.

Nghề giáo cao quý, nhưng làm ơn đừng bắt họ gánh quá sức và chịu sức ép phong bì - Ảnh 1.

Ngay cả 20 nghề được tôn trọng nhất như lính cứu hỏa (lương thấp), bác sỹ cứu người (lương cao), cũng không có chỗ cho giáo viên.

Theo dự đoán những nghề nghiệp trong tương lai 10 năm tới cũng không thấy nghề làm thầy cô đầu bảng hay cuối bảng.

Như vậy ở Mỹ, nghề giáo là nghề cao quý một cách bình thường, trừ phi bạn là giáo sư đại học được trọng vọng và lương kha khá.

Ở Việt Nam thì nghề giáo viên được coi là kỹ sư tâm hồn, nghề trồng người, là nghề cao quí; nghề y là cứu nhân độ thế... Điều này không sai.

Nhưng cái sai là ít ai coi nghề chữa chó mèo lợn gà là cao quí, nhưng ra thế giới họ sẽ bảo, nghề thú y cứu cả nhân loại, vì chó mèo là vật cưng, là người bạn thân thiết như con người.

Cải cách giáo dục từ đâu?

Muốn cải cách giáo dục nên bắt đầu từ con người, đó là thầy cô, phụ huynh, và xa hơn là xã hội. Gia đình và xã hội bỏ bê, thiếu trách nhiệm giáo dục con cái, thì thầy cô giỏi đến mấy cũng chịu.

Mỗi người phải coi trọng công việc của mình, làm gì cũng hết lòng, có trình độ chuyên môn cao, có đạo đức nghề nghiệp. Yêu quý, đam mê sẽ tạo được động lực đóng góp cho xã hội.

Thợ sơn làm đẹp cho ngôi nhà, sưởi ấm mỗi tâm hồn. Hành nghề bác sỹ cứu người là quan trọng hơn là vì số tiền mỗi ca mổ. Nghề thú y đảm bảo cân bằng môi trường nên cứu nhân loại.

Tương tự, nghề trồng người phải bắt đầu bằng sự yêu thương thế hệ trẻ, thiếu vắng tình yêu con người mà chỉ vì nội dung phong bì trong những ngày lễ thì áp dụng triết lý giáo dục nào cũng hỏng, khó dung dưỡng những tâm hồn lớn cho mỗi quốc gia.

Có lẽ bạn đọc cũng thấy, việc ông bố của hai đứa trẻ hàng xóm so bì nghề thợ sơn và người đứng lớp đều mang lại những giá trị cho xã hội, không phải là nói liều.

Thông điệp thật đơn giản, hãy coi nghề giáo viên cao quí như hàng trăm nghề khác, coi việc giáo dục ở nhà và trong xã hội cũng quan trọng như giáo dục ở trường, thì việc cải cách giáo dục mới không thất bại và đến mỗi dịp 20/11 các phụ huynh mới không phải nghĩ mưu để phong vì thế nào cho "phải đạo", không sợ thua kém người khác.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại