Muỗi: sinh vật nguy hiểm nhất hành tinh
Theo báo cáo từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (U.S. Centers for Disease Control and Prevention), có đến ½ dân số thế giới luôn trong nguy cơ bị muỗi lây truyền bệnh.
Trung bình mỗi năm, muỗi lấy mạng trên 700.000 người, và lây các bệnh nguy hiểm như sốt rét, sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản, Zika… cho hàng triệu người khác.
Xét trên kích thước, muỗi thuộc nhà côn trùng nhỏ bé. Chúng chỉ dài dưới 1cm, nặng tối đa 2,5mg và bay tương đối chậm, 1,5-2,5km/h.
Tuy nhiên, loài sinh vật này đã có mặt trên hành tinh từ 170 triệu năm trước, tiến hóa thành 3500 chi nhánh khác nhau với số lượng đông không đếm xuể.
Muỗi tuy nhỏ nhưng giết người nhiều hơn bất cứ động vật nào.
Từ thời cổ đại, con người đã phải sống chung với muỗi. Càng ở các khu vực nóng ẩm, muỗi càng nhiều.
Trên thế giới, có 4 điểm nóng muỗi là Ấn Độ, Ethiopia, Pakistan và Rwanda.
Tại Rwanda, mỗi năm đều có khoảng 4 triệu người bị bệnh sốt rét vì muỗi. Bất chấp các cư dân đã dùng mọi phương pháp phòng tránh, tiêu diệt, muỗi vẫn gây phiền hà.
Bước sang Thế kỷ XXI, Tổ chức Y tế Thế giới (World Health Organization-WHO) quyết định thực hiện chương trình giám sát côn trùng, nghiên cứu triệt để đời sống, hành vi, sự tiến hóa và cách khống chế muỗi.
Rwanda (Đông Phi) là một trong các quốc gia hưởng ứng đầu tiên.
Dùng chính cặp giò làm mồi "câu" muỗi
Bước đầu tiên trong hoạt động giám sát côn trùng là bắt muỗi làm vật thí nghiệm. Bóng tối vừa buông xuống Mareba, ngôi làng nhỏ thuộc huyện Bugesera, tỉnh Miền Đông của Rwanda, các tình nguyện viên săn muỗi đã sẵn sàng.
Họ trải tấm bạt nhỏ xuống đất, đặt "đồ nghề" bao gồm đèn pin, ống nhốt muỗi và bông nút miệng ống nhốt muỗi lên trên. Xong xuôi thì tắt hết đèn đóm, ngồi xuống ghế, xắn ống quần cao trên đầu gối chờ muỗi đến đốt.
Tình nguyện viên Rwanda dùng chính cặp giò của mình "câu" muỗi.
Suốt thời gian "câu" muỗi, "mồi người" không được phép nói chuyện hay sử dụng điện thoại. Tình nguyện viên Innoc Bizimana phải sang nhà hàng xóm ngồi, tránh bị đứa con nhỏ của mình phá bĩnh.
Mỗi lần cảm nhận có muỗi đậu vào chân, anh nhẹ nhàng bật đèn pin lên soi, khéo léo dùng ống nhốt muỗi úp trúng rồi lấy một ít bông nhét vào miệng ống.
Có tất cả 12 tình nguyện viên "câu" muỗi trong Mareba. Họ chia ca 6h, luân phiên bắt muỗi thâu đêm. Mỗi đêm, người "câu" muỗi được trả $3, tương đương 70.000 VNĐ.
Buổi sáng, nhân viên từ phòng thí nghiệm côn trùng huyện Bugesera sẽ ghé, gom toàn bộ các ống nhốt muỗi đem đi.
Lý do cao đẹp: Phục vụ công cuộc khống chế và tiêu diệt bệnh sốt rét
Kể từ năm 2005, Rwanda đã đặt mục tiêu xóa sổ bệnh sốt rét lên hàng đầu. Theo số liệu thống kê thì vào năm 2018, họ thành công giảm số lượng người tử vong vì loại bệnh này xuống hẳn 80% so với năm 2000.
Trên khắp Rwanda, người dân được phát mùng chống và thuốc diệt muỗi. Mỗi năm, họ đều đặn phun thuốc trừ côn trùng theo định kỳ.
Ngành y tế Rwanda hết lòng quan tâm giải quyết dịch bệnh sốt rét. Họ ưu tiên chẩn đoán và điều trị cho các đối tượng là bà mẹ mang thai và trẻ em dưới 5 tuổi.
Tại phòng thí nghiệm côn trùng huyện Bugesera, các nhà nghiên cứu miệt mài quan sát, phân tích đời sống, hành vi, gene…của muỗi, thử nghiệm các loại thuốc diệt muỗi mới.
"Cái chúng tôi muốn là không còn bất cứ ai phải chết vì bị muỗi đốt nữa," - Diane Gashumba, cựu bộ trưởng Bộ y tế Rwanda phát biểu.
Các phòng thí nghiệm côn trùng tích cực nghiên cứu muỗi, tìm ra phương pháp phòng ngừa và diệt trừ hiệu quả nhất
Với mục tiêu này, Rwanda đẩy mạnh hoạt động săn muỗi. Mỗi cư dân đều là một chiến binh tuyến đầu, tích cực bắt nhốt muỗi giao cho các cơ sở nghiên cứu côn trùng. Bên cạnh lấy thân làm mồi "câu" muỗi, họ còn bắt muỗi đang đốt vật nuôi.
Nhờ "nguồn" muỗi này, các phòng thí nghiệm theo dõi sự thay đổi và tiến hóa của chúng trong tự nhiên, qua đó xây dựng các chương trình đối phó thích hợp.
Sau nhiều năm nghiên cứu, phòng thí nghiệm côn trùng huyện Bugesera phát hiện có sự thay đổi trong quần thể muỗi địa phương. Giống muỗi Anophele gambiae phổ biến dần bị loài mới là Anophele arabiensis chiếm chỗ.
Trên phương diện ngoại hình, A.gambiae và A.arabiensis giống nhau như đúc. Các nhà côn trùng chỉ có thể phân biệt chúng dưới kính hiển vi hoặc qua giải trình tự ADN.
Song thói quen và hành vi ăn uống giữa chúng thì khác một trời một vực.
A.gambiae thích hút máu vào ban đêm, thường lựa chọn người đang ngủ say và hiếm khi đốt động vật.
Sau khi ăn no, nó tìm chỗ nghỉ ngay gần nạn nhân, nhẩn nha tiêu hóa, đem chất dinh dưỡng đi nuôi trứng.
Vì thường xuyên bị xịt hóa chất tiêu diệt, nhà A.gambiae ngày một thưa thớt, yếu ớt. Rwanda tự tin là đã khống chế được loài muỗi này.
A.arabiensis mới xuất hiện trong vòng 10 năm trở lại đây, nhưng hiện tại đã chiếm 93% lượng muỗi do các tình nguyện viên thu thập.
Chúng cực kỳ háu ăn khi đến giai đoạn sinh sản, đốt người và vật nuôi mọi nơi mọi lúc. Sau khi ăn no, A.arabiensis lập tức bay xa, tìm nơi an toàn dưỡng trứng và sinh đẻ, khiến việc tìm diệt trở nên khó khăn.
Ngoài nguồn muỗi tự nhiên, các phòng thí nghiệm côn trùng cũng đẩy mạnh nhân giống và nuôi muỗi làm vật thí nghiệm.
Rwanda quyết tâm tiêu diệt bằng sạch các mầm mống bệnh tật do bị muỗi đốt.
Có điều trong bối cảnh Covid-19 hiện nay, nguồn tài trợ cho công tác nghiên cứu muỗi trên toàn cầu đang bị đình trệ và phân tán.
WHO rất lo lắng bởi những năm gần đây, tỷ lệ người bị bệnh sốt rét đang có chiều hướng tái gia tăng.