Nghe câu chuyện này, có lẽ các bà nội trợ Việt sẽ thay đổi tư duy túi nylon

Trương Anh Ngọc |

Tự dưng rùng mình nhớ tới một vụ tai nạn cách đây không lâu mà mình được chứng kiến trên phố. Khi mình đi qua đó, đường không đi được. Có một vũng máu trên đường, bên cạnh là cái xe máy đổ ra, mấy túi nylon đựng thịt và cá xổ tung ra, vương vãi trên đường...

Hơn 150 năm trước, có lẽ người phát minh ra túi nylon - nhà hóa học Anh Alexander Parkes không thể hình dung được "con đẻ" của mình lại trở thành một vật dụng không thể thiếu với con người hiện đại như bây giờ.

Người tiêu dùng trên toàn thế giới nhanh chóng nhận ra đó là phương thức đóng gói hàng hoá phổ biến nhất. Túi nylon giá rẻ hơn, mỏng nhẹ và bền dai hơn túi giấy và những chất liệu khác. Tuy nhiên, thói quen lạm dụng túi nylon đã vô tình gây hại đến sức khỏe con người và môi trường sống.

Nếu như trước đây, các bà nội trợ Việt thường xách theo những chiếc túi cói, làn nhựa để đựng thực phẩm, rau xanh, hoa quả thì dường như hình ảnh đó hiện nay rất hiếm. Thay thế chiếc làn là những chiếc túi nylon đủ mọi kích cỡ, màu sắc, nhỏ gọn và tiện lợi.

Với người tiêu dùng, việc sử dụng túi nylon đã trở nên quá phố biến, rất khó bỏ. Ngay cả khi dùng làn đi chợ, tuy có bớt được vài chiếc túi, nhiều người, vì thói quen vẫn phải dùng nylon để phân loại thực phẩm chín và sống.

Với người kinh doanh, túi nylon có giá thành thấp nên họ sử dụng rất thoải mái, thậm chí, có người còn lạm dụng túi nylon, ví như, khi bán cá, sau khi được mổ sẵn tại chợ, thay vì dùng 1 túi, người ta sẽ dùng 2 túi vì sợ tanh và vấy bẩn lên quần áo.

Đương nhiên, ít người thực sự suy nghĩ đều đó nghiêm trọng tới mức nào. Chia sẻ dưới đây của nhà báo Trương Anh Ngọc thể hiện quan điểm cá nhân của anh về vấn đề này sẽ khiến bạn phải tư duy lại về một vấn đề ngỡ như rất nhỏ: túi nylon.

Người phụ nữ đứng tuổi gắt lên với nhân viên thu ngân: "Tôi đã bảo phải cho tôi thêm mấy cái túi nylon thật to nữa cơ mà. Tôi mua nhiều chai thế này, mấy cái túi mỏng thế này bục đít thì sao". Cô thu ngân đưa cho bà một cái túi, nhưng vẫn bảo, "bác mua nhiều quá, túi nylon không đủ đâu". Người phụ nữ tiếp tục mắng cô thu ngân, nhiếc cô là "keo kiệt".

 Nghe câu chuyện này, có lẽ các bà nội trợ Việt sẽ thay đổi tư duy túi nylon - Ảnh 1.

Mình thấy ái ngại cho cô này, bèn nói với người phụ nữ đang lên gân lên cốt, rằng tốt nhất là lần sau cô đi chợ nên mang theo cái túi dứa để đựng chỗ đồ nói trên, vì bao nhiêu túi nylon cũng chẳng đủ. Bà ta nhìn mình từ đầu đến chân, nhìn cái túi dứa đi chợ đặt gọn ghẽ dưới chân mình, chẳng nói chẳng rằng, xách cái túi nylon nặng đi khỏi siêu thị.

Cái cảnh đi chợ ở mình nó tội, ở chỗ, người ta gói đủ thứ vào các túi nylon rẻ tiền và thứ cấp, để rồi các bà các cô mỗi tay vài cái túi nhìn trông rất vướng víu, chưa nói đến việc một cái ghi đông xe mắc túi nylon to nylon nhỏ, nhét nào rau nào thịt, hoa quả, thêm đứa trẻ ngồi sau nữa thì vô cùng nguy hiểm khi đi lại.

Nhưng cái tư duy túi nylon đến thời siêu thị thì dường như vẫn chưa mất đi, khi các bà các cô vẫn túi nọ túi kia, và các cô thu ngân, giống như một cái máy, luôn làm hài lòng nhu cầu túi nylon của họ bằng việc nhét các thứ họ mua vào đó sau khi đã thanh toán.

Mỗi bà mỗi cô sau khi mua bán xong phải 5, 6 túi chứ không ít, và thử tưởng tượng xem chỉ một thành phố chục triệu dân mỗi ngày đã dùng và sau đó vứt đi hàng biết bao nhiêu là túi nylon, thứ cực kỳ có hại cho môi trường, bởi vì chúng không phân hủy.

Và ai biết, các cái túi nylon rẻ tiền ấy có những chất độc nào vẫn còn ẩn chứa trong nó, có thể ảnh hưởng đến chính rau, thịt và nhiều thứ khác người ta đựng nó.

Nhưng thói quen theo hướng mà người ta gọi là sự "thuận tiện" (bất kể nó lỉnh kỉnh và vướng víu thế nào) đã khiến nhiều người thành nô lệ của túi nylon và không quan tâm đến chuyện môi trường cũng như tác hại của túi nylon với chính thứ mà nó đựng.

 Nghe câu chuyện này, có lẽ các bà nội trợ Việt sẽ thay đổi tư duy túi nylon - Ảnh 2.

Có lần một cô thu ngân bảo mình rằng, các bà các cô xin nhiều túi nylon với một lý do nữa: họ cần túi đựng rác. Nghe thật kỳ quặc, nhưng đấy là sự thật, dù trong các siêu thị bây giờ đã bán các thùng rác đủ loại kích cỡ và các túi đựng rác đi kèm. Hóa ra, để đến văn minh còn phải đi một chặng dài nữa mới tới.

Ở siêu thị các nước Châu Âu, người ta cực hạn chế đựng các thứ bằng túi nylon và khách hàng phải trả tiền để có túi đựng bằng nylon có thể phân hủy. Họ khuyến khích người dân mua các túi dứa để đựng hàng.

Nhà mình cũng mua mấy cái, được tặng thêm mấy cái và mang về dùng ở siêu thị tại Việt Nam. Cứ mua xong là cho vào đó, rồi để vào chỗ để chân của xe Vespa và chở về nhà.

 Nghe câu chuyện này, có lẽ các bà nội trợ Việt sẽ thay đổi tư duy túi nylon - Ảnh 3.

Điều này đối với nhiều bà nhiều cô là không tưởng, bởi họ thường đi chợ một mình, không thể xách được túi đồ nặng khi không có đàn ông đi cùng. Thế là họ chọn cách đánh du kích: cứ túi nylon to nhỏ mà xài, tay này vài túi, tay kia vài túi, cũng chẳng nhẹ được là bao.

Tự dưng rùng mình nhớ tới một vụ tai nạn cách đây không lâu mà mình được chứng kiến trên phố. Khi mình đi qua đó, đường không đi được. Có một vũng máu trên đường, bên cạnh là cái xe máy đổ ra, mấy túi nylon đựng thịt và cá xổ tung ra, vương vãi trên đường.

Nạn nhân đã được đưa đi cấp cứu. Một người dân nói rằng, túi nylon trên xe người phụ nữ bị đứt, đồ rơi ra, khiến cô ấy bị bất ngờ, loạng choạng và ngã xe, đúng lúc một chiếc ô tô lao tới.

Đã có ai đó chờ cô ở nhà. Đã có ai đó mong cô về nấu cho họ bữa ăn. Đã có thể là một bữa tối đầm ấm bên gia đình...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại