Nghệ An được có tối đa 5 phó chủ tịch tỉnh

Văn Duẩn - Huy Thanh |

Sáng 26-6, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về bổ sung thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An và Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng.

Theo nghị quyết, UBND tỉnh Nghệ An sẽ có tối đa 5 phó chủ tịch. Riêng với TP Vinh, UBND thành phố có tối đa 4 phó chủ tịch; HĐND thành phố được thành lập 3 ban, gồm: Ban Pháp chế, Ban Kinh tế-Ngân sách, Ban Văn hóa-Xã hội, đồng thời có tối đa 2 phó chủ tịch và tối đa 8 đại biểu hoạt động chuyên trách.

Nghệ An được có tối đa 5 phó chủ tịch tỉnh- Ảnh 1.

Các đại biểu Quốc hội tại phiên họp sáng 26-5. Ảnh: Phạm Thắng

Việc bổ sung 1 phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An để phụ trách chuyên về địa bàn vùng miền núi sẽ đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công việc.

Tương tự, việc tăng tổ chức, biên chế và số lượng phó chủ tịch UBND TP Vinh được UBND tỉnh căn cứ yêu cầu phát triển của thành phố khi mở rộng (nhập thị xã Cửa Lò và một số xã của huyện Nghi Lộc). Thời gian qua, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã ban hành nhiều quy định phân cấp, ủy quyền cho các địa phương, nhất là TP Vinh.

Vì vậy, việc đề xuất chính sách tăng tổ chức, biên chế và số lượng Phó chủ tịch UBND TP Vinh là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện chủ trương phân cấp, phân quyền cho thành phố này nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển.

Theo nghị quyết, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được sử dụng ngân sách cấp mình để hỗ trợ tỉnh Nghệ An thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh đối với các địa bàn, nhiệm vụ cụ thể. Trường hợp hỗ trợ chung cho tỉnh Nghệ An thì việc phân bổ cho các địa bàn, nhiệm vụ cụ thể do HĐND tỉnh quyết định, trong đó, ưu tiên cho huyện Nam Đàn và địa bàn miền tây Nghệ An.

Ngoài ra, HĐND tỉnh Nghệ An còn được quyết định áp dụng trên địa bàn các loại phí, lệ phí chưa được quy định trong danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo luật Phí và lệ phí.

Đồng thời, điều chỉnh mức hoặc tỉ lệ thu phí, lệ phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí, lệ phí được quy định trong danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo luật Phí và lệ phí, trừ án phí, lệ phí tòa án và các loại phí thuộc nguồn thu của ngân sách Trung ương hưởng 100%.

Ngân sách tỉnh Nghệ An sẽ được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách phí, lệ phí để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội và các nhiệm vụ chi khác thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách tỉnh; các khoản thu này không dùng để xác định số bổ sung cân đối từ ngân sách Tung ương cho ngân sách tỉnh.

Nghị quyết của Quốc hội cũng quy định UBND tỉnh Nghệ An được chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp; dự án đầu tư xây dựng bến cảng, khu bến cảng có quy mô vốn đầu tư từ 2.300 tỉ đồng trở lên thuộc cảng biển loại I.

Ngoài các lĩnh vực đầu tư theo phương thức đối tác công tư quy định tại luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, tỉnh Nghệ An được áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công tư đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực thể thao, văn hóa.

Quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP trong lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, thể thao, văn hóa do HĐND tỉnh quy định.

HĐND tỉnh Nghệ An được xem xét, quyết định việc tăng tỉ lệ vốn nhà nước tham gia không quá 70% tổng mức đầu tư đối với các dự án PPP có chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng chiếm tỉ trọng lớn hơn 50% tổng mức đầu tư của dự án và phương án tài chính sơ bộ của dự án PPP không bảo đảm khả năng hoàn vốn; các dự án trong lĩnh vực thể thao, văn hóa; các dự án thực hiện trên địa bàn miền tây Nghệ An.

Còn với Đà Nẵng, một trong những chính sách nổi bật tại nghị quyết, đó là việc thành lập khu thương mại tự do Đà Nẵng. Theo nghị quyết, khu thương mại tự do Đà Nẵng sẽ được thành lập gắn với Cảng biển Liên Chiểu. Thủ tướng là người có thẩm quyền quyết định thành lập, điều chỉnh, mở rộng ranh giới Khu thương mại tự do Đà Nẵng.

Các khu chức năng thuộc Khu thương mại tự do Đà Nẵng được ngăn cách với khu vực bên ngoài bằng hàng rào cứng, bảo đảm hoạt động kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan của cơ quan hải quan và hoạt động quản lý nhà nước theo lĩnh vực tương ứng của các cơ quan có liên quan.

Quan hệ mua bán, trao đổi hàng hóa giữa khu chức năng thuộc Khu thương mại tự do Đà Nẵng với khu vực bên ngoài là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định của pháp luật Việt Nam về hải quan, thuế và xuất khẩu, nhập khẩu.

Khu thương mại tự do Đà Nẵng sẽ được áp dụng hàng loạt chính sách ưu đãi đầu tư. Trong đó, thời hạn hoạt động của dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng các khu chức năng thuộc Khu thương mại tự do Đà Nẵng, dự án của nhà đầu tư thuê lại đất tại Khu thương mại tự do Đà Nẵng được áp dụng như dự án đầu tư trong khu kinh tế theo quy định của pháp luật về đầu tư.

Nhà đầu tư nước ngoài thành lập tổ chức kinh tế tại Khu thương mại tự do Đà Nẵng không phải có dự án đầu tư và không phải thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trước khi thành lập tổ chức kinh tế.

Mức ưu đãi, thời gian miễn, giảm tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế đối với hàng hóa, dịch vụ… được áp dụng như ưu đãi đối với dự án đầu tư trong khu kinh tế theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, doanh nghiệp có dự án đầu tư trong các khu chức năng thuộc Khu thương mại tự do Đà Nẵng được hưởng chế độ ưu tiên theo quy định của pháp luật về hải quan đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu tại địa bàn thành phố khi đáp ứng các điều kiện áp dụng chế độ ưu tiên theo quy định của pháp luật về hải quan, thuế, tài chính và pháp luật có liên quan, trừ điều kiện về kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại