Ngày 7/11, nước lũ vẫn đang bao vây các tỉnh miền Trung như Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam. Hàng chục nghìn ngôi nhà ở ba địa phương trên vẫn đang ngập nước.
Tại Đà Nẵng, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố cho biết, đến sáng 7/11, huyện Hòa Vang có 9/11 xã (72/119 thôn) bị ngập với tổng số hộ dân bị ngập là 7.569 hộ.
Các địa phương đã sơ tán 319 hộ dân bị ngập sâu (chủ yếu ở huyện Hòa Vang) và người dân chủ động thực hiện phương châm "4 tại chỗ", tự di dời sang nhà người thân quen ở khu vực cao hơn để tránh lũ.
Về giao thông, còn nhiều tuyến đường liên xã bị chia cắt như: ĐT.601, ĐH2, ĐH409. Các tuyến đường liên thôn, liên xã ở 7 xã: Hòa Châu, Hòa Tiến, Hòa Phước, Hòa Phong, Hòa Khương, Hòa Nhơn, Hòa Liên bị chia cắt hoàn toàn.
Người dân ở xã Hòa Phong (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) bơi thuyền trên đường. Nước ngập sâu khiến nhiều hộ dân bên trong hết lương thực. Những người đàn ông đang chèo thuyền ra Quốc lộ 1A để tìm mua lương thực.
Những ngôi nhà ở xã Hòa Phong vẫn ngập sâu hơn 1m. Đời sống của người dân hoàn toàn đảo lộn vì nước rút chậm. Theo bà con nơi đây, đợt lũ này nước rút chậm hơn so với bình thường do mưa lớn kéo dài và thủy điện ở vùng thượng lưu vẫn đang xả lũ.
Tài sản của người dân ở xã Hòa Phong trôi dạt do bị nước lũ cuốn trôi. Nhiều gia đình vẫn đang lo sợ nước sâu nên không dám lội nước ra vớt vào.
Tại tỉnh Quảng Nam, nước lũ ở Hội An đã rút nhưng vẫn đang ở mức báo động 3. Trong khi đó, xã Đại Hòa, Đại Hồng, Đại An (huyện Đại Lộc) vẫn bị chia cắt.
Huyện Bắc Trà My tỉnh Quảng Nam hiện đang là địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất trong đợt mưa lũ. Hiện địa phương này đã có hơn 10 người chết và mất tích do bị lũ cuốn và sạt lở đất.
Mới nhất, vào rạng sáng 7/11, một quả núi ở thôn 5, xã Trà Bui bất ngờ đổ sập xuống vùi lấp 10 ngôi nhà dân. Thông tin ban đầu hiện chưa xác định được thương vong nào về người.
Trước đó, toàn bộ người dân sinh sống ở đây đã được UBND huyện vận động di chuyển sang nơi khác. Nếu không kịp di chuyển thì ít nhất sẽ có 60 người bị vùi lấp trong vụ sạt lở kinh hoàng này.
Ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, cho biết đang cùng lực lượng chức năng tiếp cận hiện trường bằng đường thủy do xã Trà Bui bị cô lập hoàn toàn.
Nước lũ tại xã Đại An (huyện Đại Lộc) vẫn đang ở mức rất cao. Đây là địa phương thuộc vùng thấp trũng và bị ngập sớm. Tuy nhiên, suốt 3 ngày qua nước lũ bao vây liên tục khiến người dân cạn kiệt lương thực.
Cán bộ huyện Đại Lộc đi thuyền đưa mỳ tôm đến cứu trợ cho bà con. Người dân vùng lũ cũng hỗ trợ nhau từng gói mỳ để cùng vượt qua khó khăn những ngày mưa lũ. Thuyền của huyện Đại Lộc không thể đi vào từng ngõ xóm nên một người dân sẽ nhận nhiều phần để về chia lại cho bà con.
Những ngôi nhà chìm sâu trong nước lũ ở xã Đại Hòa. Bà con cho biết mức nước lũ này còn cách đỉnh lũ lịch sử năm 1999 khoảng 0,5m.
>> Xem thêm clip: Ngập lụt ở phố cổ Hội An
Ngập lụt ở phố cổ Hội An