Ngày Thầy thuốc Việt Nam, nhớ người thầy "cứu tinh" của nhiều bệnh nhân tâm thần

GS.TS. BSCC Cao Tiến Đức (chủ nhiệm bộ môn Tâm thần và Tâm lý Y học, Khoa Tâm thần, Bệnh viện 103, Hà Nội) |

Thầy Chi luôn dạy chúng tôi, phải tôn trọng người bệnh, phải thương yêu quý mến người bệnh, coi họ như người thân.

Kỷ niệm không quên về khoa A6

Năm 1981, tôi thực tập lâm sàng 2 tuần ở khoa A6 bệnh viện quân y 103. Thời gian tuy không nhiều nhưng đã để lại cho tôi nhiều kỷ niệm, nhiều ấn tượng sâu sắc. Đặc biệt về sự dẫn dắt, lãnh đạo của một người thầy, vị bác sĩ chủ nhiệm hết lòng vì người bệnh, vì học sinh thân yêu!

Người bệnh ở đây cũng là những con người bình thường như bất kỳ ai trong chúng ta. Khi đó, dù chiến tranh đã lùi xa, nhưng tôi vẫn gặp nhiều thương binh, bệnh binh đi ra từ chiến trường. Cuộc chiến khốc liệt ở các mặt trận, sự gian khổ, thiếu thốn, sốt rét, chất độc hoá học... đã khiến họ bị tiêu hao nhiều sức lực.

Để giành lại hoà bình cho tổ quốc họ đã để lại cả một phần xương máu nơi chiến trường. Và đi theo họ về với cuộc sống đời thường không chỉ là bệnh tật và những vết thương có thể nhìn thấy được.

Nơi đây, họ là những người bệnh đặc biệt bên cạnh những người bệnh nhân khác. Đó là những em bé, những cụ già, những học sinh sinh viên, nhưng người công nhân, nông dân, có cả trí thức cùng cán bộ chiến sỹ quân đội.

Ngày Thầy thuốc Việt Nam, nhớ người thầy cứu tinh của nhiều bệnh nhân tâm thần - Ảnh 1.

Cố PGS Lê Hải Chi đứng bên trái chụp ảnh cùng GS. Cao Tiến Đức.

Gọi là những người bệnh "đặc biệt" vì họ có cảm xúc, tình cảm, tư duy, hành vi... không bình thường. Đôi khi họ mất kiểm soát và trở nên nguy hiểm cho bản thân, gia đình và xã hội.

Khi đó khoa A6 còn lụp xụp, cơ sở vật chất, thuốc men vô cùng thiếu thốn. Điều đáng nói là hiểu biết của xã hội về căn bệnh tâm thần thời điểm đó vẫn còn hạn chế dẫn đến sự coi thường, miệt thị, đối xử không công bằng với người bệnh.

Người ta cho rằng bệnh là do thần linh, ma quỷ... gây ra vì vậy đa số người bệnh không được đưa đến viện mà gia đình đưa họ đi chùa, đi cúng, đi giải hạn... Hầu hết các cơ sở tâm thần trong cả nước khi đó còn giam  giữ người bệnh, cách ly người bệnh với xà hội bên ngoài.

Người thầy "đặc biệt"

Ở khoa A6 do thầy PGS. TS Lê Hải Chi làm chủ nhiệm bộ môn - khoa, đã có bước phát triển rất lớn. Thầy đã áp dụng mô hình tiên tiến của thế giới - mô hình cửa mở có quản lý vào khoa A6.

Các xà lim, các buồng giam giữ bị phá đi, thay vào đó là buồng bệnh thoáng mát, mở cửa. Trong môi trường điều trị rất tuyệt vời, với vườn đầy hoa, cây cảnh, cây ăn trái...

Người bệnh không chỉ được thăm khám, được đều trị bằng thuốc, các liệu pháp khác như sốc điện, sốc insulin, bơm khí não, liệu pháp tâm lý cũng được sử dụng. Họ được tham gia tập thể dục, thể thao như bóng chuyền, bóng bàn.

Thầy Chi cùng BS Nguyễn Thọ đã phát triển liệu pháp âm nhạc rất mạnh mẽ, bệnh nhân được múa, được hát được diễn kịch, được thưởng thức những chương  trình văn nghệ do các nghệ sỹ lớn như NSND Quý Dương, Lê Dung, Thu Hiền, Doãn Tần, Nghệ sỹ Tôn Thất Chiêm, Nhạc sỹ Vũ Trọng Hối... biểu diễn.

Người bệnh tham gia vẽ tranh, nặn đồ gốm, dệt chiếu, may vá quần áo, trồng hoa... Thầy Chi luôn dạy chúng tôi, phải tôn trọng người bệnh, phải thương yêu quý mến người bệnh, coi họ như người thân. Hàng tuần thầy đưa chúng tôi đi điểm bệnh, giảng cho chúng tôi từng triệu chứng trên người bệnh.

Ngày Thầy thuốc Việt Nam, nhớ người thầy cứu tinh của nhiều bệnh nhân tâm thần - Ảnh 2.

GS. Cao Tiến Đức chụp ảnh cùng học trò.

Thầy còn dạy sinh viên chúng tôi phương pháp nghiên cứu khoa học, chúng tôi có được những bài tập nghiên cứu, những buổi sinh hoạt khoa học rất bổ ích.

Sau kỳ thực tập ở A6, tôi luôn nghĩ về người bệnh tâm thần, hình ảnh thầy Chi, các bác sỹ, nhân viên và những gì tôi đã gặp ở A6. Tôi bắt đầu mơ ước được làm bác sỹ chuyên ngành tâm thần.

Dịp may đã đến với tôi, khi A6 có chỉ tiêu nhận thêm bác sỹ, thầy Chi đã nhớ đến tôi như là một học trò chăm chỉ, ngoan ngoãn đã từng đi học ở khoa thầy. Trước khi thi tốt nghiệp, thầy đã gọi tôi đến và hỏi có muốn về A6 công tác hay không?

Tôi rất phấn khởi, vui mùng, tôi cảm ơn và xin nhận lời thầy. Để về A6, tôi phải cố gắng nhiều hơn, phải thi tốt nghiệp đạt kết quả tốt. Năm 1982, ước mơ của tôi đã trở thành hiện thực, tôi trở thành bác sỹ của khoa A6.

Được sự giúp đỡ và tận tình chỉ bảo của thầy Chi, thầy Ngân, thầy Tản, thầy Thọ, các thầy cô ở bệnh viện 103, HVQY cùng các thầy trong ngành tâm thần học Việt Nam, 36 năm qua tôi luôn học tập, phấn đấu liên tục và đóng góp sức lực của mình cho sự phát triển của bộ môn tâm thần HVQY.

Năm 1988, khi đến tuổi nghỉ hưu, thầy Chi đã đi làm chuyên gia ở Angola. Với kiến thức y học sâu rộng, vốn ngoại ngữ phong phú (sử dụng thành thạo 5 ngoại ngữ), thầy đã từng làm viện trưởng viện QY 6 đã giúp nhiều cho sự phục vụ sức khỏe của nhân dân Angola.

Dù những năm cuối đời, sức khỏe của thầy đã rất yếu (thầy bị đột quỵ não 2 lần) nhưng thầy vẫn tiếp tục cống hiến sức lực của mình cho sự nghiệp y tế Angola.

Năm 2012, thầy đã trút hơi thở cuối cùng ở thủ đô Luanda. Sau đó thi thể của thầy được đưa về Hà Nội. Bệnh viện Quân y 103 cùng gia đình đã tổ chức lễ tang thầy rất trang trọng và vô cùng xúc động.

Giờ đây thầy Chi đã đi xa, tôi luôn nhớ về thầy, một người thầy mẫu mực,  rất tài năng và rất tâm huyết. Thầy luôn hết lòng thương yêu người bệnh, hết lòng vì học sinh thân yêu.

Ngành tâm thần học giờ đã có nhiều tiến bộ, nhưng còn nhiều khó khăn trong khám và điều trị bệnh lý tâm thần, khi mà các giá trị thật giả lẫn lộn, khi mà vấn đề tệ nạn xã hội tăng quá nhanh như nghiện chất: rượu, bia, ma tuý, nghiện hành vi: game (Playing internet), cờ bạc...

Noi gương thầy, tôi vẫn mong ước tiếp tục cống hiến cho ngành tâm thần học. Nếu bây giờ được chọn lại nghề, nhất định tôi vẫn chọn nghề đặc biệt này!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại