Bệnh nhân tăng nhiều
PGS Ngọc cho biết, năm nào Tết xong người bệnh vào viện vì các bệnh lý gan mật cũng tăng lên đặc biệt là tăng men gan. Ước tính bệnh nhân tới khám sau Tết tăng lên tới 1,5 lần.
Ngày Tết, nhu cầu bia rượu rất lớn gấp 3 - 4 lần ngày thường, PGS Ngọc nhớ Tết 2019, bác sĩ gặp 3 - 4 bệnh nhân chỉ ngày đầu tiên đi làm đã tìm tới bác sĩ với triệu chứng men gan tăng cao, bilirubin tăng cao khiến bệnh nhân vàng da, vàng mắt, ngứa, mọc mụn.
Đặc biệt có những bệnh nhân trong cả Tết suốt ngày uống rượu cuốc lủi vì nghĩ rượu tự nấu tốt, an toàn, nhưng thực tế nó vẫn tàn phá rượu bia như thường.
Hay có bệnh nhân tới khám xét nghiệm AST, ALT chỉ số tăng men gan tăng cao lên tới hàng nghìn UI/L, đây là chỉ số cảnh báo tế bào gan hủy hoại, gan đang bị nhiễm độc nặng.
PGS Ngọc cho biết, bình thường trong các cơ quan tiêu hóa của cơ thể, gan là một cơ quan chống độc của cơ thể, mọi chất độc khi vào cơ thể đều được xử lý ở gan. Tế bào gan luôn chịu tác động của những tác nhân độc hại.
Khi tế bào gan chết đi do quá trình lão hóa thì có một lượng men gan được phóng thích vào máu ở nồng độ dưới 40UI/L (chỉ số này gần như cố định ở người bình thường). Men gan bình thường có các chỉ số sau: AST: 20 – 40 UI/L, ALT: 20 – 40 UI/L, GGT: 20 – 40UI/L, Phosphatase kiềm: 30 – 110 UI/L. Khi cao hơn các chỉ số này gọi là men gan cao.
PGS Ngọc chia sẻ, men gan cao phản ánh tình trạng tế bào gan đang bị tổn thương, gan đang bị viêm. Nếu người bệnh không biết vẫn cứ uống rượu, bia thì sẽ rất nguy hiểm vì lượng acetaldehyt là chất độc được sản sinh ra khi sử dụng bia rượu sẽ phá hủy tế bào gan rất mạnh, có thể tế bào gan bị hủy hoại hàng loạt gây viêm gan cấp, hôn mê gan, nguy hiểm đến tính mạng.
Mặt khác, men gan cao nếu không được điều trị sẽ dẫn đến viêm gan mãn, xơ gan, thậm chí gây ung thư gan.
Cách thải độc gan
PGS Ngọc cho rằng, không chỉ bia rượu "đánh" lá gan ngày Tết, người dân có thói Tết chỉ ăn thịt, các chất đạm mà quên rau xanh, trái cây. Điều này dẫn tới sức làm việc của gan cũng nặng hơn bình thường rất nhiều.
PGS Ngọc khuyến cáo về bảo vệ lá gan ngày Tết
Chính vì thế, để chăm sóc lá gan ngày Tết, ngoài việc giảm bia rượu, lắng nghe hoạt động của lá gan thì người dân nên tăng cường ăn các thực phẩm tốt như rau xanh, trái cây. Hạn chế các loại thịt đặc biệt các loại thức ăn chiên rán, chế biến sẵn, thực phẩm bảo quản.
Khi có dấu hiệu nóng trong người, ngứa, phát ban, mắt vàng, da vàng có thể là triệu chứng cảnh báo lá gan của bạn đang quá tải trong ngày Tết.
PGS Ngọc khuyến cáo nên "thủ sẵn" một vài loại thuốc có thành phần hỗ trợ giải độc cho gan và tăng cường sử dụng các loại rau, củ quả, nước ép rau quả. Uống nhiều nước lọc để gan tự thải độc.
Ngoài ra, có thể bổ sung các thực phẩm giàu vitamin A (sữa bò, gan động vật, cà rốt, hẹ, tỏi tây, bắp cải), vitamin B1 (giá, hoa quả, đậu, lạc, rau xanh), vitamin B2 (hạt kê, đậu nành, trứng, sữa), các thực phẩm chứa nhiều protein (thịt nạc, cá).
Với bệnh nhân đã mắc các bệnh lý gan mật như viêm gan vi rút, xơ gan cẩn tuyệt đối kiêng rượu, bia và các đồ uống có cồn, không hút thuốc lá, thuốc lào, không ăn da, mỡ động vật, các thực phẩm chứa nhiều đường, nhiều dầu mỡ, tránh các gia vị cay nóng.
Trường hợp thấy dấu hiệu mẩn ngứa, đi tiểu nước vàng sậm thì nhanh chóng hết kỳ nghỉ Tết cần tới bệnh viện để xét nghiệm và thăm dò chức năng gan. Tránh các trường hợp đáng tiếc bởi men gan tăng chính là khi lá gan đang bị hủy hoại âm thầm mà chính chủ nhân của nó cũng không biết.
Các mức độ theo chỉ số. Bình thường nếu chỉ số men gan thường tăng dưới 100 U/L ( nhỏ hơn 2 lần chỉ số bình thường), dấu hiệu tăng men gan nhẹ. Mức độ tăng men gan trung bình khi chỉ số men gan thường tăng trong khoảng từ 2-10 lần so với mức bình thường.
Nếu chỉ số men gan tăng cao hơn gấp 10 lần so với mức bình thường là bị tăng men gan nặng cần phải điều trị bằng các thuốc hỗ trợ tế bào gan.