BS Trần Văn Đào, Khoa Nhi (Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng) cho biết, rối loạn tiêu hóa là một trong những bệnh rất hay gặp trong dịp Tết Nguyên đán.
Nguyên nhân là do thói quen sinh hoạt thất thường và do thức ăn có thể chưa đảm bảo an toàn.
Theo BS Trần Văn Đào, để chuẩn bị cho những ngày nghỉ Tết, nhiều bà nội trợ thường có thói quen “chất” đầy thực phẩm trong tủ lạnh để dùng dần. Điều này dẫn tới nguy cơ thực phẩm tươi sống có thể bị nhiễm khuẩn trong khi bảo quản.
Ngoài ra, việc đồ ăn từ bữa này lưu cữ sang bữa khác cũng thường diễn ra trong những ngày Tết. Nếu không được xử lý đúng cách, những loại đồ ăn này có thể gây hại đến hệ tiêu hóa.
Mặt khác, một số loại thực phẩm thường thấy trong mâm cỗ ngày Tết như thịt lợn, giò, chả; măng khô, miến hay các loại mứt Tết cũng tiềm ẩn nguy cơ trở thành “thủ phạm” gây hại cho cơ thể.
Chẳng hạn, đối với thịt lợn, giò chả nguy cơ bị tẩm hàn the là rất cao. Trong khi đó, các nghiên cứu chỉ ra rằng, hàn the khi vào cơ thể sẽ không bị thải loại hoàn toàn mà nó có khả năng tích tụ lên đến 15% lượng tiếp nhận vào cơ thể.
Điều này về lâu dài sẽ gây ngộ độc mãn tính, dần dần làm suy thận, suy gan dẫn đến tình trạng da xanh xao, biếng ăn, cơ thể suy nhược. Thậm chí còn làm teo tinh hoàn, vô sinh hoặc các tai biến hệ tiêu hóa đối với người sử dụng nhiều.
Cần có thói quen ăn uống khoa học và tránh xa những thực phẩm "nhiễm độc" để đảm bảo sức khỏe dịp Tết. Ảnh minh họa
Các thực phẩm khô như măng, miến lại có nguy cơ chứa nhiều lưu huỳnh, một loại hóa chất bị lạm dụng trong quá trình sấy khô măng để chống ẩm mốc, tạo màu đẹp.
Nếu lượng lưu huỳnh tích tụ lâu trong cơ thể sẽ gây ra các tổn thương về thần kinh, tuần hoàn và làm ảnh hưởng đến tim mạch, thị lực, sinh sản, não bộ cho người sử dụng.
Một món ăn có tác dụng chống ngấy, không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết đối với nhiều gia đình là dưa, hành, cà muối.
Tuy nhiên, không nên quá lạm dụng ăn nhiều loại thực phẩm lên men này, sẽ không tốt cho đường tiêu hóa nhất là những người bị viêm loét dạ dày hoặc hay gặp các vấn đề về đường ruột.
Bên cạnh đó, ngày Tết, cũng nên hạn chế chọn các loại mứt Tết, ô mai màu sắc lòe loẹt vì rất có thể chúng đã bị “nhuộm các loại hóa chất như: chất bảo quản, chất tạo ngọt, chất tẩy nấm mốc, chất tẩy…
Để đảm bảo sức khỏe dịp nghỉ Tết, ThS.BS Lê Thị Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm Khám và Tư vấn dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) tư vấn, ngày Tết, các món ăn thường tràn ngập thịt thà, rượu bia, vừa gây ngán, vừa không tốt cho sức khỏe.
Để cân bằng, các bà nội trợ nên lưu ý mua nhiều rau xanh, quả chín, tránh tình trạng ăn quá nhiều thịt, tinh bột, hạn chế đun đi đun lại thức ăn.
Các loại rau củ như: bắp cải, súp lơ, cà chua, dưa chuột, bí, su hào, cà rốt... là nguồn chất xơ và vitamin rất tốt.
Bên cạnh đó, thành phần vitamin C trong chanh tươi rất tốt cho hệ tiêu hóa. Do đó, uống một cốc nước chanh pha loãng mỗi ngày sẽ giúp hạn chế bị đầy hơi, chướng bụng trong những bữa cơm ngày Tết.
Riêng đối với trẻ nhỏ, ThS.BS Đỗ Thiện Hải, Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi Trung ương) khuyến cáo, bánh kẹo, các loại mứt Tết, các loại hạt như hướng dương, hạt dưa... là những loại đồ ăn “khoái khẩu” đối với trẻ nhỏ.
Tuy nhiên, đây chính là thủ phạm hàng đầu khiến trẻ nhỏ có nguy cơ bị sâu răng, tăng lượng đường trong máu, bị hóc hạt hay rối loạn tiêu hóa trong dịp Tết.
Tốt nhất không nên hoặc hạn chế cho trẻ ăn các loại hạt có đường kính nhỏ hơn 2cm, đặc biệt là các loại hạt cứng, có vỏ. Ngoài ra, những hạt này có thể gây ho, không tốt cho sức khỏe của trẻ.
Bên cạnh đó, theo BS Đỗ Thiện Hải, ngày Tết, nhiều gia đình cho các bé uống thoải mái các loại nước ngọt có gas.
Trên thực tế, đa phần các loại nước ngọt đều được làm từ nước đường, mùi hương công nghiệp và chất bảo quản. Chúng có thể khiến bé bị đầy bụng và khó tiêu hóa.