Đối với ông bố 3 con Samuel Kopperoinen, việc sống ở đất nước hạnh phúc nhất thế giới giữa thời đại dịch Covid-19 không phải là kiểu hạnh phúc trong ngắn hạn.
Đó là mạng lưới an toàn xã hội và những hệ thống hỗ trợ khác mà đất nước của anh đã có từ trước khi đại dịch bùng phát.
Kopperoinen sống ở thủ đô Helsinki của Phần Lan, nơi được mệnh danh là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới trong năm thứ 3 liên tiếp, theo Báo cáo Hạnh phúc thế giới (World Happiness Report) - hay còn gọi là thước đo hạnh phúc - mới được công bố ngày hôm nay 20/3, cũng là ngày quốc tế Hạnh phúc.
Sau Phần Lan là các quốc gia Đan Mạch, Thụy Sĩ, Iceland và Na Uy.
Phần Lan được mệnh danh là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới trong năm thứ 3 liên tiếp.
Báo cáo này được công bố bởi cơ quan Mạng lưới Giải pháp phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (UN Sustainable Development Solutions Network) đúng ngày 20/3, Ngày Quốc tế Hạnh phúc hàng năm của Liên hợp quốc.
Các quốc gia được xếp hạng dựa vào 6 chỉ số hạnh phúc, bao gồm: thu nhập, tự do, tin tưởng, tuổi thọ, hỗ trợ xã hội và sự hào phóng.
Kopperoinen cho rằng: "Phần quan trọng của hạnh phúc chính là việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng đạt chất lượng tốt.
Người Phần Lan luôn tin tưởng rằng trong trường hợp mắc bệnh và bị khuyết tật, chúng tôi sẽ được điều trị và hỗ trợ tận tình.
Chúng tôi tin tưởng vào chất lượng và sự sẵn sàng của hệ thống y tế chăm sóc sức khỏe và đối với chúng tôi mạng lưới an sinh xã hội rất quan trọng.
Còn gì khó khăn hơn khi bị mất việc, bị bệnh hoặc con cái ốm đau, nhưng mạng lưới an sinh xã hội sẽ giúp chúng tôi giải quyết vấn đề".
Cảnh đẹp của đất nước Phần Lan.
Bên cạnh đó, không chỉ có việc chăm sóc sức khỏe mà chăm sóc trẻ em, hệ thống giáo dục và trợ cấp thất nghiệp cũng góp phần tạo nên một xã hội tốt đẹp, đặc biệt là trong thời kỳ bất ổn khi đại dịch Covid-19 đang lan rộng trên toàn cầu.
"Các đô thị và nhà thờ địa phương đang tổ chức giúp đỡ và viện trợ cho các thành viên của họ.
Ngoài ra còn có các dịch vụ được giới thiệu trên web, chẳng hạn như Nappi Naapuri - nơi mọi người có thể cung cấp thông tin và yêu cầu trợ giúp từ khu phố của họ", Kopperoinen nói.
Trở thành quốc gia hạnh phúc không hề đơn giản trong thời điểm Covid-19 tàn phá
Jeffrey Sachs, đồng tác giả báo cáo và giám đốc Viện Trái đất thuộc Đại học Columbia cho biết: "Giữa thời dịch bệnh như thế này thì hạnh phúc cũng chẳng thể cho bạn vaccine chống lại con virus corona được.
Các hệ thống y tế của các quốc gia cũng không thể tự đối phó được".
"Các biện pháp chính mà các chính phủ sẽ làm trong những tuần tới sẽ là cách ly, chỉ có cách ly mà thôi.
Ngoài ra còn phải phong tỏa, cân nhắc kỹ lưỡng và liên kết chặt chẽ, có hệ thống những phần quan trọng của đời sống kinh tế và xã hội", Sachs nói.
"Đó là một chế độ rất khó khăn, khó thực hiện và tuân theo, đồng thời đòi hỏi chi phí cao trong thời gian ngắn. Nhưng tất cả để tránh dẫn đến thảm họa cướp đi sinh mạng của nhiều người".
Xây dựng xã hội có sự tin cậy cao
Theo báo cáo Hạnh phúc thế giới: "Khi một đại dịch như Covid-19 tấn công sức khỏe và tác động đến cả thu nhập của cư dân của một đất nước nào đó, thì những cư dân của "một xã hội có sự tin cậy cao" sẽ tự nhiên tìm kiếm và tìm cách hợp tác để cùng nhau khắc phục thiệt hại và xây dựng lại cuộc sống tốt hơn.
Điều này đôi khi đã dẫn đến sự gia tăng đáng ngạc nhiên về chỉ số hạnh phúc".
"Lấy ví dụ đơn giản là việc những người hàng xóm giúp đỡ lẫn nhau.
Điều này mang lại cảm giác thân thuộc cao độ và niềm tự hào về những gì họ có thể đạt được bằng cách giảm thiểu thiệt hại. Những lợi ích này đôi khi đủ lớn để bù đắp cho những tổn thất về vật chất".
Ville Jäättelä - một giáo viên lịch sử và công dân Phần Lan hoàn toàn đồng ý với quan điểm này trong báo cáo Hạnh phúc thế giới năm 2020.
Jäättelä không nghĩ rằng chính phủ Phần Lan là hoàn hảo, nhưng nữ giáo viên ở Tampere này cho biết cô tin tưởng chính quyền sẽ nỗ lực hết mình trong cuộc khủng hoảng này.
"Có thể khi nhìn lại, người ta sẽ tìm thấy một số điều nên được thực hiện sớm hơn hoặc muộn hơn hoặc không nên làm.
Nhưng trong một cuộc khủng hoảng như thế này, họ phải vận hành với thông tin họ có và không ai nhìn thấy được tương lai.
Và không phải sự phát triển nào cũng có thể được ước tính với sự chắc chắn 100%. Vì vậy, tôi tin rằng các nhà chức trách và cả người dân sẽ cố gắng hết sức".
Giàu nhất chưa chắc đã hạnh phúc nhất
Ngay cả khi chưa có sự tác động của Covid-19, không một nền kinh tế lớn nhất thế giới nào lọt vào top 10 bảng xếp hạng các quốc gia hạnh phúc nhất thế giới.
Vương quốc Anh đứng ở vị trí thứ 13, tăng từ vị trí thứ 15 năm ngoái, trong khi Đức ở vị trí thứ 17 trong năm thứ hai liên tiếp.
Nhật Bản đứng ở vị trí thứ 62 (giảm từ vị trí 58); Nga đứng ở vị trí thứ 73 (giảm từ vị trí thứ 68); và Trung Quốc đứng ở vị trí thứ 94 (giảm từ vị trí thứ 93).
Một người mua sắm đang đứng nhìn các kệ trống tại một siêu thị vào ngày 14 tháng 3 tại Wassenaar, Hà Lan.
Trung tâm mua sắm này ở trung tâm thành phố Stockholm, Thụy Điển, như bị bỏ hoang vào ngày 17 tháng 3.
Người đi bộ băng qua cây cầu trên dòng sông Thames ở London vào ngày 17 tháng 3.
Và ở bảng xếp hạng những quốc gia kém hạnh phúc nhất, Afghanistan đứng ở vị trí số 1. Người dân nước này không hài lòng nhất với cuộc sống của họ, theo khảo sát từ 153 quốc gia.
Tiếp theo là Nam Sudan (vị trí thứ 152), Zimbabwe (vị trí thứ 151), Rwanda (vị trí thứ 150) và Trung Phi Cộng hòa (vị trí thứ 149).
Bhutan - bình tĩnh, an nhiên vượt qua đại dịch
Thực tế, Ngày Quốc tế Hạnh phúc được lấy từ ý tưởng từ Vương quốc Bhutan, quốc gia được đánh giá là có chỉ số hạnh phúc cao dựa trên các yếu tố như sức khỏe, tinh thần, giáo dục, môi trường, chất lượng quản lý, mức sống và chất lượng sống của người dân.
Năm 2011, Bhutan đã đề xuất Ngày Hạnh phúc Thế giới cho Liên Hợp Quốc, điều này khiến quốc tế chú ý đến hạnh phúc như một thước đo chất lượng cuộc sống.
Năm 2012, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tuyên bố ngày 20 tháng 3 là Ngày Quốc tế Hạnh phúc, công nhận "hạnh phúc là mục tiêu và khát vọng trong cuộc sống của con người trên khắp thế giới".
Sáng ngày 6 tháng 3, Bhutan thức dậy với tin tức về trường hợp dương tính đầu tiên với virus SARS-CoV-2 tại nước này.
Người ta cho rằng cặp vợ chồng người Đức bị cách ly trước đó đã có kết quả xét nghiệm dương tính, nhưng khi thông báo cho biết đó là một du khách người Mỹ 79 tuổi, dương tính với SARS-CoV-2.
Không quan trọng ai đã "dính chưởng" Covid-19, chỉ biết rằng Bhutan đã có trường hợp được xác nhận đầu tiên. Hiện tại, ít nhất 125 quốc gia trên thế giới đang chiến đấu với sự lây lan của Covid-19.
Đối với Bhutan, mối quan tâm lớn nhất chính là khu vực biên giới giáp với quốc gia láng giềng Ấn Độ. Nhưng tính đến nay, không có trường hợp dương tính nào được báo cáo từ khu vực Assam, Tây Bengal và Arunachal Pradesh.
Tác giả Bachu Phub Dorji viết trong một bài đăng trên tờ Straitstimes: "Chính sự tin tưởng giữa Quốc vương Druk Gyalpo và người dân là "viên đá nền tảng" cho những câu chuyện thành công của chúng tôi.
Vị vua của chúng tôi đã thể hiện khả năng lãnh đạo tuyệt vời mỗi khi đất nước phải đối mặt với những thách thức.
Quốc vương đã chấp nhận rủi ro, thức trắng nhiều đêm, đi khắp đất nước để kiểm tra, hướng dẫn các nhà chức trách địa phương thực hiện các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của Covid-19".
Bức ảnh chụp được chụp và phát hành bởi Văn phòng Thủ tướng của Bhutan vào ngày 7 tháng 3 năm 2020, các công nhân phân phát nước rửa tay cho cư dân Bhutan sống gần biên giới với Ấn Độ.
"Đất nước của chúng tôi được gọi là quốc gia Hạnh phúc vì khi hạnh phúc, chúng tôi cùng nhau ăn mừng và khi khó khăn, chúng tôi chia sẻ với nhau như thể tất cả người dân Bhutan là thành viên của một đại gia đình.
Chúng tôi chia sẻ trách nhiệm và khi đối mặt với một vấn đề, chúng tôi cùng nhau giải quyết. Ví dụ điển hình nhất là những thảm họa thiên nhiên gần đây.
Mọi người đến với nhau như thể chính họ là người bị ảnh hưởng bởi thiên tai và đó là điều mà tất cả mọi người nên trân trọng...".