11 thành viên của gia đình ông Mirza Gul, 10 người trong số đó là trẻ em, tụ tập quanh một vật thể lạ bên ngoài nhà của họ tại làng Fateh Abad, Jelalabad, tỉnh Nangarhar. Đó là lúc 6h sáng 29/4 và đêm hôm trước, binh lính Afghanistan chiến đấu với phiến quân Taliban gần đó.
2 trong số những đứa trẻ nhặt vật thể lên. Jalil, 16 tuổi, sau đó nhận ra đó là một quả rocket chưa phát nổ sau trận chiến đêm qua. Cậu bé cố gắng ném nó ra thật xa, nhưng không kịp. Quả rocket rơi xuống đất và phát nổ.
Ngày nghiệt ngã của gia đình có 7 đứa trẻ mất chân trong tích tắc
Đó là một ngày thật nghiệt ngã, dù cuộc chiến dai dẳng ở Afghanistan không thiếu những cảnh tượng đau lòng như thế.
Khi màn đêm buông xuống, 4 đứa trẻ qua đời, gồm cả Jalil, tại bệnh viện. Bé gái Marwa, 4 tuổi, mất cả hai người thân là em gái sinh đôi, Safwa và mẹ, cô Brekhna. Cô Brekhna ở gần hiện trường vụ nổ khi đang chuẩn bị nhiên liệu làm bánh quy. Một trong số các cháu gái của Brekhna mới 6 tuổi cũng thiệt mạng.
7 đứa trẻ sống sót nhưng bị thương nghiêm trọng. 5 em bị mất một chân và hai đứa trẻ mất cả hai chân.
Hai ngày sau đó, các bác sĩ tại Bệnh viện khu vực Nangarhar ở thành phố Jalalabad làm việc suốt ngày đêm, cố gắng hết sức để cứu lấy chân của những đứa trẻ, nhưng cuối cùng đành cắt cụt chúng vì không còn lựa chọn nào khác.
“Tôi chỉ muốn khóc”, Tiến sĩ Sayed Bilal Miakhel, trưởng khoa chỉnh hình của bệnh viện, nói. “Chúng tôi từng tiếp nhận nhiều ca cắt cụt chân tay nhưng đây là trường hợp mà những đứa trẻ đều đến từ một gia đình”.
Mangal, 11 tuổi và Abdul Rashid, 12 tuổi, nằm trên cáng. Cả hai phải điều trị lâu trong viện vì vết thương nặng. Ảnh: New York Times
Abdul Rashid, 12 tuổi, nhớ lại sự việc sau khi tỉnh. “Cháu cố gắng đứng dậy, nhưng đôi chân không còn nữa”. Em trai của Rashid, Mangal, 11 tuổi, cho biết, em cố gắng đi về phía nhà sau vụ nổ, nhưng ngất xỉu và tỉnh dậy thì đã thấy mình trong bệnh viện.
Không đứa trẻ nào sống sót bị mất cánh tay hay bàn tay hoặc bị chấn thương đầu. Hầu hết các em phải cắt cụt chân từ dưới đầu gối sẽ phải thay chân giả. Tuy nhiên, những đứa trẻ vẫn phải điều trị trong vài tháng để vết thương lành lặn.
Trong khi chờ đợi được lắp chân giả, các em ở lại bệnh viện, trên 4 giường của một phòng bệnh. Tình trạng của một số bé có tiến triển tốt nên được về nhà vào buổi tối. Tuy nhiên, có 3 em phải nằm viện thời gian dài.
Để phân biệt, những bác sĩ đã viết tên trên ngực các em nhỏ. Bác sĩ Najibullah Kamawal, người đứng đầu Sở Y tế Công cộng Nangarhar, cho biết: “Chúng tôi có thể cứu mạng chúng, nhưng để phục hồi và điều trị, các em cần được chuyển tới một trung tâm có trang bị tốt hơn. Có lẽ là ở một quốc gia khác. Bọn trẻ cần sự chăm sóc tận tình. Chúng là những đứa nhỏ đáng thương”.
“Bọn trẻ vẫn chưa biết chúng không thể đi lại được”
Shafiqullah, 13 tuổi, buộc phải cắt bỏ cả hai chân, từ đầu gối xuống. Cậu bé xin các bác sĩ cho về nhà. Nhưng họ nói em phải trải qua hai cuộc phẫu thuật nữa mới có thể về.
Cậu bé Shafiqullah phải cắt cụt chân sau vụ nổ kinh hoàng. Ảnh: New York Times
Cậu bé rất lo lắng cho việc học khi em sắp thi lên lớp 6. Shafiqullah cất sách vở và giấy bút mà người thân của em đem tới bệnh viện ở dưới gối và tranh thủ mang ra học. “Cháu không muốn bỏ lỡ kỳ thi”, cậu bé nói.
Hamisha Gul, 65 tuổi, là cha của Jalil (cậu bé đã thiệt mạng trong vụ nổ) và 3 bé khác bị cắt cụt chân. Brekhna, em gái của ông Gul, là người lớn duy nhất thiệt mạng trong vụ nổ.
Ông Gul không thể giấu được niềm tự hào khi nhắc về con trai. “Thằng bé luôn đứng đầu lớp từ lớp 1 đến lớp 8. Nó đang học tiếng Anh. Thằng nhóc rất thông minh và chăm chỉ hướng dẫn các em học bài”. Các em của Jalil là hai bé sinh đôi, 12 tuổi, Abdul Rashid, Bashir và bé Mangal, 11 tuổi. Dù Gul là một nông dân mù chữ, các con ông đều mong ước được học hành giỏi giang.
Nằm trên giường bệnh, Bashir, cậu bé bị mất chân trái, có một cuốn sách bài tập, nơi em thường viết những bài văn bằng tiếng Pashto. “Xin Chúa rủ lòng thương xót con và mang lại cho con sức khỏe tốt hơn”, một trong nhiều đoạn văn em viết.
Ông Hamisha Gul đang vỗ về con trai Abdul Rashid trên giường bệnh. Ảnh: New York Times
Người anh em sinh đôi của Bashir, Abdul Rashid, bị mất cả hai chân. Abdul nói ước mơ của em là trở thành bác sĩ. Còn cậu nhóc Mangal bị mất chân phải lại muốn trở thành một kỹ sư tương lai.
Ngồi lặng yên lắng nghe tâm sự của những đứa nhỏ, đôi mắt ông Gul đẫm lệ lúc nào không hay.
“Cho đến bây giờ, bọn trẻ vẫn chưa biết rằng chúng không thể đi lại được”, Gul nói. “Tôi không muốn nhắc tới điều đó”.
Những con người khốn khổ mắc kẹt giữa cuộc chiến
Tương lai của những đứa trẻ giờ đây là rất nhiều khó khăn bởi cuộc chiến tại quê hương các em còn dai dẳng, nơi phần lớn thương vong là dân thường với nhiều trẻ em.
Hoạt động của nhiều nhóm cứu trợ tại thành phố Jalalabad suy giảm sau vụ tấn công tàn bạo nhằm vào văn phòng tổ chức Save the Children hồi tháng 1 năm ngoái, dù Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế có một trung tâm chỉnh hình chấn thương ở thành phố này.
Những con đường gồ ghề, không được lát gạch đá trong ngôi làng mà những đứa trẻ sinh sống không thích hợp với những chiếc xe lăn. Nhưng đối với những bệnh nhân phải cắt cụt chân trên đầu gối như bọn trẻ nhà ông Gul, dùng xe lăn là cách duy nhất giúp các em di chuyển.
Cho đến nay, các quan chức bệnh viện và thành viên gia đình các em nhỏ chưa nhận được lời đề nghị giúp đỡ từ các tổ chức.
“Chúng tôi chưa nhận được sự hỗ trợ nào từ bất cứ ai hoặc thậm chí được bất cứ cơ quan nào tới hỏi thăm”, Mohammad Hanif, 30 tuổi, có con trai Aman, 5 tuổi, bị mất chân phải, nói.
Lol Pora vỗ về cháu gái Rabia, 7 tuổi, và Marwa, 4 tuổi. Marwa mất mẹ và em gái sinh đôi sau vụ nổ. Ảnh: New York Times
Hai bé gái Marwa, 4 tuổi và chị họ Rabia, 7 tuổi, quằn quại trong đau đớn trên giường bệnh khi cố gắng xoay sở để ngồi hoặc nằm một cách thoải mái nhất trong điều kiện chân bị băng kín. Lol Pora, cũng là mẹ của Shafiqullah, vỗ về hai đứa nhỏ.
Khi hai cô bé khóc, những đứa trẻ khác cũng bắt đầu khóc. Một số muốn về nhà, một vài em bị đau, một số cảm thấy đói.
Làng quê của gia đình các em là tuyến đầu trong trận chiến dai dẳng giữa lực lượng chính phủ và quân nổi dậy. Cảnh sát trưởng khu vực, Abdul Rahman Khalizay, cho biết tên lửa mà bọn trẻ nhặt được do phía phiến quân Taliban bắn trong cuộc chạm trán với quân đội Afghanistan.
Tuy nhiên, đại diện nhóm phiến quân Taliban, Zabihullah Mujahid, lại đổ lỗi cho cảnh sát Afghanistan. “Sự cố này không liên quan gì đến chúng tôi. Chúng tôi không để lại bất kỳ vỏ đạn nào ở xung quanh”, Mujahid nói.
Không ai lên tiếng nhận trách nhiệm. Còn các em nhỏ cùng gia đình hay người dân khu vực, những người sống kẹt giữa lực lượng hai bên, lại đang phải gánh hậu quả trực tiếp từ cuộc chiến tàn khốc ấy.
“Mọi chuyện cứ tiếp tục diễn ra như vậy”, ông Gul nói. “Chúng tôi không biết phải đổ lỗi cho ai”.