Đây là phiên tòa khá đặc biệt, khi bị cáo nguyên là một chấp hành viên từng công tác tại Cục thi hành án dân sự Bình Định, có sai phạm trong thời gian đương chức mà ngày xét xử lại trùng với ngày truyền thống ngành Thi hành án.
Theo cáo trạng do Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đưa ra, có hai bị hại trong vụ án là doanh nghiệp tư nhân Phú Lợi và Công ty TNHH một thành viên Huy Phương (đều có trụ sở tại Gia Lai).
Số tiền thiệt hại do các sai phạm mà bị cáo Chánh gây ra cho 2 doanh nghiệp này được Hội đồng định giá xác định hơn 55 tỷ đồng.
Nếu HĐXX chấp nhận các yêu cầu bồi thường, thì đây sẽ là số tiền bồi thường cao nhất cả nước trong lịch sử bồi thường nhà nước. Trước đây, kỷ lục bồi thường nhà nước thuộc về một vụ án được xét xử ở Đà Lạt, với số tiền bồi thường 17 tỷ đồng.
Cục Thi hành án dân sự Bình Định - bị đơn dân sự trong vụ án - được xác định là bên có trách nhiệm bồi thường.
Theo VKSND Tối cao, do các sai phạm trong quá trình thi hành án, bị cáo Chánh đã kê biên nhầm hàng hóa của doanh nghiệp Huy Phương, niêm phong hàng hóa không thuộc diện kê biên của doanh nghiệp Phú Lợi trong thời gian dài.
Việc làm này dẫn tới hàng hóa bị hư hỏng, doanh nghiệp không thực hiện được các hợp đồng đã ký kết, dẫn tới nhiều thiệt hại nặng nề.