Sáng 1/4, phiên xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 85 bị cáo khác tiếp tục phần tranh luận với nội dung Viện KSND TP.HCM đối đáp lại các quan điểm bào chữa của luật sư, tự bào chữa bổ sung của bị cáo, và quan điểm bảo vệ quyền lợi.
Qua 2 tuần bào chữa, đa phần các bị cáo đồng phạm của Trương Mỹ Lan đều khai chỉ làm công ăn lương, tin tưởng tuyệt đối vào Trương Mỹ Lan, không hưởng lợi gì nên đề nghị HĐXX xem xét có mức án phù hợp, được hưởng khoan hồng của pháp luật.
"Cần loại bỏ Trương Mỹ Lan ra khỏi xã hội"
Trong phần luận tội hôm 19/3, vị đại diện VKSND đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan 20 năm tù về tội Đưa hối lộ, 19 - 20 năm tù về tội Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng và tử hình về tội Tham ô tài sản. Tổng hình phạt chung là tử hình.
Vị đại diện VKS cho rằng, tại tòa, bị cáo Trương Mỹ Lan không tỏ ra ăn năn hối lỗi, khai báo quanh co, không thừa nhận hành vi phạm tội. Ngoài ra, bị cáo Lan còn đổ lỗi cho nhân viên, các bị cáo tại SCB; hậu quả vụ án đặc biệt nghiêm trọng, không có khả năng thu hồi.
Do đó, đại diện VKSND cho rằng cần loại bỏ bị cáo Trương Mỹ Lan ra khỏi xã hội vĩnh viễn.
Theo vị đại diện VKS, trong những ngày thẩm vấn đã chứng minh được Trương Mỹ Lan lợi dụng việc tái cơ cấu ngân hàng, sau khi hợp nhất 3 ngân hàng đã từng bước nắm giữ cổ phần của SCB (91,5%), sử dụng SCB như công cụ tài chính, rút tiền khỏi SCB; bố trí nhân thân tín của mình vào các vị trí chủ chốt tại SCB. Trương Mỹ Lan đã sử dụng SCB là công cụ tài chính để phục vụ cho lợi ích của mình.
Trương Mỹ Lan còn chỉ đạo thành lập các công ty “ma”; thông đồng với các công ty thẩm định giá nâng khống giá trị tài sản đảm bảo; chỉ đạo tạo lập số lượng lớn hồ sơ vay vốn khống tại SCB; mua chuộc, tác động người có chức vụ, quyền hạn của Ngân hàng Nhà nước để che giấu sai phạm tại SCB.
Ngoài ra, Trương Mỹ Lan còn câu kết với các chủ sở hữu, đại diện theo pháp luật các công ty có liên quan để tạo lập khoản vay, cùng sử dụng, chiếm đoạt tiền của SCB.
Bị cáo này còn thông đồng, câu kết với các công ty thẩm định giá để cấp Chứng thư nâng khống giá trị tài sản bảo đảm; không hoàn thiện thủ tục thể chấp, không đăng ký giao dịch bảo đảm để hoán đổi tài sản bảo đảm; lập phương án rút tiền, cắt đứt dòng tiền sau khi giải ngân; bán nợ xấu, cấn trừ nợ để giảm dư nợ tín dụng và tỷ lệ nợ xấu; mua chuộc cán bộ, lãnh đạo tại các cơ quan chức năng để bưng bít, che giấu thông tin sai phạm.
" Bị cáo Trương Mỹ Lan là người chủ mưu, cầm đầu gây ra hậu quả gây ra trong vụ án đặc biệt lớn là hơn 498.000 tỷ đồng (sau khi trừ đi các tài sản đảm bảo đã được Công ty định giá Hoàng Quân định giá)", vị đại diện VKS nói.
Ngoài ra, Trương Mỹ Lan còn gặp gỡ bàn bạc và chỉ đạo Võ Tấn Hoàng Văn đưa hối lộ cho Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II) 5,2 triệu USD, tặng quà, tiền cho các các thành viên khác trong đoàn thanh tra để che dấu thực trạng yếu kém của SCB để không đưa SCB vào kiểm soát đặc biệt.
Dù bị cáo Lan không thừa nhận chỉ đạo Võ Tấn Hoàng Văn gặp, đưa tiền cho Đỗ Thị Nhàn nhưng căn cứ lời khai của bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn, tài liệu chứng cứ, dữ liệu điện tử, cho thấy Trương Mỹ Lan là người chỉ đạo Văn gặp, đưa hối lộ cho bị cáo Đỗ Thị Nhàn.
Luật sư đề nghị xem xét lại tội tham ô đối với Trương Mỹ Lan
Bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan, luật sư Phan Trung Hoài cho rằng, về nguyên nhân, bối cảnh hoàn cảnh xảy ra vụ án, cần xem xét bị cáo tham gia tái cơ cấu SCB trong thời điểm cần phải hợp nhất ba ngân hàng yếu kém, khi tham gia bị cáo có vai trò là cố vấn ban hợp nhất.
Quá trình hợp nhất suốt 10 năm trải qua nhiều giai đoạn đạt được một số kết quả nhất định, có những khoản vay là để trả nợ cũ và dòng tiền không ra khỏi ngân hàng, theo luật sư thì không thể bóc tách các khoản vay nào là cho vay mới trả nợ cũ hay khoản vay mới hoàn toàn.
Luật sư đề nghị ghi nhận có sự chuyển biến trong nhận thức của bị cáo, xem xét lại việc xác định sở hữu của bị cáo tại SCB, nếu SCB bị thiệt hại thì chính bị cáo cũng là người bị thiệt hại.
Về tính xác thực số tiền thiệt hại của vụ án cũng cần xem xét lại, luật sư băn khoăn về thiệt hại này có phải chính là dư nợ tín dụng tại SCB.
Đối với tội đưa hối lộ của bị cáo Lan, theo các luật sư, hiện chỉ có Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng giám đốc SCB) khai đưa 5,2 triệu USD cho bị cáo Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước).
Bị cáo Nhàn thừa nhận hành vi nhận 5,2 triệu USD từ Võ Tấn Hoàng Văn; còn lại không có chứng cứ khác chứng minh bị cáo Lan đã chỉ đạo Văn đưa 5,2 triệu USD cho Đỗ Thị Nhàn. Vì vậy, các luật sư đề nghị HĐXX xem xét lại cáo buộc thân chủ tội đưa Hối lộ.
Trương Mỹ Lan nói đau xót và "trái tim như rỉ máu"
Trương Mỹ Lan cho rằng trong phần luận tội, đại diện VKS cho rằng mình quanh co chối tội khiến bản thân rất đau xót và nói mình không quanh co chối tội.
" Sau khi bị bắt, tôi biết có thêm hơn 50 người của SCB cũng bị bắt. Tôi thấy mình có một phần trách nhiệm vì các cán bộ ở SCB họ vô tình vi phạm quy định. Tôi đã làm đơn tình nguyện nhận một phần trách nhiệm, chịu tội cùng nhân viên SCB, tôi không quanh co”, Trương Mỹ Lan nói và cho rằng đã tự nguyện làm đơn bán hết tài sản để khắc phục hậu quả.
Bị cáo Lan nói tiếp, trong giai đoạn bị tạm giam " trái tim như rỉ máu, trăn trở làm sao để cho người mang tiền vào SCB, để SCB hoạt động bình thường".
Tiếp đến, Trương Mỹ Lan cho rằng, bị cáo và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát chưa bao giờ liên quan đến SCB. Bà Lan cho rằng, bà dùng mọi sức lực, tài chính để tái cơ cấu SCB, đồng thời đề nghị HĐXX xem xét lại thiệt hại của vụ án, kết quả giám định lại của Công ty thẩm định giá Hoàng Quân để xác định giá trị thật tài sản đảm bảo.
Bị cáo Lan cũng đề nghị HĐXX xem xét lại, vì cáo trạng xác định SCB là công cụ tài chính của bà là không đúng. Ví dụ các bị cáo như Hồ Bửu Phương, Đặng Phương Hoài Tâm, Nguyễn Phương Anh là người làm cho Vạn Thịnh Phát chứ không phải làm việc cho SCB.