• Ngày 21/6, Vietsovpetro chào đón tấn dầu thứ 250 triệu
• Từ khi thành lập, Vietsovpetro thu hơn 88 tỷ USD
• Vietsovpetro là liên doanh giữa Petrovietnam và Zarubezhneft
Ngày 21/6 tới đây, Liên doanh Vietsovpetro sẽ tổ chức chào đón sự kiện khai thác tấn dầu thứ 250 triệu trong lịch sử hoạt động.
Theo PetroTimes, sự kiện này là minh chứng cho mối quan hệ hợp tác thành công giữa hai nước Việt Nam - Liên bang Nga, cũng như ghi nhận sự nỗ lực to lớn và rất đáng tự hào của tập thể lao động quốc tế Vietsovpetro trong việc đảm bảo khai thác mỏ an toàn và hiệu quả kể từ khi tấn dầu đầu tiên được khai thác tại mỏ Bạch Hổ (ngày 26/6/1986).
Đến nay, doanh thu từ hoạt động dầu khí của Vietsovpetro đã đạt hơn 88 tỷ USD, trong đó nộp ngân sách Nhà nước và lợi nhuận phía Việt Nam trên 58 tỷ USD.
Tổng Giám đốc Vietsovpetro Vũ Mai Khanh cho biết, thành quả này là kết quả từ những quyết định sáng suốt của Đảng và Nhà nước trong việc hợp tác với Liên Xô để thăm dò và khai thác dầu khí, là kết quả của tình hữu nghị Việt Nam - Liên Xô mà các bạn Liên Xô cho là mệnh lệnh từ trái tim, là tình đoàn kết - hữu nghị trong tập thể lao động quốc tế Vietsovpetro trong 43 năm xây dựng và phát triển.
Ngày 1/12/1979, Bộ Chính trị quyết định phương hướng hợp tác với Liên Xô về dầu khí. Ngày 17/12/1979, Việt Nam chính thức đề nghị Liên Xô giúp xây dựng ngành công nghiệp Dầu khí Việt Nam và hợp tác khai thác dầu khí tại thềm lục địa phía Nam Việt Nam. Đây có thể coi là một quyết định có tính lịch sử, mở ra một thời kỳ mới cho ngành dầu khí nước ta.
Ngày 3/7/1980, Hiệp định giữa Việt Nam và Liên Xô về việc hợp tác tiến hành thăm dò địa chất và khai thác dầu, khí ở thềm lục địa phía Nam Việt Nam đã được ký tại Moskva. Đến ngày 19/6/1981, Hiệp định Liên Chính phủ Việt Nam và Liên Xô về việc thành lập Xí nghiệp Liên doanh dầu khí Việt - Xô được ký kết. Đây là bước ngoặt cho sự nghiệp phát triển ngành Dầu khí Việt Nam.
Ngày 19/11/1981, Vietsovpetro chính thức đi vào hoạt động và bắt tay vào công tác nghiên cứu tài liệu địa chất - địa vật lý, xây dựng chiến lược và chương trình tìm kiếm, thăm dò dầu khí ở thềm lục địa phía Nam Việt Nam.
Trải qua 43 năm thực hiện các Hiệp định Liên Chính phủ Việt - Xô, sau này là Việt Nam - Liên bang Nga và các Nghị định liên quan, Liên doanh Vietsovpetro giữa Petrovietnam và Zarubezhneft đã không ngừng nâng cao năng lực, sáng tạo đổi mới, thích ứng linh hoạt, áp dụng các công nghệ tiên tiến để tối ưu hóa trong việc tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí.
Vietsovpetro đã khoan hơn 600 giếng khoan thăm dò và khai thác dầu khí
Vietsovpetro đã khoan hơn 600 giếng khoan thăm dò và khai thác dầu khí với tổng chiều dài hơn 2.500 km, xây dựng trên 60 công trình biển và lắp đặt trên 800 km đường ống ngầm nội mỏ, liên mỏ... Từ 1 triệu tấn dầu được khai thác, Vietsovpetro đã từng bước ghi những dấu mốc 10 triệu tấn, 100 triệu tấn, 200 triệu tấn và năm 2024 là 250 triệu tấn.
Theo Vietsovpetro, công ty này có bộ máy điều hành và 18 đơn vị trực thuộc. Đội ngũ lao động gần 7.000 cán bộ khoa học, kỹ thuật, quản lý và công nhân có trình độ chuyên môn cao. Vietsovpetro còn có thể cung cấp dịch vụ cho các đối tác hoạt động trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí và năng lượng.
Vietsovpetro đã phát triển và đang khai thác 5 mỏ dầu gồm: Bạch Hổ, Rồng, Gấu Trắng, Thỏ Trắng và Nam Rồng – Đồi Mồi. Tại đây, Vietsovpetro đã khoan trên 450 giếng khoan thăm dò và khai thác dầu khí, xây dựng được tổ hợp trên 60 công trình biển phục vụ khai thác dầu, thu gom khí, gồm: 13 giàn khoan khai thác cố định, 37 giàn đầu giếng, 2 cụm giàn công nghệ trung tâm, 3 giàn nén khí, 2 giàn bơm ép nước duy trì áp suất vỉa, 3 tàu chứa xuất dầu và các công trình phụ trợ khác.
Tất cả các công trình được kết nối thành một hệ thống công nghệ liên hoàn thông qua hơn 800 kilomet đường ống ngầm nội mỏ, liên mỏ. Ngoài Lô 09-1, Vietsovpetro đã phát hiện, phát triển và đưa vào khai thác mỏ khí Thiên Ưng từ tháng 12/2016 tại Lô 04-3; phát hiện, phát triển và đưa vào khai thác mỏ Cá Tầm tại Lô 09-3/12 từ tháng 01/2019.
Trên bờ, Vietsovpetro đã xây dựng được hệ thống căn cứ dịch vụ dầu khí tổng hợp hoàn chỉnh, hiện đại với tổng diện tích gần 64ha phục vụ cho các khâu trong chuỗi hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác và dịch vụ kỹ thuật dầu khí/năng lượng.
Đội khoan gồm 5 giàn tự nâng. Đội tàu dịch vụ và tàu công trình các loại gồm 20 chiếc cùng hệ thống cảng chuyên dùng với bờ cảng dài hơn 1.400 mét có khả năng tiếp nhận đồng thời 2 tàu với trọng tải 10.000 tấn và năng lực xếp dỡ hàng hóa thông qua cảng đạt 3 triệu tấn/năm.