Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã cung cấp thông tin về việc sản xuất và cung ứng xăng dầu trong thời gian qua.
Cụ thể, vào ngày 24.2, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (bắt đầu hoạt động thương mại từ 9/2018, đang chiếm 70-75% nguồn cung xăng dầu và 39% thị phần xăng dầu trong nước) đã gặp sự cố về phát điện nên không thể sản xuất nhiên liệu.
Ngay sau đó, Bộ Công Thương đã tập hợp các cuộc họp với các đầu mối kinh doanh xăng dầu, yêu cầu nhà máy lọc dầu Bình Sơn tăng tối đa công suất sản xuất và sớm đưa nhà máy Nghi Sơn trở lại hoạt động...
Ngày 3.3, nhà máy Nghi Sơn đã bắt đầu khởi động lại và tới ngày 22.3 toàn bộ các phân xưởng đã hoạt động trở lại nhưng mới chỉ sản xuất được dầu diesel. Tới ngày 26.3 thì sản xuất được xăng đạt chất lượng và đến hôm nay và ngày mai (29.3), xăng A95 và A92 sẽ được sản xuất bình thường.
Thời gian vừa qua, Bộ Công Thương cũng đề nghị Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) nhập khẩu thêm xăng dầu với mức thuế cao hơn bình thường 10% để bảo đảm cung ứng đủ cho thị trường.
Theo Bộ Tài chính, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong quý I/2019 diễn biến đúng quy luật khi tăng nhẹ trong tháng 1 (0,1% so với tháng trước), tăng cao trong tháng 2 (0,8%) và giảm trong tháng 3 (ước giảm 0,21%). CPI bình quân 3 tháng đầu năm 2019 ước tăng 2,63% so với cùng kỳ năm 2018.
Lạm phát cơ bản tháng 3 giảm 0,06% so với tháng trước, bình quân quý I tăng 1,84% so với cùng kỳ năm 2018, là mức tăng nhẹ.
Ngày 20.3, giá bán lẻ điện bình quân đã được điều chỉnh tăng 8,36% (tương ứng với mức tăng 144 đồng/kwh) sau thời gian dài bị giữ giá, chỉ tác động tới 0,33% mức tăng CPI của tháng 3, là mức tác động thấp.
Với lợi thế về Quỹ bình ổn xăng dầu, liên Bộ Tài chính và Công Thương đã thực hiện “xả” Quỹ đề bù vào đà tăng của giá xăng dầu theo tín hiệu tăng của thế giới.
Trong kỳ điều hành gần đây nhất vào ngày 18.3, Quỹ đã xả 2.801 đồng/lít với xăng E5RON92, 2.061 đồng/lít với xăng RON95 và 1.343 đồng/lít với dầu DO nhằm giữ nguyên giá xăng dầu, tạo dư địa cho tăng giá điện sau đó 2 ngày để giảm tác động của việc tăng giá điện lên CPI.
Về điều hành CPI trong 3 quý còn lại của năm 2019, các cơ quan: Tổng cục Thống kê (Bộ KHĐT), Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đều có tính toán riêng các kịch bản khác nhau về mức tăng CPI của từng quý và cả năm, trong đó kịch bản CPI tăng cao nhất vẫn bảo đảm mục tiêu của Quốc hội giao là tăng khoảng 4%.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá nhận định Chính phủ hoàn toàn có thể kiểm soát lạm phát của năm 2019 ở mức từ 3,3-3,9%, vượt yêu cầu của Quốc hội trên tinh thần chủ động theo dõi, phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, minh bạch và cung cấp thông tin kịp thời cho xã hội.
Không chỉ vậy, các bộ, ngành phải tính toán điều hành giá cả hàng hóa, dịch vụ công y tế, giáo dục theo tín hiệu của thị trường.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ NNPTNT ngăn chặn lây lan dịch tả lợn Châu Phi, có biện pháp tái đàn để bảo đảm nguồn cung khi bệnh dịch được kiểm soát. Ngân hàng Nhà nước có hình thức hỗ trợ tín dụng với các hộ chăn nuôi bị ảnh hưởng.
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính chủ động nắm bắt thông tin về diễn biến giá thế giới để có phương án điều hành giá xăng dầu trong nước, kết hợp với trích lập và sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu hợp lý để bình ổn giá trong thời điểm giá thế giới có biến động bất thường, không ảnh hưởng tới kỳ vọng về lạm phát; tiếp tục tăng cường công khai, minh bạch chi phí đầu vào của giá điện, kết quả sản xuất kinh doanh điện theo quy định.