Có công việc ổn định tại ngân hàng nhưng vẫn quyết làm thêm việc
Tốt nghiệp với 2 tấm bằng chuyên ngành ngân hàng và kế toán Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, chị Lê Thị Ngọc (30 tuổi, TP.HCM) sớm tìm được một công việc ổn định tại ngân hàng. Dù công việc tại ngân hàng mang lại nguồn thu nhập khá tốt nhưng chị Ngọc vẫn luôn muốn thử sức mình với lĩnh vực kinh doanh. Vì thế cuối năm 2020, bên cạnh làm giờ hành chính tại ngân hàng, chị Ngọc quyết định khởi nghiệp với công việc bán bánh chuối.
Chị Lê Thị Ngọc tốt nghiệp với 2 tấm bằng Đại học.
Cơ duyên với việc kinh doanh bánh chuối của chị Ngọc đến một cách tình cờ. Chị chia sẻ: “Trong một lần được dùng thử món bánh chuối nướng từ 1 chị đồng nghiệp cũ, mình phải thốt lên wow vì quá ngon nên có hỏi thăm công thức của chị để về làm cho gia đình, đặc biệt là chồng mình dùng thử. Được chồng góp ý, mình tham khảo rất nhiều video trên youtube để đúc kết được công thức của riêng mình và sản xuất bánh mẫu để test và gửi tặng người thân”.
Sau 200 chiếc bánh thử nghiệm, chị Ngọc quyết định kinh doanh bánh chuối từ tháng 8/2020. Những ngày đầu tiên, vài ngày chị Ngọc mới bán được 1 chiếc bánh, sau đó tăng dần mỗi ngày 3 chiếc bánh. Sang tháng thứ 3, chị bán được mỗi ngày 10 chiếc. Cứ thế tăng dần cho đến khoảng nửa năm, chị Ngọc bắt đầu có những đơn hàng với số lượng nhiều hơn. Dù có sự hỗ trợ của người thân nhưng cảm thấy bản không thể kham nổi nữa nên chị nghĩ đến việc tìm nhân viên, chuyển giao quy trình và lùi về sau điều hành.
Tính đến nay, đã 3 năm chị Ngọc khởi nghiệp với công việc bán bánh chuối. Hiện tại cả 2 tiệm bánh của chị Ngọc đã có ekip riêng và vận hành độc lập nên chị lui về hậu trường để quản lý. Mỗi tháng chị thu về khoảng 100 triệu đồng từ việc kinh doanh bánh.
Chị Ngọc cho biết, cùng lúc làm 2 công việc bản thân đều yêu thích, chị khó có thể phân chia độ “nặng - nhẹ” của 2 công việc này. Theo chị Ngọc, với công việc ở ngân hàng, chị được học hỏi rất nhiều thứ từ quy trình, tổ chức, vận hành, nghiệp vụ mà chỉ có ở trong 1 tổ chức lớn và uy tín mới có thể có cơ hội. “Và tuy chỉ làm 1 bộ phận nhỏ trong 1 bức tranh lớn nhưng công việc này đòi hỏi hàm lượng tư duy cao, giúp mình trau dồi được chuyên môn, đồng thời cũng cho mình vùng vẫy trong đam mê làm việc với những con số”, chị Ngọc nói thêm.
Chị Ngọc tặng bạn bánh dùng thử để góp ý.
Còn việc khởi nghiệp bán bánh chuối với chị Ngọc lại có ý nghĩa khác. Chị chia sẻ: “Mọi quyết định của mình đều ảnh hưởng trực tiếp đến vận hành, kinh doanh, nhân sự và còn nhiều khía cạnh khác. Mình hoàn toàn có thể vẽ ra 1 kế hoạch hoặc ước mơ điên rồ và thực hiện nó mà không cần phê duyệt của các cấp có thẩm quyền. Và mình sẽ là người chịu trách nhiệm cuối cùng với “đứa con” của mình. Vì vậy, mình đang hoàn toàn hạnh phúc với 2 công việc mà mình đang làm, dù làm ngân hàng hay khởi nghiệp đều giúp mình hoàn thiện bản thân theo cách riêng”.
Quy tắc phân bổ thời gian 6-9 cho ngân hàng và 9-6 cho gia đình, công việc tay trái
Bắt tay vào công việc bán bánh với số vốn 1,5 triệu đồng, chị Ngọc gặp phải vô số khó khăn, trong đó có 3 khó khăn lớn. Thứ nhất là quản lý thời gian. Thời gian đầu chưa có kinh nghiệm nên chị cũng chao đảo 1 thời gian vì phải phân bổ thời gian cho gia đình, công việc. Thứ hai là thiếu kiến thức và kinh nghiệm ở nhiều mảng. Vì là tay ngang khởi nghiệp nên cách marketing, cách bán hàng, điều hành nhân viên chị Ngọc đều phải học và phải học thật nhanh để không làm gián đoạn vận hành của tiệm bánh. Thứ 3 là gia đình không ủng hộ. Chị Ngọc cho biết, khi thấy con gái quá vất vả thì 2 bên gia đình đều không ủng hộ, nhưng sau khi nhìn thấy được thành quả từng ngày thì cả 4 bố mẹ đều yên tâm hơn phần nào.
Một ngày vừa làm nhân viên ngân hàng, vừa bán bánh của chị Ngọc diễn ra rất bận rộn. Thông thường, chị Ngọc sẽ đi làm tại ngân hàng từ 9 giờ sáng đến 6 giờ tối, sau đó về nhà ăn uống, dọn dẹp và chăm sóc cho con đến 7 giờ tối. Từ 7 giờ tối, chị bắt đầu nướng bánh đến 1 giờ sáng hôm sau.
Làm cùng lúc 2 công việc rất bận rộn nhưng chị Ngọc vẫn làm việc hiệu quả vì biết cách sắp xếp thời gian.
Thời gian làm việc tại ngân hàng và công việc kinh doanh đều bận rộn, chị Ngọc cũng có cho mình một chiến lược riêng để sắp xếp quỹ thời gian nhằm đảm bảo vừa hoàn thành công việc chính, vừa kinh doanh và dành được thời gian cho gia đình.
Chị Ngọc chia sẻ cách sắp xếp thời gian của mình: “Vì mỗi người đều có 24h trong ngày nên để làm được nhiều việc thì mình phải có kế hoạch phân bổ thời gian hợp lý và tối đa thời gian làm việc chất lượng. Mình có quy tắc thời gian ở ngân hàng là 9-6 còn thời gian dành cho gia đình và khởi nghiệp là 6-9. Nghĩa là mình làm ở ngân hàng từ 9am đến 6pm thi tất cả công việc phải được xử lý trong khoảng thời gian chất lượng này, hạn chế tối đa những khoảng thời gian “chết” để làm việc được hiệu quả. Khi đó mình sẽ đảm bảo được thời gian dành cho gia đình là 6pm đến 9am và ngược lại. Dĩ nhiên cũng sẽ có lúc phải linh động vì khối lượng công việc ở ngân hàng khá lớn, nhiều lúc phải tăng ca thì mình sẽ chủ động điều chỉnh để phù hợp với từng thời điểm”.
Có công việc ổn định nhưng vẫn cáng đáng thêm việc, nhiều lúc chị Ngọc cảm thấy bản thân làm việc quá tải dẫn đến mệt mỏi. Tuy nhiên, chị cho biết, những lúc như vậy chị lại nghĩ đến lý do mình bắt đầu, rà soát lại quy trình bước nào khiến mình tốn nhiều thời gian và công sức nhất thì tìm cách tối ưu nó. Như vậy sau nhiều lần quá sức, quy trình lại được tinh gọn hơn.
Bí quyết thành công là rèn luyện tính kỷ luật và tính cam kết tuyệt đối
Theo chị Ngọc, có thể vừa làm tốt công việc chính, vừa làm công việc bản thân yêu thích mà cả 2 việc đều đạt được hiệu quả cao, điều quan trọng nhất là phải rèn luyện tính kỉ luật và tính cam kết tuyệt đối. “Đã nói là phải làm, nếu không làm được thì không nói. Khi làm phải thật tập trung, và làm bằng tất cả những gì mình có, dù ở công việc nào đi nữa”, chị Ngọc nói.
Ngoài kinh doanh, chị Ngọc còn rất thích làm công tác xã hội. Chị cho biết, hàng tháng tiệm bánh đều góp hiện vật đến Quỹ Bông Sen, nơi hỗ trợ những suất ăn 2,000đ giúp đỡ những anh chị, cô dì chú bác thu nhập chưa cao. Ngoài ra, chị cũng còn là thành viên của Quỹ bảo trợ trẻ em mồ côi, tìm kiếm và bảo trợ, giúp đỡ các trẻ em mô côi cha hoặc mẹ hoặc cả cha lẫn mẹ từ 5-18 tuổi trên toàn quốc.
Chị Ngọc còn tích cực tham gia các dự án cộng đồng.
Chị Ngọc chia sẻ: “Mỗi lần làm được nhiều việc ý nghĩa mình cảm thấy rất vui, và mong bản thân nhiều sức khỏe, công việc phát triển để làm được nhiều điều hơn nữa cho cộng đồng”.
Trong tương lai, chị Ngọc đã có kế hoạch, dự định cụ thể để phát triển rộng rãi tiệm bánh của mình. Đúc rút từ kinh nghiệm của bản thân, chị Ngọc đưa ra lời khuyên: “Trong khởi nghiệp nếu có cơ hội thì phải nắm bắt, không nên chần chừ. Nhiều bạn có ý tưởng xuất sắc nhưng không dám bắt đầu thì không có cơ hội thành công. Nếu sợ rủi ro thì phải biết lượng sức mình, chưa biết thì học, sai thì phải sửa chữa thật nhanh. Nếu chưa có ý tưởng đột phá thì bắt chước người đi trước cũng là một sự lựa chọn”.