Đôi vợ chồng quen nhau qua mục Kết bạn trên báo
Người phụ nữ có nickname Mai Diêu Phong, đến từ Quảng Ninh đã có những chia sẻ về cuộc sống xa chồng: "Cưới nhau 8 năm, tổng thời gian ở gần nhau chưa được 12 tháng" trên trang cá nhân và bài viết nhanh chóng nhận được hàng chục nghìn lượt quan tâm, đồng cảm của người đọc.
Được biết, vợ chồng chị quen nhau nhờ "bà mối" là chuyên mục kết bạn trên một tờ báo. Chị Mai Diêu Phong kể: "Cách đây 10 năm, thời đó mạng Internet chưa phổ biến. Vợ chồng mình quen nhau qua một tờ báo giấy, mục Kết bạn. Chuyện là, từ hồi bé mình đã ước mơ được đi bộ đội, sau không may mắn nên không chạm được vào ước mơ ấy.
Một ngày nổi máu phiêu lưu thế nào, mình viết thư lên báo, chỉ mong được giao lưu kết bạn với lính đảo và lính biên phòng.
Chồng mình ngày ấy ở gần chỗ mình nhất, cách hơn chục cây số nên thư đến sớm nhất, còn có số điện thoại nên mình đáp thư lại, thế là quen nhau.
Vài tháng sau thì gặp mặt, sau lần gặp đầu tiên, anh ấy nói yêu mình luôn (kể là bị sét đánh, yêu từ cái nhìn đầu tiên)".
Vợ chồng chị quen nhau nhờ "bà mối" là chuyên mục Kết bạn trên một tờ báo
Vì bạn trai là bộ đội nên ngay từ những ngày hẹn hò, họ đã ít có cơ hội được gặp nhau. Dẫu biết nếu sau này trở thành vợ, làm dâu nhà lính sẽ còn phải chịu cảnh cô đơn gối chiếc nhiều hơn, nhưng vì tình yêu, chị Diêu Phong vẫn quyết sẽ lấy người đàn ông này làm chồng.
Sau 2 năm, họ chính thức về chung một nhà. Tuy nhiên, thực tế vợ chồng ở cạnh nhau chỉ được vài hôm rồi lại "mỗi người một nơi".
"Những ngày đầu vất vả lắm, may sao mình đã mang thai con gái đầu lòng, hai vợ chồng hạnh phúc vô cùng.
Sau đó, chồng mình chuyển vào Khánh Hòa công tác, ngày nhận lệnh anh buồn lắm. Mình cũng vậy, vừa thương vừa lo lắng, nhưng vẫn phải tỏ ra vững vàng, động viên chồng yên tâm công tác. Rồi anh ra đóng quân ngoài hải đảo..."
1001 câu chuyện "dở khóc dở cưới" của người vợ có chồng công tác xa nha
Trò chuyện với tôi, chị cho biết phải tranh thủ vào buổi tối, khi các con đã ngủ say, hoặc như hôm nay, chị nhờ con gái lớn trông em thì mới có chút thời gian rảnh rỗi hiếm hoi.
"Một mình chăm hai con, trong đó cháu út mới gần 2 tháng, chồng thì ở xa, bố mẹ hai bên đều bận việc không thể giúp được, lại phải lo kiếm tiền, bếp núc nhà cửa… từ lúc ở viện về một mình chăm nuôi hai đứa, không khi nào ngơi nghỉ.
Dẫu đã quen với cảnh xa chồng 8 năm nay, việc gì cũng đến tay, nhưng thỉnh thoảng nhìn sang hàng xóm, lại thèm được như người ta, gia đình đầy đủ, sáng con đi học, bố mẹ đi làm, tối về sum vầy ấm áp.
Những đêm con khóc quấy phải bế rong thâu đêm, lại mong có chồng ở bên, nhất là khi Tết sắp về như bây giờ.
Hay như ngày còn đem theo con vào chỗ làm việc trong rừng, con ngã đau. Có hôm trời mưa bão bập bùng phải bọc con trong áo mưa, đi xe máy hơn 50km đường rừng ra bệnh viện, mưa rát mặt nên cứ đi vài cây số có nhà lại vào trú, mở bọc ra con bốc hơi nghi ngút..."
Nhớ lại những ngày mang thai con thứ hai, lặn lội đi khám một mình, trả lời những câu hỏi về bố em bé của mọi người, chị Diêu Phong kể với giọng hóm hỉnh:
"Ai cũng hỏi sao đi khám một mình, mà chả biết nói sao nữa. Ngày sinh con, chỉ có cậu em rể chở lên bệnh viện, đi sau một đoạn xách đồ, mình vừa ôm bụng đau đớn vừa lết đi hết phòng nọ phòng kia xét nghiệm, khám một mình, mọi người nhìn với ánh mắt kì lạ.
Đến phần khai vào hồ sơ bệnh án, bác sỹ hỏi chồng đâu, chồng làm gì? Mình nói chồng là bộ đội, đang ở xa không về kịp. Thế mà bác sỹ cúi xuống thì thầm một cách thân tình: "Nói thật chị nghe nào, em có chồng không?"
Mình bảo với chồng: "Hôm về đón con ở bệnh viện, anh nhớ mặc quân phục rồi lên chào các bác sĩ ở khoa sản nhé, để mọi người biết em có chồng, không phải chửa hoang…
Đến khi anh được nghỉ phép, như để "chuộc lỗi" vắng nhà những lúc vợ "vượt cạn", anh chăm chỉ làm hết mọi việc, từ giặt giũ quần áo, tã lót em bé đến đi chợ nấu cơm, đưa đón lớn đi học."
Cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng chị Diêu Phong vẫn luôn lạc quan, vui vẻ, ngay cả khi kể về những thiệt thòi mà mình phải chịu khi có chồng là lính đảo.
Chồng chị Mai Diêu Phong luôn thương yêu vợ con hết mực: "Cứ đi thì chớ chứ về là lại nai lưng ra dọn dẹp, chăm sóc vợ con, sửa sang vườn tược..." - Chị kể.
Năm ngoái, sau chuyến ra thăm chồng ngoài đảo xa, chị càng thêm yêu thương và chia sẻ với sự vất vả của chồng, cố gắng vượt qua tất cả để ở nơi đảo xa, anh yên tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
"Chuyến ra thăm chồng khiến mình càng thương anh và cố gắng hơn, vì anh cũng chịu nhiều vất vả, thiếu thốn rồi. Lênh đênh trên biển cả tuần trời mới tới, có chị đem trứng vịt lộn ra cho chồng, đến nơi thì nở thành 1 đàn vịt con hết rồi.
Ngày chia tay lên tàu để về, trời kéo mưa giông, vợ lên xuồng để ra tàu, chồng đứng trên đảo khóc, vì anh sống tình cảm lắm. Lên tàu về, không ai bảo ai mà tất cả chị em đều trùm chăn, cơm chả buồn ăn..." – Người vợ lính đảo tâm sự.
Gác lại mọi nhớ nhung, xa cách, vượt qua bao vất vả, lo toan của cuộc sống, chị Diêu Phong luôn tự hào, hãnh diện với bạn bè, bà con lối xóm vì có chồng là bộ đội, bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ với tổ quốc, còn sống rất tình cảm, yêu thương vợ con hết mực.