Nhiệm vụ của nhóm SEAL 10 là tìm bắt Ahmad Shah Dara-I-Nur, thủ lĩnh của một tổ chức dân quân địa phương chống Mỹ.
Nhưng chỉ một ngày sau đó, nhóm SEAL 10 đã bị 200 tay súng Taliban bao vây và tiêu diệt, chỉ duy nhất trung sĩ Marcus Luttrell sống sót, chưa kể 1 trực thăng cứu viện cũng bị bắn rơi khiến 16 lính Mỹ thiệt mạng. Đây được xem là ngày đẫm máu nhất của Lực lượng SEAL trong suốt cuộc chiến tranh Afghanistan…
Chiến dịch Red Wing
6 giờ kém 10 phút chiều ngày 27-6-2005, hai trực thăng vũ trang Apache AH-64 thuộc Liên đoàn Không quân chiến thuật 519, Mỹ, hạ độ cao rồi đảo nhiều vòng trên sườn núi Sawtalo Sar thuộc huyện Pech, tỉnh Kuna, Afghanistan, nhìn như một chuyến tuần tra thường lệ nhưng thực chất là bay ngụy trang để đánh lừa những người ở dưới đất.
Trung sĩ Marcus Luttrell (đứng giữa - trước lá cờ) cùng nhóm SEAL 10 trước lúc lên trực thăng nhảy xuống sườn núi Sawtalo Sar.
5 phút sau, lại có thêm 2 chiếc MH 60 Black Hawk từ sườn núi bên kia, bay ngược đến rồi đột ngột, một trực thăng vận tải Chinook MH 47 chui ra khỏi đám mây, bay là là sát mặt đất, vừa bay vừa mở cửa đuôi.
Giây lát, 6 biệt kích thuộc nhóm SEAL 10 dưới sự chỉ huy của trung úy Michael P. Murphy lần lượt nhảy xuống. Nhiệm vụ của họ là săn lùng Ahmad Shah Dara-I-Nur, thủ lĩnh của một tổ chức dân quân địa phương thuộc Liên minh chống Mỹ (ACM), trong một chiến dịch có mật danh là “Red Wing - Cánh đỏ”.
Địa điểm nhóm SEAL 10 nhảy xuống là một sườn núi đá thoai thoải, mọc nhiều cây dầu gai và chà là hoang. Từ vị trí ấy, có thể thấy ngôi làng Abbas Ghar, nơi Ahmad Shah Dara-I-Nur ẩn náu nằm cách đó chừng 3km.
Trung sĩ Marcus Luttrell kể: “Sau khi di chuyển khoảng 1km, chỉ huy quyết định sẽ ngủ qua đêm tại một bãi đá lớn. Để giữ bí mật, chúng tôi không đốt lửa nấu nướng, chỉ dùng thực phẩm khô. Với kính nhìn đêm, cả nhóm chia nhau ra gác mỗi người 2 tiếng”.
Đến sáng, nhóm SEAL 10 xuống núi. Đi được 500m, họ bỗng nghe thấy nhiều tiếng động. Theo lệnh trung úy Murphy, cả nhóm tản ra, súng trên tay, đạn lên nòng, sẵn sàng khai hỏa nếu gặp phiến quân Taliban.
Những tiếng động càng lúc càng lớn rồi tiếp theo là một thằng bé người Afghanistan xuất hiện. Nó chỉ khoảng 10 tuổi, mặc áo dài trắng, tay cầm một cây gậy nhỏ. Theo sau nó là một đàn dê ước chừng chục con.
Trung sĩ Luttrell kể tiếp: “Bằng cách đưa năm ngón tay lên, thả ra rồi nắm lại, trung úy Murphy ra lệnh cho chúng tôi rằng nếu thằng bé không thấy nhóm biệt kích thì cứ để nó đi. Còn nếu nó thấy thì bắt nó”.
Thằng bé và đàn dê đủng đỉnh bước tới. Trong bộ quần áo “kamo” ngụy trang, nhóm biệt kích như lẫn vào đất đá nên họ hy vọng nó sẽ chẳng phát hiện được. Thế nhưng lúc vừa đến gần thiếu úy Danny P. Dietz, phó chỉ huy của nhóm thì nó bỗng dừng lại.
Cặp mắt nó nhìn chăm chăm xuống đôi giày trận màu vàng sa mạc của Dietz, thò ra từ một ngách đá. Biết là đã bị lộ, Dietz bật dậy và vừa đưa ngón tay lên môi ra dấu cho nó im lặng, Dietz vừa kéo nó ngồi xuống.
Giây lát, nhóm SEAL 10 vây quanh thằng bé. Bằng thổ ngữ Pastun, thiếu úy Matthew G. Axelson hỏi: “Cháu ở đâu? Tên gì? Có ai đi cùng với cháu không?”. Nó đưa tay chỉ xuống phía dưới: “Làng Abbas Ghar, cháu là Abdulah. Cháu đi một mình”.
Alexon hỏi tiếp: “Trong làng có Taliban không?”. Nó lắc đầu. Alexon lại hỏi: “Có ai trong làng có súng không”. Thằng bé ngần ngừ một lát rồi gật đầu: “Có ạ”.
Theo lệnh của chỉ huy Murphy, Axelson giải thích cho thằng bé biết nhóm SEAL 10 “chỉ là những lính Mỹ đi ngang qua khu vực này thôi”.
Trung sĩ Luttrell kể: “Lúc ấy chúng tôi có 2 ý kiến. Một là cứ thả nó đi chăn dê vì cuộc đột kích vào làng Abbas Ghar để bắt Ahmad Shah Dara-I-Nur dự kiến chỉ kéo dài 1 tiếng. Nếu muốn xuống núi để báo động thì nó cũng không thể đi nhanh hơn nhóm SEAL 10 được. Hai là trói nó nhưng vẫn để hai tay của nó có thể lấy được cái bánh bột ngô và bình nước mà nó mang theo. Khi cuộc đột kích thành công, chúng tôi sẽ báo cho một ai đó trong làng, lên núi cởi trói cho nó”.
Cuối cùng, trung úy Murphy quyết định thả thằng bé vì ông tin rằng nó chỉ là một đứa chăn dê vô hại. Lúc được thả ra, thằng bé lùa đàn dê men theo một sườn đá quanh co rồi khi vừa khuất khỏi tầm mắt của nhóm biệt kích, nó chạy như bay xuống núi, bỏ lại những con dê vẫn bình thản nhai những đọt chà là.
Một quyết định đẫm máu
Quyết định xem ra có vẻ nhân đạo của trung úy Murphy là một sai lầm và từ sai lầm này lại dẫn đến một sai lầm khác. Đó là sau khi nhìn thấy đàn dê nhưng không thấy thằng bé đâu nữa, trung úy Murphy thay vì phải di chuyển ngay thì ông lại ra lệnh cho nhóm SEAL 10 nằm lại chờ xem động tĩnh.
Trung sĩ Luttrell kể: "Chỉ khoảng nửa giờ sau, bất ngờ có 2 tiếng nổ của đạn súng phóng lựu B40 lần lượt nện ngay giữa đội hình chúng tôi, kèm theo đó là từng tràng trung liên RPD và AK vang lên chát chúa. Chiếm vị trí thượng phong, Taliban dựa vào những tảng đá trên cao, bắn xối xả xuống". Người tử trận đầu tiên là hạ sĩ Eric S. Patton, anh ta bị một viên AK xuyên qua cổ.
Bò ra khỏi chỗ ẩn nấp để kéo xác Patton, trung sĩ Daniel R. Healy trúng đạn vào bụng. Vũ khí của nhóm SEAL chỉ gồm những khẩu tiểu liên HK 34 với ống phóng lựu 40mm nên hỏa lực của họ bị 200 tay súng Taliban áp đảo. Đã vậy, mỗi người trong nhóm SEAL 10 chỉ mang theo 10 băng đạn, tổng cộng 200 viên nên họ phải tiết kiệm từng phát một.
Theo trung sĩ Luttrell, Taliban bắn dữ dội đến nỗi nhóm biệt kích không thể di chuyển được: “Cuối cùng, trung úy Murphy phải dùng điện đàm, gọi về căn cứ xin cứu viện vì đạn dược đã gần hết”.
Đến gần trưa, lại thêm trung úy Murphy, thiếu úy Dietz và thiếu úy Axelson bị giết, chưa kể trung sĩ Daniel R. Healy cũng đang hấp hối mà Taliban thì không hề có ý định ngừng cuộc bao vây. Cả nhóm SEAL 10 bấy giờ chỉ trung sĩ Luttrell và trung sĩ James Suh là còn nguyên vẹn.
Luttrell kể: “Cứ vài phát tiểu liên, tôi và James Suh lại lắp quả 40mm vào ống phóng rồi bắn lên phía trên, cốt để tụi Taliban biết rằng lực lượng của chúng tôi vẫn còn nhiều”. Đâu được chừng nửa tiếng, James Suh kêu to: “Tôi hết đạn”.
Móc một băng trong túi quần, Marcus Luttrell ném cho James Suh nhưng khi anh ta vừa chồm ra để lấy băng đạn thì một quả B40 nổ ngay trước mặt. James Suh chết không kịp trối.
1 giờ chiều, hai trực thăng Apache AH-64 xuất hiện, phóng tên lửa xuống các vị trí của Taliban. Một chiếc Chinook MH-47 khác trong lúc hạ thấp độ cao để chuẩn bị đổ quân cứu viện thì lĩnh trọn một quả B40 của 1 tay súng Taliban bắn theo kiểu cầu vồng. Chiếc MH 40 nổ tung, 16 lính Mỹ trên máy bay thiệt mạng.
Lúc này, trung sĩ Marcus Luttrell cũng đã bị thương. Một viên đạn bắn trúng vai ông còn một viên khác găm vào đùi ông. Ông kể: “Tôi vừa bò, vừa lết xuống núi. Lúc ấy tôi không hy vọng mình sẽ được cứu vì sau khi chiếc MH 47 bị bắn hạ, hai trực thăng vũ trang phải bay vọt lên cao, vừa bay vừa tránh những tràng súng máy. Sau đó, cả 2 chiếc đều cùng biến mất”.
Bò đến bờ sông, Marcus Luttrell ngất xỉu vì mất máu. May mắn thay, một nông dân Afghanistan là Mohammad Gulab Khan - và đồng thời cũng là thành viên của Hội đồng làng Salar Ban - khi ra sông lấy nước đã nhìn thấy ông.
Chứng kiến những chiếc máy bay Mỹ phóng tên lửa xuống sườn núi cũng như nhìn vào bộ quân phục, Khan biết Luttrell là lính Mỹ. Khan kể: “Tôi khiêng ông ấy lên chiếc xe bò, phủ rơm kín người ông ấy rồi đưa về làng Salar Ban”.
Được sơ cứu, trung sĩ Luttrell tỉnh lại. Do Mohammad Gulab Khan không biết tiếng Anh, còn Luttrell không nói được tiếng Pastun nên Luttrell chỉ biết ra dấu cho Khan hiểu, rằng ông muốn nhờ Khan thông báo cho bất kỳ một đơn vị lính Mỹ nào ở gần nhất, biết về số phận của ông.
Ơn này khó trả
Tin tức về việc Mohammad Gulab Khan cứu một lính Mỹ lan đi nhanh chóng. Ngay sáng hôm sau, một nhóm 4 tay súng Taliban đến làng Salar Ban, đề nghị Khan giao nộp Luttrell cho họ. Đổi lại, họ sẽ trả cho Khan 1.000USD.
Marcus Luttrell và Mohammad Gulab Khan gặp nhau ở Texas, Mỹ.
Khan nói: “Tôi thẳng thắn từ chối vì tôi biết Taliban sẽ hành quyết người lính Mỹ ấy mặc dù khi từ chối, tôi đã đặt toàn bộ ngôi làng Salar Ban vào vòng nguy hiểm. Phía ACM cũng vậy, họ cũng đòi tôi giao lính Mỹ cho họ. Tuy nhiên, theo luật Pashtunwali được truyền lại từ đời này qua đời khác, chúng tôi có trách nhiệm phải bảo vệ người bị thương, cho dù họ ở bất kỳ phe phái nào”.
Để đề phòng Taliban tấn công vào làng bắt Luttrell, Mohammad Gulab Khan huy động tất cả những tay súng trong làng, chuẩn bị đánh trả nhưng đến chiều, một đại đội Thủy quân lục chiến Mỹ khi nhảy xuống sườn núi Sawtalo Sar để thu lượm các xác chết rồi lúc tiến vào làng Salar Ban, họ tìm thấy Luttrell.
Sau khi chữa lành các vết thương, Luttrell trở về Mỹ. Năm 2007, ông quay lại làng Salar Ban gặp Mohammad Gulab Khan. Lúc đó Luttrell mới biết cái giá mà Khan đã phải trả khi cứu ông là không lâu sau khi ông gặp được lính Mỹ, hai người em của Khan bị Taliban hành quyết.
Ngay lập tức, Luttrell viết một bản thỉnh nguyện, gửi Tư lệnh Lực lượng SEAL và Chính phủ Mỹ, đề nghị cho phép ông được bảo lãnh Mohammad Gulab Khan cùng gia đình sang định cư ở Mỹ vì tính mạng Khan và của những người còn lại trong gia đình ông sẽ không an toàn chừng nào quân đội Mỹ và quân Chính phủ Afghanistan chưa tiêu diệt hết Taliban.
Tuy nhiên, lời thỉnh cầu của Luttrell bị từ chối vì theo Cục Di trú Liên bang Mỹ, nước Mỹ từ trước đến nay vẫn chưa có tiền lệ này.
Năm 2008 rồi 2010, Luttrell đã hai lần mời Mohammad Gulab Khan sang bang Texas, Mỹ, thăm ông. Những người hàng xóm của Luttrell mô tả: “Họ như anh em ruột và chúng tôi biết rằng không gì có thể phá vỡ sợi dây tình cảm thiêng liêng giữa họ”.
Nhắc lại cuộc tấn công nhóm SEAL 10, Mohammad Gulab Khan cho biết thằng bé chăn dê không hề báo cho Taliban biết về sự có mặt của lính Mỹ, mà chính tiếng động cơ của những chiếc trực thăng đã khiến lực lượng Taliban đóng quân dưới sườn núi nghi ngờ. Sợ bị tập kích, họ quyết định rút lên núi và oan gia thay, 6 biệt kích SEAL vô tình phải đương đầu với 200 tay súng Taliban…