Kính áp tròng là một vật dụng hoàn hảo giúp cải thiện thị lực ở những người bị cận. Nó khá nhỏ gọn và đem lại sự thoải mái cho người đeo hơn so với kính mắt. Tuy nhiên do là vật dụng quá nhỏ gọn và dễ tiêu hủy nên kính áp tròng (contact len) đang vô tình trở thành một nguồn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Theo một nghiên cứu mới đây được trình bày tại Hội nghị Quốc gia lần thứ 256 của Hội hóa học Mỹ, kính áp tròng là nguyên nhân gây ô nhiễm và sản sinh ra các hạt nhựa siêu nhỏ trên sông, hồ và đại dương.
Tiến sĩ Rolf Halden thuộc Đại học bang Arizona, trưởng nhóm nghiên cứu chia sẻ: "Tôi đã đeo cả kính mắt lẫn kính áp tròng trong suốt cuộc đời mình. Nhưng tôi bắt đầu tự hỏi, liệu đã có ai nghiên cứu về việc người ta tiêu hủy kính áp tròng ra sao sau khi không còn sử dụng?"
Halden, một trong ba người thuộc nhóm nghiên cứu cho biết, cả nhóm đã tiến hành nghiên cứu tình trạng ô nhiễm hạt nhựa xảy ra sau khi tiêu hủy kính áp tròng đã qua sử dụng.
Kết quả họ phát hiện thấy một lượng lớn khoảng 6-10 tấn kính áp tròng có trong nguồn nước thải tại Mỹ. Hầu hết kính áp tròng đều nằm dưới đáy đường cống nước.
Rolsky cho biết: "Chúng tôi bắt đầu theo dõi thị trường Mỹ và tiến hành các khảo sát trên người đeo kính áp tròng. Nhóm nhận thấy có 15-20% người đeo kính áp tròng đang xả kính xuống bồn rửa hoặc bồn cầu. Đây là một con số rất lớn vì có khoảng 45 triệu người Mỹ đang đeo kính áp tròng".
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu dường như đã gặp khó trong việc xác định xem liệu có bao nhiêu kính áp tròng đang ảnh hưởng đến môi trường. Không giống các loại chất thải nhựa khác chủ yếu chứa polypropylene, kính áp tròng được làm từ sự kết hợp của silicones, uoropolymers và methylmethacrylate.
Nhóm đã xem xét các polyme sử dụng để làm kính áp tròng của 5 nhà nhà sản xuất, sau đó thu thập mẫu kính áp tròng lấy từ các nhà máy xử lý nước thải.
Rolf Halden và cả nhóm nhận thấy, các thấu kính áp tròng dễ bị vỡ hơn so với các loại nhựa khác khi tiếp xúc với môi trường. Do kính áp tròng không bị phân hủy trong nhà máy xử lý nên chúng dễ bị trôi qua đường nước thải ra bên ngoài.
Kelkar giải thích: "Khi cấu trúc của nhựa bị phá vỡ, nó sẽ tạo ra các hạt nhựa nhỏ hơn hay còn gọi là microplastic (hạt nhựa có kích thước dưới 5nm)".
Tác hại của kính áp tròng nếu không được xử lý sẽ là rất lớn nhưng nhóm tác giả khẳng định cần có thêm nhiều nghiên cứu khác để đánh giá một cách chính xác nhất mọi tác động.
Halden kỳ vọng, các nhà sản xuất kính áp tròng sẽ có những công nghệ chế tạo kính áp tròng mới có khả năng phân hủy hoặc ít nhất hạn chế tối đa tác động của kính áp tròng với môi trường đất và biển.