Ngay cả thiên đường của bitcoin cũng đang chuẩn bị cấm giao dịch bằng đồng tiền số này

Anh Sa |

Người dân Bali cho biết bitcoin chủ yếu được sử dụng bởi những người nước ngoài đến ở trên đảo.

Mới đây, một quan chức Indonesia cho biết chính phủ nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á này đang tiến hành điều tra về tình hình sử dụng bitcoin tại hòn đảo nghỉ dưỡng Bali giữa những cảnh báo mà NHTW quốc gia này đưa ra về rủi ro của tiền số.

Theo ông Causa Iman Karana - người đứng đầu văn phòng đại diện của Ngân hàng trung ương Indonesia tại Bali, cuộc điều tra được mở ra sau khi NHTW phát lệnh cấm sử dụng tiền số trong hệ thống thanh toán.

"Chúng tôi nhận thấy có một số phát ngôn trên mạng xã hội nói rằng Bali là thiên đường để giao dịch bitcoin", ông Karana nói.

Vào cuối năm 2017, giới chức NHTW và cảnh sát đã phát hiện ra nhiều quảng cáo online cung cấp dịch vụ thanh toán bitcoin từ các cơ sở kinh doanh tại Bali.

Ông Karana cho biết nhóm điều phát hiện ra 2 quán cafe sử dụng bitcoin làm phương tiện thanh toán. Ngoài ra, 44 cơ sở kinh doanh khác bao gồm cửa hàng cho thuê xe ô tô, khách sạn, công ty du lịch và cửa hàng trang sức, trước đó có dịch vụ này, song đã dừng lại.

Một trong 2 quán cafe chỉ nhận bitcoin để thanh toán với hóa đơn trên 243.000 rupiah, tương đương với khoảng 0,001 bitcoin. Mỗi một giao dịch sẽ mất khoảng nửa giờ để xác nhận với chi phí 123.000 rupiah. Do điều kiện giao dịch khó khăn nên hình thức này không được nhân rộng đối với nhiều người.

Cũng theo ông Karana, sắp tới NHTW Indonesia cùng với Đội Điều tra tội phạm đặc biệt ban hành quy định tất cả các giao dịch tại Indonesia phải sử dụng đồng rupiah.

Người dân Bali cho biết bitcoin chủ yếu được sử dụng bởi những người nước ngoài đến ở trên đảo. Hòn đảo Bali là thiên đường du lịch của Indonesia với 80% khách du lịch là người nước ngoài và một cộng đồng người nước ngoài lớn đang sinh sống tại đây.

Trước đây, NHTW từng tuyên bố sở hữu tiền ảo là hành động chứa nhiều rủi ro và có chiều hướng bị thao túng bởi không có cơ quan nào chịu trách nhiệm hoặc chính thức quản lý chúng cũng như không có một tài sản đảm bảo nào để đưa ra cơ sở định giá.

Tiền ảo cũng có thể được sử dụng để rửa tiền và cung cấp tài chính cho bọn khủng bố, làm ảnh hưởng đến tính ổn định của hệ thống tài chính và gây ra tổn thất cho xã hội.

Giới chức thế giới vẫn đang tiếp tục vật lộn với việc hạn chế rủi ro gây ra bởi tiền số, điển hình là bitcoin - đồng tiền số tăng trưởng 1.700% trong năm ngoái.

Tuần trước, giá bitcoin bị sụt giảm mạnh sau khi giới chức Hàn Quốc tuyên bố cấm giao dịch tiền số ở trong nước.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại