Với sự đắc cử của ông Donald Trump, một người có xu thế hướng nội, không thân thiện với tự do hoá thương mại, tương lai của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã trở nên mù mịt.
Không chỉ TPP, mà có vẻ như chính sách dưới thời vị Thổng thống Mỹ thứ 45 này cũng sẽ siết chặt lại việc nhập khẩu từ bên ngoài và yêu cầu các công ty của Mỹ trở lại sản xuất trong nước thay vì việc đặt hàng bên ngoài như xu hướng outsourcing trước đây.
Đây là việc hoàn toàn có thể xảy ra, bởi lẽ, trong suốt quá trình tranh cử của mình, ông Donald Trump đã liên tục nói về vấn đề công ăn việc làm cho người Mỹ và đổ tội cho các nước với nguồn nhân công giá rẻ như đã “cướp việc” của người Mỹ.
Do đó, nếu những chính sách sắp tới được thực hiện theo hướng đó thì những ngành chính ở Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ sẽ gặp nhiều khó khăn, trở ngại nhiều hơn.
Tuy nhiên, ngay cả khi TPP có được Donald Trump thông qua, ngay cả khi vị Tổng thống này có thái độ tích cực hơn về tự do hoá thương mại, vẫn tồn tại một yếu tố khác, có thể ảnh hưởng không tốt đến kinh tế Việt Nam.
“86% công nhân dệt may Việt Nam đối mặt với nguy cơ mất việc trong hai thập kỷ tới, đối với công nhân Indonesia và Campuchia, tỷ lệ này lần lượt là 64% và 88%”, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho biết trong một báo cáo hồi tháng 7 năm nay.
Nguyên nhân lý giải cho việc này là bởi “sự trỗi dậy” của máy móc công nghệ cao. Cụ thể, các công nghệ như in 3D, công nghệ Nano, tự động hoá robot... chính là chuyển biến lớn bởi chúng lắp ráp tốt hơn, rẻ hơn, tăng khả năng hợp tác với con người.
Cũng tại thời điểm đó, khi mà TPP đang được xúc tiến thuận lợi, ILO cũng thẳng thắn chỉ ra, dù dệt may Việt Nam được đánh giá là sẽ hưởng lợi nhiều khi TPP có hiệu lực nhưng các nước đang cạnh tranh nhờ lực lượng lao động giá rẻ cần phải định vị lại.
Theo đó, lợi thế về nhân công giá rẻ đã không còn có khả năng duy trì trong tương lai bởi sức ép lớn từ xu hướng tự động hoá.
“Những nhà nhập khẩu khi áp công nghệ tự động hoá vào sản xuất sẽ khiến cho giá nhân công trong nước họ giảm hơn rất nhiều và họ sẽ quay trở về sản xuất trong nước chứ không đi đặt hàng nước ngoài nữa!”, chuyên gia Phạm Chi Lan nhận định.
Do đó, theo bà, nếu nhìn từ quan điểm đó thì “giấc mơ” xuất khẩu được 50 tỷ USD ngành dệt may nếu như gia nhập TPP sẽ không xảy ra.
“Tôi không nghĩ chiều hướng đó sẽ xảy ra, ngay cả khi ông Donald Trump có đồng ý với TPP đi chăng nữa thì xu hướng công nghệ sẽ khiến cho Việt Nam không đạt được con số đó!”, bà Chi Lan khẳng định.
Như vậy, dù muốn hay không cũng phải thừa nhận rằng công nhân giá rẻ đang dần không còn là lợi thế của Việt Nam. Việt Nam bắt buộc phải chuyển đổi, không thể dựa mãi vào lao động giá rẻ như trước.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, ngành gia công tuy mang lại kim ngạch xuất khẩu nhất định nhưng đồng thời cũng kìm hãm sự phát triển của Việt Nam. Cụ thể, người lao động bị kìm lãm trong vòng lao động giá rẻ, những chương trình đào tạo nâng cao tay nghề của Nhà nước cũng vì thế bị hạn chế...
“Làm lao động giá rẻ mãi thì năng suất lao động bình quân của Việt Nam mãi thấp, Việt Nam sẽ không thể vượt lên trong cạnh tranh toàn cầu”, chuyên gia Phạm Chi Lan cho biết.
Do đó, Việt Nam cần phải tìm hướng đi khác cho người lao động, chuẩn bị sẵn sàng cho lực lượng lao động trong tương lai ở những ngành khác, chứ không phải là mãi “ngồi đạp máy khâu”.