Đến Trung tâm Bảo trợ xã hội số 3 Hà Nội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội) những ngày đầu tháng 3, chúng tôi cảm nhận được một không khí thoáng đãng, sạch sẽ, với các cụ ông, cụ bà tuy đã già, nhiều bệnh tật nhưng lại có làn da hồng hào và nụ cười luôn nở trên môi.
Trung tâm Bảo trợ xã hội số 3 Hà Nội trụ sở tại Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội đang nuôi dưỡng gần 160 người, trong đó có hơn 70 người là các cụ cao tuổi neo đơn.
Không ít người trong số đó đã có thâm niên 10 - 20 năm tại đây.
Với các cụ, được về chung một nhà, ở chung một đại gia đình, có bạn bè trò chuyện, điều dưỡng chăm sóc… là niềm an ủi vô cùng lớn khi ở vào lứa tuổi không thể lao động để nuôi dưỡng bản thân.
Tham gia buổi trò chuyện tặng quà nhân ngày 8/3, ông Kỳ khoe đã chọn bộ đồ “đỏm dáng” nhất để đến gặp, còn hát tặng các bà bài hát ưa thích của ông với 4 thứ tiếng. Rồi các cụ bà cũng đáp lại những lời hát của các cụ ông bằng những vần thơ, lời hát tự sáng tác…
Tuy lời bài hát có thể không nghe được rõ ràng nhưng có thể thấy được niềm vui trong đôi mắt mỗi cụ ông, cụ bà tại đây.
Bà Hoàng Thị Kim Loan ở tuổi 85, bà không nhớ chính xác thời điểm được vào ở đây là khi nào. Bà chỉ nhớ đây là nơi “đất lành chim đậu”.
“Ở ngoài cô đơn, buồn tủi. Vào đây đỡ cô đơn. Có người nói chuyện, có hộ lý, bác sĩ thăm khám… có cơm ăn, không bị đói. Tôi bị huyết áp cao. Sáng nào các cô cũng phát thuốc rồi nhắc nhở uống. Tôi còn được học dưỡng sinh múa gậy. Văn nghệ tôi không tham gia được chứ múa gậy tôi còn biểu diễn rồi đấy”, bà Loan hào hứng.
Bà Nguyễn Kim Chung chia sẻ: “Nhà tôi có 7 anh em nhưng đều không lấy vợ lấy chồng gì. Tôi may mắn vào đây, ăn ở thoải mái, thi thoảng có đoàn đến thăm, tặng quà. 55 tuổi tôi được 36kg, vào đây bây giờ là 55kg rồi. Tôi còn khỏe nên tham gia múa chính trong đội văn nghệ. Sáng ra quét sân, quét nhà… Lao động được thấy mình có ích. Vui lắm”.
Hơn 10 năm sống tại trung tâm, bà Lê Thị Minh, 82 tuổi là một trong những giọng hát chèo chủ lực của đội văn nghệ các cụ. Hầu như không buổi hoạt động, giao lưu nào mà thiếu vắng sự tham gia của bà. Với bà Minh, trung tâm là nơi trao yêu thương để nhận yêu thương. Ở đây, ai cũng là người trong gia đình.
“Năm nào cũng có vài dịp văn nghệ, hát hò vui lắm. Vướng 2 năm Covid-19. Năm nay thì sửa nhà nên bộn bề, bụi bặm không tổ chức được, chứ không là có văn nghệ hát múa rồi đấy. Sinh hoạt có văn hóa, văn nghệ, dưỡng sinh… chị em nào thích môn gì là tham gia”, bà Minh nói.
Chăm người già đã khó, chăm sóc người già neo đơn càng đòi hỏi sự nỗ lực, kiên trì và lòng yêu thương nhiều hơn. Đối với bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết, suốt hơn 20 năm gắn bó với nghề, chị luôn tâm niệm coi những người nơi đây từ trẻ nhỏ đến các cụ già như người thân trong gia đình, bởi có lẽ thời gian các chị dành cho các cụ đôi khi còn nhiều hơn cả thời gian dành cho gia đình.
“Trước khi về sống tại trung tâm, dường như ai cũng có những câu chuyện đời rất riêng, thậm chí có trường hợp chịu tổn thương sâu sắc, không dễ xoa dịu. Cùng với đó, đa số trường hợp mắc các chứng bệnh phổ biến của người già như huyết áp, xương khớp, tim mạch, khó ngủ… đòi hỏi phải có chế độ chăm sóc, điều trị đặc biệt. Chúng tôi không chỉ thực hiện nhiệm vụ thăm khám thông thường của bác sĩ mà còn là người cùng chăm sóc cơm nước, tắm rửa, vệ sinh… hay cùng tâm sự với các cụ. Có như vậy, chúng tôi mới có thể quan sát và xác định bệnh tật điều trị cho các cụ, bởi tuổi già nhiều khi không nói rõ được biểu hiện bệnh”, chị Tuyết bày tỏ.
Chịu trách nhiệm quản lý 3 cơ sở của Trung tâm Bảo trợ xã hội số 3 Hà Nội, Giám đốc Trần Thị Hải vẫn có thể dễ dàng điểm tên, nhớ bệnh… thậm chí nhớ được cả quê quán của các cụ đang sống tại trung tâm. Những dịp lễ trong năm, đặc biệt là dịp 8/3 cận kề, trung tâm cũng chuẩn bị những món quà riêng dành tặng cho các cụ bà. Món quà nhỏ nhằm động viên tinh thần các cụ, giúp các cụ an vui tuổi già.
Chị Trần Thị Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ Xã hội số 3 cho biết: "Ở trung tâm, chúng tôi xác định việc chăm sóc y tế, dinh dưỡng và đời sống tinh thần phải luôn luôn song hành góp phần bù đắp lại thiệt thòi cho các cụ, để các cụ coi trung tâm là nhà và cán bộ trung tâm là người thân, yên tâm gửi gắm tuổi già của mình".